Hở tí là "bóc phốt" công ty: Cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến cả tập thể
Nhiều người hiện nay dần xem mạng xã hội là nơi giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng mà mình gặp phải. Họ sẵn sàng 'bóc phốt' nhau lên các diễn đàn bằng các bài đăng công kích từ cá nhân đến tập thể.
Đi làm thấy công ty không ưng ý là "bóc phốt" đã trở thành thói quen phổ biến của một bộ phận giới trẻ. Việc này rất đơn giản, có thể thực hiện bất kỳ ai từ nhân viên công ty đến cả những thành viên đã nghỉ việc. Sự phổ biến của việc xuất hiện nhiều trường hợp bóc phốt nhau như vậy đến từ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
Việc tố ai đó giờ đây đơn giản chỉ bằng bài đăng trên không gian mạng. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Tưởng chừng chẳng hề ảnh hưởng đến ai, song đôi lúc là cả hệ lụy phía sau cho một tổ chức và ảnh hưởng đến rất nhiều người liên quan.
Mọi thứ đến từ cảm xúc nhất thời
"Trải qua mấy tháng làm việc mình bị sai vặt rất nhiều, thậm chí còn bị đuổi việc" , đó là dòng tâm sự của bạn Nguyễn Huyền Chi (22 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Thương Mại). Huyền Chi cho biết, khi vừa ra trường, Chi đã xin vào một công ty công nghệ làm việc, mức lương ban đầu được báo là 10 triệu và phải thử việc 2 tháng.
Thời gian thử việc, Chi không được làm những kiến thức chuyên môn vị trí mình xin vào mà toàn làm các việc cơ bản như: Đi in giấy tờ, test các sản phẩm của công ty,... đôi lúc là làm các công việc sai vặt. Mức lương mỗi tháng chỉ vọn vẻn 4 triệu và được công ty báo là khi chính thức sẽ tăng như đã nói. Tuy nhiên, sau 2 tháng, Huyền Chi không được tăng lương hay làm đúng việc, thậm chí cô còn bị cho nghỉ vì lý do không phù hợp. Quá bức xúc, Chi đã đăng bài lên diễn đàn việc làm để tố công ty.
Bài đăng của Huyền Chi nhanh chóng thu hút rất nhiều người tạo nên cuộc tranh luận trên diễn đàn MXH. (Ảnh: Huyền Chi)
Nhớ lại khi ấy, Huyền Chi cho biết đó chỉ đơn thuần là cảm xúc cá nhân, cô chia sẻ: "Thật sự lúc đăng tải mình cũng không suy nghĩ gì nhiều, chỉ thấy tức quá nên làm thế, chỉ muốn giải tỏa những gì mình phải chịu trong 2 tháng làm việc, dù đã hy vọng rất nhiều về một môi trường hợp lý. Tuy nhiên, lại rơi vào cảnh mà mình không hề nghĩ đến".
Lúc đăng tải có rất nhiều người cũng vào đồng cảm, bức xúc với chuyện mình gặp phải. Lượt like và bình luận cứ thế tăng lên, thế nhưng, chỉ 1 ngày sau mình thấy chuyện ấy thật vô nghĩa. Thay vì bức xúc, mình dành thời gian đó gửi CV, tìm việc mới còn hơn", Chi tâm sự thêm.
Bị mất việc, thay vì thay đổi, nhiều bạn trẻ chọn cách tố cáo công ty về cách làm việc. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nếu như các vấn đề xoay quanh công ty được giấu kín, thì không ai có thể biết chính xác những gì đang xảy ra. Việc nói thẳng vấn đề công ty lên mạng, nhiều người xem đó là cách giúp tạo ra sự minh bạch. Minh Huy, hiện đang là sinh viên năm 3 của trường đại học tại Hà Nội cho biết: "Ban đầu mình chưa bao giờ nghĩ đến việc bóc phốt công ty lên mạng xã hội. Đến khi lướt mạng thấy nhiều bài đăng dạng vậy mình cũng thấy thú vị và cũng thử đăng tải vài câu chuyện bức xúc tại công ty cũ mình làm" .
Huy cho biết, giai đoạn dịch bệnh năm 2020, Huy thực tập online tại một công ty. Thế nhưng, sau kỳ thực tập thì bị đánh giá là không hòa nhập với mọi người. Nhìn nhận lại bản thân, Huy cho biết có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng từ việc bị giãn cách không thể đến công ty, khối lượng công việc quá ít và Huy chỉ làm việc với 3 người trong công ty.
Việc đánh giá không hòa nhập khiến Huy khó hiểu và cảm nhận không công bằng. Sau đó, Huy đã đăng một bài viết nhằm cảnh báo bạn bè, một nhóm người mà anh chàng chơi chung để không dính vào công ty ấy. "3 năm trôi qua, mình thấy việc bóc phốt công ty cũng không giúp giải quyết vấn đề gì" , Huy nói thêm.
