Hiếu thuận với cha mẹ là cái gốc của sự thiện lương

Chia sẻ Facebook
17/09/2022 07:32:49

Con quạ còn biết nuôi mẹ đền ơn, con dê bú sữa còn biết quỳ. Cha mẹ dưỡng dục chúng ta thành người, vậy nên hiếu thuận với cha mẹ...


“Con quạ còn biết nuôi mẹ, con dê bú sữa biết quỳ”, cha mẹ dưỡng dục chúng ta thành người, vậy nên hiếu thuận với cha mẹ là lương tri làm người bẩm sinh, cũng là cái gốc của thiện lương. Hiểu được chữ “Hiếu” mới có thể hiểu được kiếp nhân sinh, mới có thể thuận lợi, hanh thông cả đời.


Mạnh Tử nói: “Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình” , nghĩa là con người ai nấy đều kính mến song thân của mình, tôn trọng bậc trưởng bối của mình, vậy thì thiên hạ sẽ có thể thái bình.

(Ảnh minh họa: Phim “Chronicle Of My Mother”, Đạo diễn Masato Harada, Fair Use)


Hiếu thuận với cha mẹ, bắt đầu từ việc chăm lo đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong “Khuyến báo thân ân thiên” (Lời khuyên báo đáp công ơn của song thân) có viết rằng: “Cơm ngon để cha mẹ dùng trước, áo đẹp để cha mẹ mặc trước”.

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta trưởng thành trong sự chở che của cha mẹ. Lỡ khi đói ăn đói mặc, cha mẹ không ngại gian khổ, vẫn cung cấp cho chúng ta điều kiện sống tốt. Khi cha mẹ dần dần già đi, kính yêu, bảo vệ cha mẹ để cha mẹ không phải phiền não vì chuyện ăn mặc, là yêu cầu cơ bản nhất đối với người làm con.


Vua Thuấn thời cổ đại được Mạnh Tử tôn xưng là “đại hiếu” . Dẫu có được cả thiên hạ, nhưng không có được niềm vui của cha mẹ, lòng Thuấn vẫn luôn trĩu nặng. Phụ thân của ông ngoan cố không chịu thay đổi, mẹ kế hung hãn bạo ngược, em trai ngạo mạn khó thuần phục. Nhưng nhờ sự nỗ lực của Thuấn cuối cùng lòng hiếu thuận và sự chân thành của ông đã cảm hoá được họ, cả gia đình lại có thể chung sống hoà thuận bên nhau…


Trong “Khuyến báo thân ân thiên” viết rằng: “Hô hoán ứng thanh bất cảm mạn, thành tâm thành ý diện đái hoan” , nghĩa là khi cha mẹ gọi thưa ngay chẳng dám chậm trễ, thành tâm thành ý khuôn mặt rạng rỡ vui tươi.

Người làm con thì nên làm cha mẹ vui lòng, và nếu có đi xa thì nhớ thường xuyên về thăm nhà, đừng để cha mẹ ra ngóng vào trông, ngày đêm thương nhớ. Để tâm tình cha mẹ vui vẻ, hãy giúp cha mẹ hoàn thành những tâm nguyện còn dang dở, để cha mẹ không phải nuối tiếc. Thuận theo cha mẹ, tôn trọng cha mẹ là cảnh giới hiếu thuận cao nhất.


Mạnh Tử cũng cho rằng: “Nhân nhân giai khả vi Nghiêu Thuấn” , nghĩa là người người ai ai cũng có thể là Nghiêu Thuấn. Nhân tính là trời phú, thiện đức của chữ “Hiếu” tự nhiên cũng là do trời phú, con người sinh ra ai ai cũng đã mang sẵn trong mình.

Nếu cha mẹ lỡ trong những lúc sai lầm mà làm khổ con thì con phải làm sao? Đó cũng phải tùy vào tình huống mà ứng xử khéo léo. Nhưng xưa kia có chuyện Vương Tường hiếu thảo cũng đáng để người ta suy ngẫm.

Vương Tường sống vào thời nhà Tấn, mẹ mất sớm, cha lấy mẹ kế. Người mẹ kế này rất ghét Vương Tường. Tuy mới là một đứa trẻ nhưng cậu không oán trách mẹ kế, lại vẫn luôn quan tâm đến mẹ. Một hôm trời đông giá tuyết, mẹ kế lại muốn ăn cá chép. Vương Tường ra tới dòng sông băng mà không biết làm cách nào để băng tan, bắt cá về cho mẹ. Cậu bèn nằm lưng trần trên tảng băng mong cho băng tan. Không ngờ rằng tảng băng nứt ra, và hai con cá chép nhảy ra khỏi hố nứt. Vậy là Vương Tường mang được cá về cho mẹ.


Lòng hiếu thảo của Vương Tường đã khiến người đời sau cảm động mà ghi lại câu chuyện “Nằm trên băng chờ cá chép” trong “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu thảo của Trung Hoa thời xưa).

Người hiếu thuận luôn tích cực, có ý chí mạnh mẽ. Vì để có thể báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, họ sẽ biến tình yêu dành cho cha mẹ thành động lực tiến về phía trước.


Từng có một ông chủ kinh doanh thép thường phải đi công tác. Mẹ ông đã hơn 70 tuổi, mắc bệnh teo não nghiêm trọng. Mỗi khi con trai không có nhà, nếu không đánh người thì bà lại mắng nhiếc người khác, không chịu nghe lời bất kỳ ai. Ông chủ này cũng không còn cách nào khác, đành phải đưa mẹ già theo bên mình mọi thời mọi khắc. Nếu phải leo cầu thang đến gặp khách hàng, ông sẽ cõng mẹ leo cầu thang. Hành động của ông đã khiến khách hàng cảm động mãi không thôi: “Chỉ dựa vào tấm lòng hiếu thuận của ông, tôi đã nguyện ý làm ăn với một người như ông!” Thế là chuyện làm ăn của ông ngày càng thuận lợi.


Cha mẹ còn, đời người còn nơi lui tới, cha mẹ mất đời người chỉ sót lại lối về. Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời không gì bằng “con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”. Hiếu thuận với cha mẹ là chuyện lớn của kẻ làm con, đừng chờ, cũng không thể đợi!


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook