Hồ Bình: Ai chịu trách nhiệm về lũ lụt ở Hà Bắc?
Trận lụt ở TP. Trác Châu, tỉnh Hà Bắc không phải để bảo vệ thủ đô Bắc Kinh, chủ yếu là nhằm bảo vệ “thành phố tương lai” tân khu Hùng An (phó đô) mà ông Tập Cận Bình muốn xây dựng. Nếu biết chuyện, người dân sẽ hiểu ngay rằng ông Tập Cận Bình chính là thủ phạm gây ra lũ lụt lớn ở thành phố Trác Châu và những nơi khác.
Truyền thông nhà nước không đưa tin về lũ lụt ở Hà Bắc trong nhiều ngày. Trang đầu tiên của Nhân dân Nhật báo tràn ngập hình ảnh ông Tập Cận Bình vạch ra phương hướng cho thế giới, cho nhân loại, mà không đề cập đến lũ lụt ở Hà Bắc.
Mãi đến khi lũ lụt ở Hà Bắc lên đến đỉnh điểm, các kênh truyền thông chính phủ mới đưa tin ông Tập quan tâm đến thảm họa như thế nào. Tuy nhiên, trong các bản tin của họ lại không hề đề cập đến TP. Trác Châu, nơi bị lũ lụt rất nghiêm trọng.
Ông Tập Cận Bình nói: “Bắc Kinh, với tư cách là một đô thị hiện đại, phải vượt qua thử thách này.” Những lời của ông Tập chẳng khác nào nói với chúng ta rằng Hà Bắc “kiên quyết làm một ‘hào nước phòng thủ’ cho thủ đô.”
Đây cũng là lời của Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng) đã nói. Nếu nói đây là nịnh hót, chi bằng nói rằng ông ấy đang quán triệt chỉ thị của Chủ tịch Tập.
Điều này khiến người ta nhớ lại nạn đói lớn năm xưa. Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Tỉnh Tuyền nói rằng Tứ Xuyên phải chuyển lương thực cho chính quyền trung ương, Tứ Xuyên có thể có người chết đói, nhưng thủ đô thì không.
Kỳ thực, đây không phải là điều mà bản thân ông Lý Tỉnh Tuyền muốn nói, mà là điều mà Trung Nam Hải đã yêu cầu ông ấy nói vào thời điểm đó. Cả Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều nói với Lý Tỉnh Tuyền rằng nếu Bắc Kinh xuất hiện cảnh người dân chết đói sẽ có tác động rất lớn. Bắc Kinh không thể có người chết đói, nên người dân Tứ Xuyên phải hy sinh.
Trước tuyên bố của Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, rằng tỉnh này nên là con hào bảo hộ cho thủ đô, một số chuyên gia cho rằng nhận định này không chính xác. Bởi hiệu quả của các khu chứa nước giữ lũ là dành cho hạ lưu, chứ không phải thượng nguồn. Bắc Kinh là thượng nguồn, nên Hà Bắc xả lũ không phải để bảo vệ Bắc Kinh.
Điều này cho thấy, trận lụt ở TP. Trác Châu không phải để bảo vệ thủ đô Bắc Kinh, chủ yếu là nhằm bảo vệ “thành phố tương lai” tân khu Hùng An.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc cho rằng Hà Bắc nên đóng vai trò là con hào bảo vệ cho thủ đô, kỳ thực là nhằm chuyển hướng sự chú ý của dư luận. Ông ấy không dám nói rằng ông muốn trở thành con hào bảo vệ Hùng An. Bởi nói vậy, người dân sẽ hiểu ngay rằng ông Tập Cận Bình chính là thủ phạm gây ra lũ lụt lớn ở TP. Trác Châu và những nơi khác.
Tài khoản Internet của Hùng An đã đưa ra một tài liệu xác nhận rằng việc xả lũ ở nhiều vùng khác nhau của tỉnh Hà Bắc là để bảo vệ Hùng An. Ông còn nói “Nếu không có Trung ương Đảng và Tổng Bí thư, có thể chúng ta sẽ là những người phải bỏ quê sống lang bạt”.
Đây là một hacker cấp cao điển hình, che giấu những lời chỉ trích sắc bén trong những lời khen ngợi. Khi quản trị viên Internet chưa kịp xóa, những lời này đã lan đi nhanh chóng trên Internet.
Tử Cấm Thành ngập lụt, điềm gở quấn lấy ĐCSTQ?
Trong trận lụt này, thành phố Trác Châu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì một lý do. Đó là, ông Tập Cận Bình kiên quyết đi theo lựa chọn của riêng mình, nhất quyết muốn xây dựng phó thủ đô ở Bạch Dương Điện.
Bạch Dương Điện tập hợp nước từ 9 con sông bắt nguồn từ dãy núi Thái Hành Sơn ở thượng nguồn, tạo thành một nhóm 146 hồ lớn nhỏ. Nơi đây được kết nối bởi hơn 3.700 kênh mương, với tổng diện tích 366 km2, có 36 đảo và 36 làng phân bố trên các đảo và ven hồ trong nhóm hồ này.
Có cư dân mạng đúc kết một câu rằng trận lụt ở Trác Châu lần này là muốn “biến khu chứa lũ thành thành phố, biến thành phố thành nơi chứa lũ”.
Trước kia, bất cứ khi nào một thảm họa nghiêm trọng xảy ra, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo sẽ đến khu vực thảm họa để thị sát. Ông Tập Cận Bình đã phá bỏ thông lệ này ngay khi lên nắm quyền.
Ông Tập chưa từng đến hiện trường vùng thiên tai như ông Lý Khắc Cường. Tháng 8/2020, ông Lý Khắc Cường đến thăm vùng bão lụt Trùng Khánh. Năm 2021, ông Lý Khắc Cường cũng đến hiện trường lũ lụt ở Trịnh Châu, Hà Nam.
Nhưng truyền thông trung ương đã không đưa tin, vì vậy Quốc vụ viện phải công bố hai video và chỉ có truyền thông địa phương ở Hà Nam đưa tin. Có thể thấy, đây không phải ý của chính quyền trung ương, cũng không phải ý của ông Tập Cận Bình.
Hiện giờ Thủ tướng Lý Cường là cấp dưới của Chủ tịch Tập, sao dám làm những việc mà ông Tập không thích. Nguyên nhân Thủ tướng không đi là do Chủ tịch không muốn đi. Nếu Thủ tướng đi, tự nhiên mọi người sẽ hỏi vì sao Chủ tịch không đến? Cho nên Thủ tướng tuyệt đối không nên đi, kẻo người ta thắc mắc.
Vậy vì sao ông Tập lại không đến thị sát khu vực thảm họa? Ông Tập Cận Bình vốn rất thích phô trương thanh thế, nên không thích giẫm phải sình lầy.
Tất nhiên, còn có một nguyên nhân khác là sự an toàn. Mỗi lần ông Tập đi thị sát, suốt dọc đường đều bố trí thế trận đều khá hùng hậu. Hiện trường lại càng nghiêm ngặt hơn. Ít nhất mấy chục mét xung quanh nhất định không được có kẻ không đáng tin cậy về mặt chính trị.
Hơn nữa phải có rất nhiều vệ sĩ, vừa công khai vừa bí mật. Điều này rất khó thực hiện ở khu vực thiên tai, vì lo lắng cho sự an toàn của cá nhân mình, nên ông Tập nhất quyết không đi thị sát.
Hồ Bình
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, đăng trên Vision Times .)
7 nhân họa ĐCSTQ gây ra được phơi bày sau trận lụt lớn nhất trong nửa thế kỷ Câu hỏi quan trọng hơn là tại sao hầu như năm nào ở Trung Quốc do ĐCSTQ cai trị cũng có lũ lụt nghiêm trọng như vậy?