Hồ sơ Uber: Tiết lộ động trời về startup đình đám một thời, làm mưa làm gió trong giới khởi nghiệp

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 00:45:55

Uber dùng hàng tỷ USD tiền của các nhà đầu tư để "mua doanh thu".


Vào giữa cuộc đình công đường sắt diễn ra tại Anh vào tháng trước khiến nhu cầu về xe taxi tăng cao ngất ngưởng, một nhóm tài xế Uber đã quyết định họ cũng sẽ đình công trong 24 giờ. Vài trăm người trong số họ đã tuần hành để phản đối văn phòng của Uber ở London, phàn nàn về việc trả lương bèo bọt và quản lý tùy tiện bằng thuật toán.

Abdurzak Hadi, 44 tuổi là một tài xế Uber. Vào ngày đình công, Hadi để con trai út ở trường, sau đó đi từ nhà và dẫn đầu cuộc biểu tình. Hadi là một phần của chiến dịch chống lại những gã khổng lồ công nghệ mang tên David và Goliath.

Anh ấy là một trong 19 tài xế Uber đã đưa công ty ra tòa vào năm 2015 với yêu cầu họ là công nhân được hưởng mức lương tối thiểu hợp pháp. Uber khẳng định rằng các tài xế của họ là các nhà thầu tư nhân, như hãng đã tuyên bố trên toàn thế giới. Các tài xế ở Vương quốc Anh cuối cùng đã thắng kiện khi tòa án tối cao ra phán quyết có lợi cho họ vào năm 2021. Họ đã phải trải qua 6 năm chiến đấu chống lại Uber và khẳng định quyền của họ.

Hadi đã rất kinh ngạc về quá trình này. Anh ta nghĩ: "Chà, làm sao tôi lại là một trong những người ngồi đây trong tòa án này - một người bình thường từ Somalia, xuất thân thiếu thốn, đến London, nói chuyện với những người lái xe nhập cư khác, có thể đưa một tập đoàn khổng lồ ra tòa. Thật không thể tin được. Tôi cảm thấy mình là một phần của lịch sử".

Hadi thích làm tài xế Uber. Anh nhớ rõ sự phấn khích mà anh cảm thấy trước cuộc cách mạng hứa hẹn trên thị trường taxi khi Uber ra mắt ở London. Công ty khởi nghiệp của Mỹ đã nói về việc trao quyền cho các doanh nhân và tạo ấn tượng về sự kết hợp kỳ diệu giữa cung và cầu, nhờ vào thuật toán của họ, sẽ tạo ra những công việc được trả lương cao.

Abdurzak Hadi.

Lúc mới vào, Uber đã cung cấp lượng tiền mặt khổng lồ cho các tài xế và khoản thưởng trị giá 50 bảng Anh cho những khách hàng giới thiệu được bạn bè tham gia. Uber đã sử dụng hàng tỷ USD tiền mặt của nhà đầu tư để trả cho các khoản trợ cấp này nhằm hạ bệ các đối thủ, thu hút các tài xế tham gia vào nền tảng và thống trị thị trường.

"Thời điểm ấy, tất cả những điều đó giống như mật ngọt vậy", Hadi nhớ lại.

Nhưng sau đó mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ. Khi Uber tràn ngập thị trường, thời gian chờ đợi có khách tăng lên. Uber đã tăng hoa hồng mà các tài xế nhận được từ 20% lên 25%. Tuy nhiên, hôm nay, Hadi tính toán rằng anh ấy mất 14 giờ để tạo ra những gì anh ấy đã kiếm được chỉ trong 5 giờ trong những ngày đầu tiên trở thành tài xế Uber. Đến năm 2015, Hadi nhận thấy mình kiếm được quá ít.

Dẫu vậy, khoảnh khắc khiến Hadi "giật mình bừng tỉnh" là khi lần đầu tiên gặp vấn đề với bạo lực. Anh đã chấp nhận đặt chỗ trên ứng dụng cho 4 hành khách nhưng phát hiện 5 người đàn ông say rượu đang chờ lên xe. Hadi từ chối họ vì anh không được phép hoặc không được bảo hiểm cho hơn bốn hành khác. Một trong số họ đã đập vỡ cửa xe của anh ta trong cơn thịnh nộ. Hadi không thể gọi trợ giúp. Cách duy nhất để báo cáo là một tin nhắn thông qua ứng dụng, mà anh ấy nói rằng cảm giác như một câu trả lời tự động.

Hadi gắn bó với Uber vì anh ấy nghĩ rằng nó sẽ giúp mình linh hoạt trong việc lựa chọn nơi làm việc. Con trai Mohamed của anh đang phải điều trị bệnh bạch cầu nên Hadi làm việc cho Uber ở khu vực xung quanh bệnh viện Great Ormond Street, chấp nhận các chuyến đi trong vài giờ một lần trước khi nghỉ việc để thay vợ bên giường bệnh của Mohamed rồi lại đi ra khi có khách gần đó. Nhưng sự linh hoạt không tốt như Hadi mong muốn; anh thường thấy mình bị cho đi rất xa khi cần một cuốc xe về.

Bất chấp mọi nỗ lực, con trai của Hadi đã chết vào năm 2019. Uber cho biết hiện họ tạo điều kiện bảo hiểm cho các tài xế trong những thời điểm khủng hoảng. Nhưng vào thời điểm đó, Hadi không thấy có ích lợi gì khi nói cho Uber biết những gì gia đình mình đã trải qua. "Không có sự tương tác giữa con người với nhau, không ai hiểu được những gì bạn đang phải trải qua. Đó là một hệ thống và do đó, chỉ hệ thống sẽ liên hệ lại với bạn".


ĐỐT TIỀN MUA DOANH THU

Nhiều người trong số hàng triệu tài xế đó sẽ quen với quy mô trả lương hay biến động của Uber. Khi thâm nhập vào các thị trường mới, Uber thường trợ cấp rất nhiều cho các tài xế để thu hút một lượng xe đủ lớn, cung cấp dịch vụ tức thì cho khách hàng và giảm giá cước. "Hồ sơ Uber" được công bố trên tờ The Guardian cho thấy, các khoản trợ cấp này liên quan đến việc chi hàng tỷ USD tiền mặt của các nhà đầu tư và Uber đã tìm cách cắt giảm những gì họ trả cho tài xế càng sớm càng tốt.

Bài thuyết trình trước hàng chục nhà quản lý của Uber, tập trung cho một hội nghị thượng đỉnh tại trụ sở chính ở Amsterdam vào tháng 1/2015 cho thấy Uber đã trợ giá mạnh mẽ như thế nào ở mỗi thành phố khi họ ra mắt và cách họ lên kế hoạch giảm giá, cắt hoa hồng mà những tài xế như Hadi phải trải qua như một tổn thất thu nhập nghiêm trọng.

Vào tháng 10/2014 tại Madrid, bài thuyết trình cho thấy, khoản trợ cấp hàng giờ cho tài xế là 17,50 USD gần gấp đôi giá cước tính theo giờ mà hãng này áp dụng chỉ là 9,10 USD. Tại Berlin, tổng giá cước theo giờ mà Uber tính là 2,20 USD, trong khi trợ cấp mà hãng trả cho tài xế là 10,20 USD một giờ.

Theo lời của bài thuyết trình, Uber đốt tiền mặt để "mua doanh thu". Cũng tại cuộc họp đó, một nhà quản lý cấp cao đã nói về việc cắt giảm trợ cấp.

Ở các thành phố như Paris, nơi Uber đã hoạt động một thời gian, trợ cấp đã bị cắt giảm và công ty chỉ trả các khoản ưu đãi là 0,10 USD/giờ, trong khi mang lại doanh thu 23,40 USD/giờ. Tại Cape Town, các khoản trợ cấp ban đầu của Uber tương đương 4 USD một giờ đã bị cắt gần như bằng không.


Uber đã sử dụng hàng tỷ USD tiền mặt của nhà đầu tư vung tiền trợ cấp nhằm hạ bệ các đối thủ, thu hút các tài xế tham gia vào nền tảng và thống trị thị trường.


Derick Ongansie, 66 tuổi, nhớ rất rõ tác động của việc cắt giảm đó. Anh đã đầu tư vào ba chiếc xe để trở thành một lái xe Uber ở Cape Town vào năm 2014 sau khi nghỉ việc vì bệnh ung thư. Anh ta bị lôi kéo bởi những bài thuyết trình của Uber về số tiền có thể kiếm được. Anh ấy nói trong năm đầu tiên, việc này rất sinh lợi và anh ấy có thể kiếm được số tiền "tuyệt vời", lên đến 290 USD một ngày. Tuy nhiên, một năm sau, anh cho biết, Uber bắt đầu rút lại một số ưu đãi và sau đó họ giới thiệu một dịch vụ Uber mới trả một phần cước phí. "Đó là khi tất cả chúng ta bắt đầu gặp sự cố. Uber đã lừa chúng tôi", anh nói.

Trong năm thứ ba lái xe với Uber, anh nói, chỉ kiếm được khoảng một phần ba số tiền kiếm được trong năm đầu tiên. Sau khi trừ các chi phí, bao gồm nhiên liệu, bảo hiểm, điện thoại và bảo dưỡng xe hơi, anh tính toán tiền lương của mình thường xuống dưới 1 USD một giờ.

