Hồ sơ Uber: nhiều yếu nhân bị gọi tên
Ngày 10-7, hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Uber (còn gọi là Hồ sơ Uber) đã được giải mã, cho thấy công ty này lách luật, lừa cảnh sát, kích động bạo lực và bí mật vận động các chính phủ để mở rộng quy mô.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động tại San Francisco (Mỹ) từ năm 2010, Uber đã nhanh chóng vươn thành công ty toàn cầu chỉ trong vài năm sau đó. Quá trình mở rộng đó cũng kéo theo không ít nhiều tranh cãi và bê bối.
"Kích động bạo lực"
Trong tuần này, cuộc điều tra của báo The Guardian đã tiết lộ những mặt tối bên trong sự phát triển của "kỳ lân" Uber trước khi trở thành gã khổng lồ trị giá 43 tỉ USD. "Kỳ lân" là từ thường được dùng để chỉ các công ty khởi nghiệp (start-up) được định giá từ 1 tỉ USD trở lên.
Hơn 124.000 tài liệu mật của Uber trong giai đoạn 2013 - 2017 đã bị rò rỉ cho báo The Guardian (Anh) và được chia sẻ với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng như hàng chục hãng tin khác.
Các tài liệu - gồm 83.000 thư điện tử, tin nhắn iMessage và WhatsApp - cho thấy ông Travis Kalanick, lãnh đạo Uber khi đó và cũng là đồng sáng lập công ty, đã tìm cách mở rộng dịch vụ khắp toàn cầu dù phải phạm luật. Uber cũng tìm cách "đi đêm" với các thủ tướng, tổng thống, tỉ phú, tài phiệt và các ông trùm truyền thông để vận động ủng hộ.
Một trong những cách thức mà Uber sử dụng để chinh phục thị trường mới là lợi dụng sự hỗn loạn. Từ Matxcơva (Nga) cho đến Johannesburg (Nam Phi), Uber mạnh tay trợ giá các chuyến đi, thu hút tài xế và khách hàng bằng các chương trình hấp dẫn. Việc Uber nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khiến ngành taxi truyền thống nổi giận.
Năm 2016, tại Paris, hàng ngàn tài xế taxi Pháp và các đồng nghiệp Bỉ, Tây Ban Nha, Ý đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Uber, trong đó xảy ra một số vụ bạo lực với tài xế của Uber.
Theo Hồ sơ Uber, chính ông Kalanick đã yêu cầu các quản lý ở Pháp khuyến khích tài xế Uber tham gia biểu tình đối đầu với các tài xế taxi truyền thống.
Hãng taxi công nghệ Mỹ đã nhanh chóng lợi dụng sự hỗn loạn để gây sức ép, buộc các chính phủ phải sửa luật để cho phép Uber mở rộng hoạt động. Chiến thuật tương tự được áp dụng tại Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ.
Các "đồng minh quan trọng"
Để dập tắt những phản đối và thúc đẩy thay đổi luật, một tài liệu cho thấy Uber đã dành ngân sách 90 triệu USD vào năm 2016 cho các hoạt động vận động và quan hệ công chúng.
Đội ngũ của công ty này đã gặp hàng loạt nhân vật cấp cao khi đó gồm: phó tổng thống Mỹ Joe Biden, bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Ireland Enda Kenny, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thủ tướng Anh George Osborne.
Báo The Guardian đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa ông Emmanuel Macron - hiện là tổng thống Pháp - và Uber, cho biết ông Macron đã "hỗ trợ chiến dịch vận động hành lang của Uber nhằm giúp họ phá vỡ ngành công nghiệp taxi của Pháp" khi ông còn là bộ trưởng.
Theo hồ sơ, ông Macron thậm chí còn nói với công ty công nghệ này rằng ông đã làm môi giới cho một "thỏa thuận" bí mật giữa Uber và những người phản đối hãng công nghệ này trong nội các Pháp.
Hồ sơ cho thấy Uber coi ông Macron là một "đồng minh quan trọng", "đủ thân thiết để có thể liên hệ để được giúp đỡ" khi Uber đối mặt với vấn đề thuế và các vấn đề khác. Ông Macron và các trợ lý được cho là đã làm mọi cách để Uber hoạt động dễ dàng ở Pháp.
Chính trị gia trẻ tuổi Macron khi đó đã thông báo với công ty Mỹ rằng ông đã dàn xếp được một thỏa thuận có lợi cho Uber, trong đó công ty này đóng một dịch vụ không phép gây tranh cãi nhất của mình để đổi lại quy định sẽ được nới lỏng với các dịch vụ khác.
Đích thân ông Kalanick cũng đã gặp phó tổng thống Mỹ (khi đó) Joe Biden tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) năm 2016. Theo Hồ sơ Uber, sau cuộc gặp, ông Biden đã sửa phát biểu theo hướng ca ngợi Uber, đề cập đến một lãnh đạo công ty giúp hàng triệu lao động "tự do làm việc bao nhiêu giờ tùy thích, quản lý cuộc sống theo ý mình".
Tại Mỹ, hai cựu trợ lý của tổng thống khi đó Barack Obama, ông David Plouffe và Jim Messina, cũng được cho là đã giúp Uber tiếp cận nhiều lãnh đạo, quan chức, nhà ngoại giao. Không phải nỗ lực nào cũng thành công.
Một lãnh đạo của Uber đã gọi thị trưởng thành phố Hamburg (Đức) khi đó Olaf Scholz (thủ tướng Đức hiện nay) là "diễn viên hài", khi ông Scholz kiên quyết yêu cầu công ty này phải trả lương tối thiểu cho các tài xế.
Bật "công tắc ngắt" 12 lần
Hồ sơ Uber cho thấy công ty này đã bật "công tắc ngắt" ít nhất 12 lần tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Hungary và Romania để ngăn cảnh sát thu thập các thông tin có thể làm đóng cửa dịch vụ của Uber.
Chẳng hạn trong một cuộc đột kích năm 2014 của cảnh sát vào văn phòng Uber tại Lyon (Pháp), giám đốc pháp lý phụ trách khu vực châu Âu của Uber, ông Zac de Kievit, đã lập tức yêu cầu một kỹ sư ở Đan Mạch chặn mọi cổng tiếp cận dữ liệu của công ty.
"Mọi kết nối công cụ IT đã bị cắt ngay lập tức, cảnh sát sẽ không lấy được gì nhiều" - ông MacGann viết cho ông Plouffe, khi đó là lãnh đạo chiến lược và chính sách của Uber, về cuộc đột kích khác ở Paris.
Ông MacGann đã chỉ dẫn các văn phòng đối phó với cảnh sát khi bị đột kích: thử trên vài máy tính và giả vờ bối rối khi không thể kết nối, đội IT ở San Francisco đã đi ngủ hoặc phải gửi thư cho công ty mẹ ở Hà Lan để xin phép...
Uber và phía ông Macron nói gì?
Trong tuyên bố sau khi Hồ sơ Uber rò rỉ, công ty này thừa nhận đã phạm nhiều sai lầm, tuy nhiên nhấn mạnh đã thay đổi kể từ năm 2017 dưới sự điều hành của lãnh đạo hiện nay là Dara Khosrowshahi.
"Chúng tôi không biện hộ cho các hành vi trong quá khứ mà rõ ràng không phù hợp với các quy tắc hiện tại của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi xin công chúng hãy đánh giá dựa trên những gì chúng tôi đã làm trong 5 năm qua và sẽ làm trong những năm tới", Uber cho biết.
Trong khi đó, người phát ngôn của nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick nói rằng ông "không bao giờ cho phép bất kỳ hành động hoặc chương trình cản trở công lý ở bất kỳ quốc gia nào" và "không bao giờ đề xuất rằng Uber nên lợi dụng bạo lực để đánh đổi sự an toàn của người lái xe".
"Mọi cáo buộc rằng ông Kalanick đã chỉ đạo, tham gia hoặc có liên quan đến bất kỳ hoạt động nào trong số này là hoàn toàn sai sự thật" - phía ông Kalanick đáp trả.
Tại Pháp, đại diện của Uber xác nhận với Hãng tin AFP rằng ông Macron và Uber từng liên lạc với nhau nhưng các cuộc gặp là điều bình thường vì liên quan tới công việc của ông khi làm bộ trưởng.
Còn Văn phòng Tổng thống Macron giải thích rằng vào giai đoạn nói trên, ông Macron - với tư cách là bộ trưởng kinh tế - đã tiếp xúc "một cách tự nhiên" với "nhiều công ty liên quan đến sự thay đổi sâu sắc trong các dịch vụ đã xảy ra trong những năm đó".
Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Hãng xe công nghệ Uber vì tính phí thời gian xe chờ, cho rằng phí này gây bất lợi cho người khuyết tật vốn mất nhiều thời gian để ra xe.