Hiệu ứng tích cực của sao la sau SEA Games 31: "Sẽ có nhiều người nhận thức được tại sao phải bảo tồn khẩn cấp loài thú này"
Sao la được mệnh danh là báu vật của dãy Trường Sơn, chỉ mới 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam. Sau khi trở thành linh vật SEA Games 31, sao la được công chúng biết đến và quan tâm nhiều hơn.
Sao la – loài thú bí ẩn nhất thế giới, 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam – đã hoàn thành sứ mệnh linh vật SEA Games 31 . Từ loài vật ít người biết đến, sao la xuất hiện khắp các đường phố ở Hà Nội và 11 tỉnh/thành khác.
Hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi, 61 tuổi, người được mệnh danh là "cha đẻ" của linh vật sao la, vui mừng và hạnh phúc khi hình ảnh loài vật quý hiếm này được lan toả rộng rãi trong hai năm qua. Một nhân viên truyền thông của Tổ chức Bảo vệ động vật quý hiếm Việt Nam (WWF) từng nói với ông Khôi rằng, họ mất chục năm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo tồn sao la, nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh và rộng rãi như những ngày sao la được chọn làm biểu tượng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các Loài hoang dã WWF-Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam)
Ước chừng còn khoảng 20 cá thể sao la, thậm chí ít hơn
Cảm xúc của ông khi sao la được chọn là linh vật SEA Games 31?
Đây là một tin quá tuyệt vời! Dù không có một nghiên cứu nào xác định mức độ nhận thức của người dân về sao la sau khi được chọn làm linh vật SEA Games 31, nhưng sao la được báo chí quan tâm và viết rất nhiều.
Chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi phỏng vấn về sao la, coi đây là những cơ hội quý báu để truyền tải thông điệp bảo tồn sao la tới công chúng trong và ngoài nước. Ngoài ra, cũng có nhiều thảo luận và sự kiện về loài vật này được công chúng quan tâm và đón nhận. Đó thực sự là dịp tốt để sao la trở nên gần gũi hơn với người dân Việt Nam.
Sao la được chọn là linh vật SEA Games 31 tại Việt Nam
Có thể nói, sao la đã tồn tại cùng thời điểm hình thành dãy rừng nguyên sinh Trường Sơn nhưng mãi đến thập niên 90 các nhà khoa học của WWF và Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) mới phát hiện ra đây là loài thú mới. Sự kiện này được đánh giá "chấn động giới khoa học toàn cầu" bởi gần nửa thế kỷ, thế giới chưa phát hiện ra một loài thú lớn nào.
Cùng với đó, những phát hiện về loài Mang lớn và Mang Trường Sơn những năm sau, là một minh chứng rõ ràng về tính đa dạng sinh học giàu có của cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ của Việt Nam chúng ta.
Cũng nhờ sao la, Việt Nam trở thành điểm nổi bật trên bản đồ đa dạng sinh học của thế giới, nằm trong nhóm dẫn đầu của 200 vùng đa dạng sinh học cao toàn cầu, vùng còn rất nhiều tiềm ẩn về giá trị đa dạng sinh học và đang thu hút được nhiều chương trình bảo tồn từ quốc tế. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã coi Việt Nam là một điểm đến mơ ước trong sự nghiệp để được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ cũng như khám phá đa dạng sinh học tiềm ẩn.
Các nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn quốc tế đã thành lập nhóm làm việc về sao la (Saola Working Group - SWG), xây dựng quỹ bảo tồn toàn cầu về sao la,... Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực và tâm huyết bảo tồn sao la, xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn cảnh quan.
Kể từ khi phát hiện sao la, với sự hỗ trợ của WWF, chiến lược quản lý bảo tồn Trung Trường Sơn đã được xây dựng, mở rộng vườn quốc gia, thành lập các khu bảo tồn trong vùng sinh cảnh sao la, đặt biệt là 2 khu Bảo tồn mang tên sao la đã được thành lập tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án xây dựng trung tâm nhân giống và tái thả để bảo tồn sao la và các loài động vật có giá trị bảo tồn cao đặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Hy vọng rằng, khi biết tới sao la, sẽ có nhiều người tìm hiểu thêm về chúng và nhận thức được tại sao chúng ta phải bảo tồn khẩn cấp loài này.
Chân dung một cá thể sao la (Ảnh: WWF)
Dãy trường sơn - nơi sao la sinh sống (Ảnh: WWF)
Hiện nay, số lượng chính xác sao la tại Việt Nam? Chúng được chăm sóc và bảo tồn ở đâu?
Hiện nay, chúng ta không thể biết chính xác số lượng cá thể sao la. Các chuyên gia và các nhà khoa học nhóm SWG thuộc tổ chức IUCN do WWF-Việt Nam điều phối, ước chừng sao la còn khoảng 20 cá thể, thậm chí ít hơn, phân bố rải rác khắp các khu vực rừng thuộc dãy Trung Trường Sơn bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Chúng ta hiện cũng chưa có thông tin hoặc thông tin không chính xác về số lượng các cá thể sao la ở các khu bảo tồn ở Việt Nam, bao gồm các khu bảo tồn ở Quảng Nam, Huế, VQG Vũ Quang (nơi phát hiện sao la đầu tiên vào năm 1992) và VQG Pù Mát (nơi trước đây đã phát hiện sao la).
Tại Việt Nam, lần gần nhất nhìn thấy sao la trong tự nhiên là thông qua máy bẫy ảnh của WWF và đối tác năm 2013. Từ sau mốc thời gian này, tổ chức có nhận được thêm thông tin hay hình ảnh nào về sao la không?
Lần gần nhất sao la được phát hiện là vào ngày 7/9/2013, thông qua bẫy ảnh do WWF và đối tác địa phương ở tỉnh Quảng Nam lắp đặt tại một khu vực hẻo lánh thuộc dãy Trường Sơn ghi lại. Đó là hình ảnh một con sao la đang di chuyển dọc con suối trong một thung lũng nhỏ.
Kể từ thời điểm đó đến nay, WWF-Việt Nam, nhóm làm việc về sao la thuộc Tổ chức Bảo tồn Thế giới (IUCN) cũng như các đối tác bảo tồn ở Việt Nam vẫn chưa ghi nhận cá thể sao la nào khác ngoài tự nhiên.
Sau lần phát hiện này, WWF-Việt Nam cùng SWG và các đối tác, bao gồm các khu bảo tồn và vườn quốc gia tại Việt Nam tiếp tục các nỗ lực khảo sát nghiên cứu, tìm kiếm và bảo tồn sao la thông qua các hoạt động:
- Thành lập và mở rộng các khu bảo tồn loài sao la.
- Cải thiện năng lực quản lý các khu bảo tồn.
- Tăng cường tuần tra các mối đe dọa trực tiếp đối với loài này – thành lập 2 nhóm tuần tra bảo vệ rừng gồm 40 nhân viên trực tiếp phối hợp với lực lượng kiểm lâm và nhân viên các khu bảo tồn tuần tra bảo vệ, tháo gỡ bẫy, cứu hộ các động vật hoang dã bị mắc bẫy thả lại rừng (thiên nhiên).
- Giám sát và khảo sát tìm kiếm sao la và các loài hoang dã thông qua bẫy ảnh; thu thập, phân tích eDNA từ mẫu vắt và nước nơi có thông tin sao la phân bố.
- Nâng cao nhận thức, tuyên truyền cộng đồng địa phương và công chúng về bảo vệ, cung cấp thông tin về sự xuất hiện sao la và các loài sống chung với sao la.
Sao la được phát hiện năm 2013 thông qua bẫy ảnh (Ảnh: WWF-Việt Nam)
Hãy bảo vệ sao la - một phần quan trọng của di sản thiên nhiên Việt Nam
Chiến dịch "Giữ Lại Dấu Chân Sao La" được WWF-Việt Nam bắt đầu từ khi nào? Mục đích của chiến dịch này?
Nhân ngày Quốc tế Sao la - 9/7/2021, WWF-Việt Nam phối hợp với Google khởi động chiến dịch "Giữ Lại Dấu Chân Sao La" nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này thông qua việc nâng cao nhận thức và kêu gọi công chúng hành động.
Đặc biệt, Google ra mắt mô hình Thực tế tăng cường (AR) 3D của sao la trên "Google Tìm kiếm" để người dùng trên khắp thế giới có thể ngắm nhìn cận cảnh và chi tiết sinh vật tuyệt vời này ngay trên các thiết bị điện tử thông minh. Đây là lần đầu tiên Google số hóa một loài động vật hoang dã quý hiếm bậc nhất của Việt Nam dưới hình thức AR 3D.
