Hồ chứa nước Mục Bài xuống cấp nghiêm trọng nguy cơ mất an toàn mùa lũ

Chia sẻ Facebook
20/10/2023 04:46:49

Tình trạng rạn nứt, nước thấm qua thân hồ chứa nước Mục Bài, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang khiến cơ quan chức năng lo lắng trong mùa mưa bão.


Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng hồ chứa nhiều nhất cả nước, thế nhưng hiện tỉnh này đang có trên 100 hồ đập đã hư hỏng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, đặc biệt là một số hồ, đập đóng trên địa bàn miền núi huyện Hương Khê.

Toàn huyện Hương Khê hiện có 157 hồ đập. Những năm gần đây hàng loạt công trình hồ đập bị xuống cấp nhưng chưa được xử lý. Trong đó, hồ Mục Bài đóng trên địa bàn xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh do Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, vận hành là ví dụ điển hình.

Một điểm sạt trượt sâu, chạy dài trên thân hồ chứa

Với nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống và tưới tiêu cho 50ha diện tích đất sản xuất, hồ chứa nước Mục Bài đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Thế nhưng, tình trạng xuống cấp, hư hỏng tại hồ chứa này đã tồn tại nhiều năm nay trong sự lo lắng của cơ quan chức năng, nỗi nơm nớp của người dân địa phương mỗi mùa mưa lũ.

Theo quan sát, thân hồ chứa Mục Bài đã có dấu hiệu bị thấm mạnh, đồng thời phía mái hạ lưu của đập chính có một số vị trí bị sạt lở tạo thành cung trượt, phía chân hạ lưu cống dưới đập nước thấm thành dòng gây sình lầy. Đặc biệt, phần thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan đã bị xuống cấp, không còn đủ khả năng bảo vệ mái đập.

Bên cạnh đó, đoạn lòng khe chính theo thiết kế cũ có bố trí tầng lọc ngược thoát nước áp mái bằng đá hộc nhưng đã bị vùi lấp, không còn đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước cho thân đập.

Thêm một điểm sạt trượt khác.


Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Xuân Thành, Trạm trưởng trạm Sông Tiêm - Công ty Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, hồ Mục Bài có dung tích 2,0 triệu m 3 , chiều cao thân đập trên 12m. Hệ số mái thân đập Mục Bài phần hạ lưu tương đối dốc dẫn đến sạt trượt một vài vị trí. Sát dưới chân đập có dòng chảy của lòng sông cũ, nước tại vị trí này quanh năm dâng cao dẫn đến khó khăn trong công tác quan trắc, kiểm tra dòng thấm, xói lở phía dưới chân.

Theo ông Thành, hồ chứa nước Mục Bài được xây dựng cách đây trên hai mươi năm nên hiện trạng thân đập yếu, xuất hiện dòng thấm sau cống dưới chân đập. Bên cạnh đó, lưu vực hồ chứa lớn, khẩu độ tràn lại hẹp, thoát lũ chậm nên mỗi lần mưa lũ, lưu lượng nước đổ về quá nhiều dẫn đến khó khăn trong công tác bảo vệ hồ chứa.

Thân hồ chứa Mục Bài nhiều điểm có dấu hiệu thấm mạnh

“Rừng đầu nguồn trên lưu vực hồ Mục Bài đã chuyển đổi mục đích thành rừng sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nước lũ về nhanh, không kịp điều tiết. Bên cạnh đó, thân đập yếu, lượng nước về đột ngột quá nhanh rất dễ xảy ra sự cố vỡ đập khi xảy ra mưa lớn dài ngày. Rất nhiều đợt mưa lũ, lượng nước đổ về, gần xấp xỉ tràn qua đập sự cố”, ông Thành e ngại.

“Nhà dưới chân đập nên cứ mỗi mùa mưa lũ, chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ vỡ đập. Cảm giác ấy chỉ những người như chúng tôi mới hiểu”, bà Thanh, trú tại xã Hương Xuân nói.

Theo tìm hiểu, toàn huyện Hương Khê có 157 hồ đập nhưng nhiều công trình xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước với dung tích nhỏ và hiện 25 công trình xuống cấp trầm trọng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ hè thu năm 2023, huyện Hương Khê có khoảng 1.500 ha không được bố trí sản xuất lúa và có những diện tích lúa thiếu nước cục bộ một phần, nguyên nhân được xác định do khả năng tích nước của nhiều hồ đập có “vấn đề”.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sản xuất, những hồ đập bị hư hỏng cũng đang đe dọa đối với đời sống dân sinh.

Ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có 348 hồ chứa nước thì đến nay 130 hồ chứa đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Trong số đó 47 hồ xung yếu nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023. Điển hình là các hồ Cha Chạm, hồ Đập Trạng, hồ Mục Bài, hồ Đá Bạc…

Nhiều vị trí sạt trượt phía cuối hồ chứa.

“Với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, trong đó có hiện tượng mưa lớn vượt ra ngoài các quy luật thông thường. Hàng loạt công trình hồ đập xuống cấp đang trong tình trạng mất an toàn cao. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chưa có kinh phí để sữa chữa”, ông Thịnh nói.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trước thực trạng hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, trong mùa mưa bão năm nay, vấn đề quan tâm nhất là đảm bảo an toàn cho các hồ chứa có hạ du là khu dân cư, khu kinh tế trọng điểm và các công trình chưa có đường quản lý, đi lại khó khăn.


Ngân Hà

Chia sẻ Facebook