Hình hài kỳ lạ của bút chì qua bàn tay thầy giáo dạy Toán
Với đam mê điêu khắc bút chì, gần 10 năm qua, thầy giáo Dương Văn Kiên đã làm ra những tác phẩm độc đáo.
Bằng niềm đam mê và đôi tay khéo léo, thầy giáo Dương Văn Kiên (SN 1981, dạy toán tại trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP Đà Nẵng) đã sáng tạo cả nghìn tác phẩm điêu khắc trên bút chì "độc nhất vô nhị".
Thầy Kiên kể, bản thân đến với nghệ thuật điêu khắc trên bút chì một cách tình cờ. Gần 10 năm trước, tình cờ thấy những tác phẩm được khắc trên thân cây bút chì, thầy Kiên thích thú và tìm hiểu.
Ban đầu, thầy dùng dao rọc giấy để khắc những tác phẩm đơn giản là hình thú, chữ…. Sau này, thầy tìm tòi điêu khắc những tác phẩm có độ khó cao hơn như các loại xích, hình rồng, phượng...
Đồ nghề ngoài dao rọc giấy, những dụng cụ còn lại đều do thầy Kiên tự sáng chế để phù hợp với mục đích sáng tạo từng tác phẩm như phần thân của dao khắc được chế từ thân bút chì, vỏ bút mực; phần lưỡi làm bằng đủ loại vật liệu như kẹp tóc, lưỡi dao mổ, kim khâu…
Nam giáo viên cho biết, công đoạn để có được một tác phẩm nghệ thuật trên bút chì cũng khá công phu. Ngoài việc định hình từ trước, người làm dùng dao rọc giấy phác họa, rồi vẽ hình mẫu, tạo hình và cuối cùng là sơn bóng để hoàn thiện tác phẩm. Thời gian hoàn thành mỗi tác phẩm từ vài giờ đến vài ngày.
Ngoài dùng bút chì gỗ để khắc, thầy Kiên còn sáng tạo trên bút chì không vỏ, chì thợ mộc, chì ruột chữ nhật, chì vẽ… Tuy nhiên, việc mua được những cây bút chì đặc biệt đó không dễ, có loại phải nhờ người quen mua gửi từ nước ngoài về.
Đam mê khắc bút chì, thầy thành lập một “câu lạc bộ điêu khắc bút chì” để chỉ dẫn cho các bạn sinh viên, học sinh trên địa bàn, giúp các em có thời gian thư giãn, tạo được khả năng tập trung cao độ và rèn tính tỉ mỉ.
“Mỗi sản phẩm tạo ra đều mang một vẻ đẹp riêng biệt. Nhiều năm nay, trong cặp tôi lúc nào cũng có vài cây bút chì khắc chữ để tặng cho học trò, khích lệ các em trong những tiết học”, thầy Kiên chia sẻ.
Hồ Giáp