Những người lái xe trên khắp thế giới cũng đang cảm thấy những tác động tương tự.

Uber phản bác rằng các khoản trợ cấp lớn ban đầu sau đó là cắt giảm là điều không thể tránh khỏi bởi đó là một phần vốn có của mô hình kinh doanh để mở rộng. "Lợi ích của chúng tôi phù hợp với các tài xế, đảm bảo họ có trải nghiệm tích cực trong việc kiếm tiền trên nền tảng", Jill Hazelbaker, người đứng đầu các vấn đề công cộng của Uber nói.

Hồ sơ của Uber cho thấy rằng khi các tài xế phản kháng, Uber đã điều chỉnh thuật toán để tìm đường thoát. Khi họ giảm giá và thanh toán cho tài xế ở Ý vào tháng 10/2014, một nhà quản lý đã báo cáo lại về một "cuộc đình công, khoảng 50 tài xế. Điều này khiến chúng tôi phải áp dụng mức cao bất thường các ưu đãi trong tuần qua".

Việc sử dụng Dynamic pricing (Định giá linh động) để thao túng quyết định của người lao động về thời gian, địa điểm và thời gian họ làm việc cũng như số lượng tài xế ở bất kỳ khu vực nào, là cốt lõi trong mô hình kinh doanh của Uber. Bằng cách khẳng định rằng các tài xế của họ là các nhà thầu độc lập, họ đã giảm bớt chi phí và rủi ro khi cung cấp dịch vụ vận tải. Uber cũng tự mô tả mình là một công ty công nghệ hơn là một nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng thực tế, tòa án tối cao của Vương quốc Anh nhận thấy rằng họ đã kiểm soát các tài xế rất chi tiết và tài xế là công nhân của họ.

Với chi phí nhiên liệu tăng cao và giá cả cũng leo thang, một số tài xế ngày nay cảm thấy không chỉ bị kiểm soát mà còn bị mắc kẹt. Nhiều người đã vay tiền để mua ô tô theo đặc điểm kỹ thuật của Uber với lời hứa mang lại thu nhập cao. Nhưng khi trợ cấp giảm, họ phải làm việc vất vả trong nhiều giờ.

Chiến thắng tại tòa án tối cao của Hadi và các đồng nghiệp là một bước ngoặt đối với người lao động trong nền kinh tế chia sẻ.

"Với nhu cầu tăng cao sau đại dịch, các tài xế Uber tại Vương quốc Anh đang kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết: Ttrong quý đầu tiên của năm 2022, họ kiếm được trung bình 29,72 bảng mỗi giờ. Sự kết hợp giữa thu nhập cao hơn, các phúc lợi mới như trả lương cho kỳ nghỉ và sự công nhận của tổ chức công đoàn ở Anh đã dẫn đến việc có hơn 10.000 tài xế mới đăng ký với Uber trong những tháng gần đây".

Con số 29,72 bảng là sau khi trừ hoa hồng của Uber nhưng chưa tính đến chi phí thuê xe, bảo hiểm và nhiên liệu của tài xế.

Trên toàn cầu, các tài xế ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hà Lan và Pháp cũng đã giành được quyền làm công nhân của Uber trong một số phán quyết gần đây của tòa án. Ở Nam Phi, Ongansie đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình và là một trong bảy tài xế đưa Uber ra tòa vì quyền của người lao động. Họ đã thắng, nhưng Uber đã lật ngược phán quyết kháng cáo.

Ở London, Hadi hiện thường làm việc 40-50 giờ một tuần trên ứng dụng Uber, trong hơn sáu ngày. Nếu trừ chi phí vận hành, với giá nhiên liệu, anh tính mình kiếm được khoảng 8 euro một giờ theo cách của Uber - thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hợp pháp của Vương quốc Anh là 9,50 euro một giờ. Nếu tính đến thời gian chờ đợi của mình, anh nói chỉ nhận được khoảng 5-6 bảng một giờ sau chi phí. Uber đã không đưa ra bình luận khi đưa ra những số liệu này.

"Không còn mật ong nữa rồi, bây giờ nó là giấm", anh nói.

Vậy tại sao anh ấy tiếp tục làm việc cho Uber? "Tôi thích lái xe và gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người. Và tôi cũng không thể đi nơi khác vì Uber kiểm soát quá nhiều thị trường London, không còn đủ việc làm ở nơi khác". Ngoài ra, công ty xe taxi cũ của anh ấy không còn tồn tại nữa.


Nguồn: The Guardian


Vân Đàm

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook