Hình tượng cây Ngô Đồng trong văn hóa Á Đông
Ngô Đồng là loài cây truyền thuyết trong văn hóa Á Đông, có ảnh hưởng rất lớn đền nền văn hóa của các quốc gia tại khu vực này ngay từ thuở xa xưa.
Tương truyền rằng thời xưa, Phục Hy thấy tinh hoa của 5 ngôi sao đáp xuống cây Ngô Đồng, rồi có chim Phượng Hoàng đến đậu. Phượng Hoàng là cặp chim trống Phượng mái Hoàng, được cho là vương giả trong muôn loài chim. Người xưa nói: “Bách điểu triều Phụng” , trăm chim chầu Phượng là vì vậy. Phục Hy thấy Phượng Hoàng đậu lên cây Ngô Đồng thì biết đây là cây quý, hấp thụ được tinh hoa trời đất nên sai người lấy gỗ làm nhạc khí.
Phục Hy chia cây là 3 đoạn, đoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Phục Hy lại sai đem ra giữa sông ngâm 72 ngày đêm rồi vớt lên phơi khô, giao cho thợ khéo là Lưu Tử Kỳ làm nhạc khí, gọi là Dao Cầm, với ý nghĩa là đàn của cung Dao Trì, nơi Tây Vương Mẫu ngự.
Cũng vì là nơi chim Phượng Hoàng đến đậu, nên cây Ngô Đồng được xem là cây Vương Giả, là Vua của các loài cây mang điềm Đế Vương và mang tới phúc lành.
Trong “Ngụy thư – Vương hiệp truyện” viết: “Phượng hoàng phi Ngô Đồng bất tê” nghĩa là trong vô vàn loài thực vật khác nhau, chim Phượng chim Hoàng chỉ chọn cây Ngô Đồng để sống trên đó.
Trong “Kinh thi – Đại nhã” có viết: “Phượng Hoàng minh hĩ, vu bỉ cao cương. Ngô Đồng sinh hĩ, vu bỉ hướng dương” nghĩa là khi chim Phượng chim Hoàng hót, âm thanh vang vọng trên núi cao, còn cây Ngô Đồng sinh ra vào lúc mặt trời mọc, lấy sinh khí từ ánh nắng buổi sớm.
Cây Ngô Đồng trong truyền thuyết khác với loài cây được người đời sau nuôi trồng. Tuy vậy ý nghĩa của nó thì không thay đổi.
Ở Việt Nam thời nhà Nguyễn có hai cây Ngô Đồng được mang từ Trung Quốc sang. Sau đó vua Minh Mạng sai người đi lùng sục khắp vùng rừng núi trong nước, tìm loại cây bản xứ tương tự mang về trồng trong Hoàng Thành. Sách Đại nam nhất thống chí còn ghi lại: “Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện”. Tuy vậy, loài cây được xem là Ngô Đồng bản xứ này cũng có điểm khác với cây từ phương Bắc.
Người Trung Hoa có câu thơ:
Ngô Đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Nghĩa là:
Ngô Đồng một chiếc lá rơi
Khắp nơi chung đón đất trời vào thu
Do vậy, Ngô Đồng được xem là cây báo hiệu mùa thu đến tại Trung Quốc. Tuy nhiên cây ở Việt Nam trổ hoa vào dịp cuối xuân đầu hè. Lúc đó cây Ngô Đồng trút dần hết lá, khoe những chùm hoa nở rộ từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà.
Loài cây bản xứ ở Việt Nam mọc nhiều nhất có lẽ là ở Cù Lao Chàm, cách Hội An 18 km, nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cây Ngô Đồng cũng gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Hàn Quốc. Người Triều Tiên thời xưa có phong tục trồng cây thông nếu sinh được con trai, và trồng cây Ngô Đồng nếu sinh được con gái. Cây của người con trai sẽ được chăm bẵm cho tới khi anh ta qua đời và được sử dụng làm ván đóng quan tài cho chính người này. Cây của người con gái thì sẽ được chặt hạ lấy gỗ đóng tủ khi người con gái được gả chồng.
Người Hàn Quốc cũng dùng gỗ cây Ngô Đồng để làm nhạc cụ. Đàn tranh 12 dây Gayageum thường được làm bằng gỗ nguyên thân khoét bỏ phần ruột. Đàn tranh 6 dây Geomungo thì có phần bầu trên là gỗ cây Ngô Đồng và phần đáy là gỗ cây hạt dẻ cứng chắc.
Hình ảnh loài cây này cũng đi vào thơ ca, âm nhạc của người Hàn Quốc. Bài thơ Eonlak (Ngôn Lạc) nổi tiếng sau đây đã được phổ nhạc:
Ánh trăng xanh lướt nhẹ qua cửa sổ
Ngỡ là người ta vội bước chạy ra
Bóng dáng người đâu sao chẳng thấy
Chỉ một vầng trăng sáng đẫy đà
Lá bích Ngô Đồng thấm đẫm giọt sương sa
Bóng Phượng Hoàng kiêu kỳ rỉa cánh.
May sao là trời khuya đêm thanh vắng
Nếu là ngày thì mất mặt với dân gian
Nhà thơ Kim Sang-yong cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cũng có bài thơ rằng:
Nghe mưa rơi lộp độp trên tán lá Ngô Đồng
Lòng não nề, tiếng nghe sao thảm thiết
Sau này có lẽ chẳng trồng cây lá rộng sát hiên nhà
Trần Hưng
Họa tiết chim phụng của người An Nam
Mời xem video :