Hiệu quả sinh lời kênh cổ phiếu gấp gần 3 lần BĐS, 4 lần vàng và 6 lần tiền gửi ngân hàng
Đây là số liệu mới được công bố tại báo cáo do BIDV và ADB phối hợp thực hiên. Trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, các kênh đầu tư được dự báo sẽ có nhiều biến động.
Theo số liệu mới được Nhóm nghiên cứu Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, cổ phiếu là kênh đầu tư hiệu quả nhất năm 2021 với tỷ suất sinh lời lên tới 35,7%. Con số này gấp gần 3 lần hiệu quả sinh lời của bất động sản (12%), gấp 3,6 lần vàng (10%), gấp 4,5 lần trái phiếu doanh nghiệp (8%) và gần 6 lần tiền gửi ngân hàng (6%)
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân khiến giá cổ phiếu tăng mạnh là do: (i) dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi sản xuất – kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp khả quan; (ii) nhiều cổ phiếu của một số ngành được hưởng lợi từ dịch bệnh (như CNTT, viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, y tế và bảo trợ xã hội…v.v.); (iii) lãi suất thấp có thể khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm; (iv) giãn cách xã hội do dịch bệnh có thể khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến TTCK nhiều hơn, nhất là khi lợi nhuận đầu tư chứng khoán hiện nay hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hợp pháp khác; và (v) các công ty chứng khoán đẩy mạnh xác thực khách hàng điện tử (eKYC) – giúp mở tài khoản mà không cần đến quầy giao dịch.
Trong bối cảnh thế giới dự báo có nhiều biến động, nhất là chiến sự Nga – Ukraina, khiến giá cả, lạm phát tăng cao, các nước bắt đầu thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất và tâm lý nhà đầu tư xáo trộn…; nhóm nghiên cứu cho rằng những điều này khiến thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng có những biến động mạnh, với diễn biến từng thị trường như sau:
Thứ nhất, với thị trường cổ phiếu, với rủi ro địa chính trị, quá trình thắt chặt tiền tệ của các NHTW và sức hút của các kênh đầu tư thay thế, thị trường cổ phiếu toàn cầu có thể sẽ đứng trước rủi ro giảm điểm khá mạnh trong năm 2022. Nhiều ngân hàng Mỹ đã đưa ra dự báo về mức giảm điểm của chỉ số S&P 500 từ mức 10-15% so với năm trước, chủ yếu là do rủi ro địa chính trị, tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lãi suất tăng, rủi ro nợ tăng. Các thị trường cổ phiếu mới nổi cũng sẽ giảm điểm do các rủi ro nêu trên và đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ giảm có phân hóa giữa các thị trường, tùy thuộc vào mức độ tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như nội tại.
Thứ hai, với thị trường trái phiếu, trước hết là TPCP, chính sách tăng lãi suất, giảm bảng cân đối tài sản có thể sẽ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, đi kèm với việc giảm giá các trái phiếu dài hạn. Theo Bloomberg, điều này có thể giúp thị trường TPCP trở nên hấp dẫn hơn và có thể thu hút được dòng tiền đầu tư lớn hơn trong năm 2022. Đối với thị trường TPDN, rủi ro từ thị trường TPDN Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn và có thể lan rộng hơn đến các nền kinh tế mới nổi khác. Đồng thời, rủi ro giảm giá gia tăng đáng kể trên thị trường TPDN ở châu Á khi cung tiền bị thắt chặt hơn cũng như các yếu kém về chất lượng trái phiếu tại một số thị trường mới nổi bắt đầu bộc lộ rõ hơn.
Với các thị trường khác: tiền kỹ thuật số được dự báo sẽ ngày càng gắn chặt với tình hình địa chính trị, biến động của các thị trường tài chính khác như chứng khoán, tiền tệ… cùng với việc các quy định về thị trường tiền kỹ thuật số được dự báo sẽ ngày càng chặt chẽ. Trong năm 2022, thị trường tiền kỹ thuật số sẽ có thể tiếp tục biến động mạnh nhưng khó có thể tăng mạnh như năm 2021. Trong khi đó, thị trường hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục trong tình trạng nguồn cung khan hiếm, giá vận chuyển tăng cao… đến hết năm 2022, khiến giá hàng hóa, dịch vụ tăng và còn ở mức cao.