Với việc ra mắt chiến dịch cũng như mô hình AR 3D của sao la, Google và WWF-Việt Nam hi vọng sẽ mang sao la tới gần công chúng hơn, giúp họ hiểu hơn về mối liên hệ giữa hành vi tiêu dùng và lối sống của mình ảnh hưởng như thế nào tới thiên nhiên, tới các loài động vật hoang dã như sao la. Từ đó, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có thể tự đưa ra những giải pháp, hành động cụ thể nhằm đảo ngược tiến trình mất mát thiên nhiên, hồi sinh sao la và các loài khác.
"Giữ Lại Dấu Chân Sao La" được chia thành hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7/2021.
- Giai đoạn "Theo Dấu Chân Sao La" mang tới công chúng nhiều thông tin thú vị xung quanh sao la, giải mã những hiểu lầm thường gặp về chúng.
- Giai đoạn thứ hai được thực hiện vào tháng 10 trước thềm diễn ra hội nghị COP15 về Công ước Đa dạng Sinh học tại Côn Minh, Trung Quốc. Thông qua nhiều hoạt động tương tác trực tuyến, công chúng sẽ hiểu hơn về mối liên kết giữa hành vi tiêu dùng hàng ngày của mình ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thế nào tới sao la, tới các loài động vật hoang dã và thiên nhiên.
Chiến dịch cũng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, như ca sĩ Mỹ Linh, Fashionista Châu Bùi, Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Phương Nga, diễn viên Bảo Thanh, Khánh Vy, nhà báo Lê Hồng Lâm, nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An, cùng các nhà sáng tạo YouTube khác, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến đông đảo công chúng tại Việt Nam.
Trong kì SEA Game 31 vừa qua, WWF cũng phối hợp với VTV3 đưa những câu đố vui vào gameshow "Ai là Triệu phú" để khán giả hiểu hơn về sao la cũng như tình trạng nguy cấp của loài này.
Trong thời gian sắp tới, WWF cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tới công chúng, đặc biệt tại các khu vực có khả năng sao la sinh sống để huy động sự tham gia của cộng đồng bảo tồn sao la.
Cán bộ bảo vệ rừng, Khu bảo tồn sao la tại tỉnh Quảng Nam (Ảnh: WWF-Việt Nam)
Dự định sắp tới của WWF-Việt Nam nhằm tìm kiếm và bảo tồn sao la?
WWF-Việt Nam cùng một số thành viên nhóm SWG và các đối tác khác ở Việt Nam chuẩn bị thực hiện các nỗ lực cấp bách với quy mô rộng khắp ở khu vực Trường Sơn, cụ thể bao gồm 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Đây là nỗ lực nhằm cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng thông qua dự án Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua tổ chức Re:wild và dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam" do USAID tài trợ, do WWF-Việt Nam thực hiện.
Những nỗ lực cấp bách này sẽ tập trung tìm kiếm và phát hiện nhanh các cá thể sao la còn lại trong thiên nhiên thông qua kiến thức sinh thái địa phương kết hợp với công nghệ hiện đại như cài đặt bẫy ảnh, thu và phân tích eDNA từ mẫu vắt và nước ở các khu vực có thông tin sao la phân bố.
Nếu có thể được tìm thấy, các cá thể sao la sẽ được chuyển về trung tâm nhân giống tại Bạch Mã để phục vụ cho chương trình bảo tồn sinh sản tại VQG Bạch Mã. Hoạt động này nhằm phát triển và khôi phục quần thể loài sao la ở cấp độ có thể tái thả về thiên nhiên ở khu vực Trường Sơn nơi sao la sinh sống trong tương lai.
Sao la được công chúng trong và ngoài nước quan tâm trở lại thông qua SEA Games 31, cùng với các nỗ lực của WWF-Việt Nam và đối tác bảo tồn trong và ngoài nước, chúng tôi hi vọng Việt Nam có thể bảo tồn và khôi phục lại quần thể loài sao la ở khu vực Trung Trường Sơn khỏi bờ vực tuyệt chủng, bởi chúng là một phần quan trọng của di sản thiên nhiên của Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ!
Tóm tắt thông tin về sao la trong tự nhiên Việt Nam (Thiết kế: Minh Trang)
Minh Trang - Minh Nhân
Tổ quốc