Việc đăng tải những bài viết đôi khi chỉ giải tỏa cảm xúc nhất thời. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Ảnh hưởng đến rất nhiều người
Khi thông tin xoay quanh một công ty được tiết lộ, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến uy tín và danh tiếng của công ty, dẫn đến sự mất niềm tin từ khách hàng và đối tác kinh doanh. Nhân viên trong công ty cũng có thể chịu ảnh hưởng hoặc bị làm phiền trên mạng.
Thật sự là vậy, nếu bạn là người từng trải qua việc làm ở một công ty bị tố, bóc phốt một điều gì đó trên mạng, bạn sẽ hiểu cảm giác nhiều người đã phải trải qua. Chỉ một bài đăng từ một tài khoản ẩn danh nào đó cũng có thể trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Rồi tự nhiên, một người bạn nhắn tin và hỏi: "Ê công ty làm gì bị người ta phốt kìa, có chuyện gì thế?". Thay vì như vậy, muốn giải quyết cụ thể vấn đề thì việc ngồi lại nói hết ra, góp ý thẳng có khi hiệu quả hơn.
Thay vì tranh cãi, ngồi lại vấn đề có thể sẽ được giải quyết tốt hơn. (Ảnh minh họa: Harper's Bazaar)
Chị Kim Ngân (28 tuổi, HR một công ty truyền thông) chia sẻ: "Công ty mình làm từng dính phốt của một bạn làm việc khoảng một năm. Khi bạn ấy nghỉ việc đã đăng bài chỉ trích cấp trên công ty làm việc thiếu công bằng, bức ép nhân viên. Sau đó, công ty đã phải tạm khóa MXH vì quá nhiều người chỉ trích dù chưa tìm hiểu rõ vấn đề. Các nhân viên công ty cũng ảnh hưởng, loạn hết cả lên. Mãi cả tuần sự việc mới tạm ổn, công ty phải lên bài giải thích rõ ràng vụ việc trên. Thật sự, đôi lúc việc đăng tải thoải mái như vậy cũng là chủ đề nhức nhối" .
Rất nhiều hậu quả tiêu cực không lường trước được phía sau bài đăng bóc phốt công ty. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Việc giải quyết các vấn đề trên mạng xã hội đôi khi luôn gắn với những điều không tích cực và thậm chí còn có nhiều người nói sai sự thật để tạo nên tranh cãi. Những bài đăng bóc phốt thường do ngẫu hứng, không có sự đồng ý của đối phương. Từ đó tạo nên hậu quả không thể lường trước được bởi trên mạng không phải ai cũng có thể sàng lọc thông tin một cách thông minh.
Không "bóc phốt" thì phải làm gì?
Hành động "bóc phốt" một công ty trên mạng xã hội có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng tới cá nhân, tổ chức. Trước khi chỉ trích công khai một công ty trên mạng xã hội, quan trọng là phải đảm bảo những điều mình mình nói là đúng và đủ bằng chứng, vì nếu bạn đưa ra những thông tin sai, chính bạn sẽ là người chịu hậu quả.
Nếu bạn có trải nghiệm tiêu cực trong công việc, bạn nên cố gắng giải quyết vấn đề trực tiếp với công ty đó trước tiên. Điều này có thể được thực hiện bằng cách liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc nộp phản hồi qua các kênh chính thức của công ty. Đó có thể sẽ là cách sẽ giúp bạn nhận được câu trả lời thỏa đáng hơn thay vì việc chỉ trích trên mạng xã hội.
Rất nhiều người trẻ muốn khẳng định năng lực của bản thân. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Còn nếu bạn quyết định bóc phốt, nói thẳng rõ một vấn đề công ty trên MXH, thì quan trọng đó là sự chuyên nghiệp. Hãy đảm bảo rằng, bạn không đưa ra những cuộc tranh cãi ảnh hưởng đến cá nhân hay tập thể.
Hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Cuối cùng, việc bóc phốt không chỉ đơn thuần là nói thẳng ra một vấn đề, mà đó còn là việc phát triển các kỹ năng giao tiếp, tư duy tích cực và khả năng giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả. Bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của mình bằng cách để lại bình luận ngay bên dưới nhé.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Việc "bóc phốt" công ty lên mạng xã hội là một hành động có thể gây ảnh hưởng lớn đến cả tập thể. Trong khi có thể đem lại lợi ích ngắn hạn cho cá nhân, nó cũng có thể gây thiệt hại cho công ty và những người liên quan. Việc đưa ra cảm xúc cá nhân một cách trung thực và xây dựng sự phản hồi tích cực là cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề nội bộ trong công ty. Trong một môi trường làm việc lành mạnh, việc thảo luận và giải quyết vấn đề bằng cách trực tiếp sẽ giúp mọi người cùng học hỏi và phát triển hơn.