Hiểu mẫu hình, giao dịch thành công – Mẫu hình dài hạn (phần 2)
Mẫu hình giá được sử dụng khá phổ biến trên thị trường tài chính để phân tích xu hướng, dự báo thị trường và đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các điểm cốt lõi của mẫu hình để phân tích, đầu tư cho hợp lý. Với việc khái quát hóa mẫu hình người viết mong muốn nhà đầu tư có thể hiểu và sử dụng được các dạng mẫu hình để phục vụ tốt quá trình đầu tư.
Hiểu mẫu hình, giao dịch thành công – Mẫu hình dài hạn (phần 2)
Khái quát hóa mẫu hình
Nhiều nhà đầu tư sử dụng các dạng mẫu hình nhưng không để ý rằng các mẫu hình trong phân tích kỹ thuật luôn có một mẫu số chung nhất định. Nếu tìm được mẫu số chung, nhà đầu tư sẽ dễ dàng nắm bắt các dạng mẫu hình khác nhau để phục vụ cho mục đích đầu tư. Có ba đặc điểm chung về mẫu hình mà nhà đầu tư cần nắm bắt.
Thứ nhất, các mẫu hình sẽ có một điểm bắt đầu/ điểm khởi đầu (Enter). Đây là điểm mà tại đó, mẫu hình sẽ được xem xét là đang hình thành. Với mẫu hình vai đầu vai thì đó là điểm giao đầu tiên giữa đường giá và đường viền cổ (neck line), với mẫu hình tam giác thì đó là điểm giao giữa đường xu hướng đi qua các đáy của mẫu hình với đường giá (xem hình 1). Điểm này được đánh dấu là điểm khởi đầu của mẫu hình và từ đây chúng ta theo dõi sự hình thành của mẫu hình và chờ mẫu hình được xác nhận.
Thứ hai, các mẫu hình thường bị giới hạn bởi một hoặc nhiều ngưỡng giới hạn, ngưỡng giới hạn có thể là kháng cự, hỗ trợ hoặc là đường xu hướng đi qua các đỉnh hoặc đáy sau điểm bắt đầu. Như với mẫu hình chữ nhật, giá sẽ được giới hạn bởi hai ngưỡng gồm một kháng cự bên trên và một ngưỡng hỗ trợ bên dưới. Với mẫu hình tam giác cân thì đó là 2 đường xu hướng, một đường đi qua các đỉnh và một đường đi qua các đáy. Các giới hạn này thường giúp chúng ta nhận biết được mẫu hình hiện tại là dạng mẫu hình gì, quan trọng hơn giới hạn này thường được sử dụng làm điểm kích hoạt các chiến lược giao dịch.
Hình 1. Một số mẫu hình giá
Thứ ba, các mẫu hình luôn có một điểm kích hoạt mẫu hình/ điểm phá vỡ (breakout) để xác định mẫu hình được hình thành và có thể giao dịch. Thường là điểm nằm trên các ngưỡng giới hạn đã được nói ở trên. Khi giá giao cắt với các ngưỡng tới hạn sẽ xác nhận một điểm phá vỡ, tại đó, mẫu hình sẽ được xác nhận hay quá trình hình thành mẫu hình đã được hoàn tất. Ví dụ, với mẫu hình vai đầu vai thì điểm phá vỡ xuất hiện khi giá cắt xuống đường viền cổ, với mẫu hình tam giác thì điểm này xuất hiện khi giá cắt lên hoặc xuống ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự. Theo đó, khi mẫu hình được xác nhận thì mẫu hình sẽ đi theo mục tiêu giá đã được xác định từ trước (mục tiêu giá sẽ phụ thuộc vào loại mẫu hình đã được xác nhận) với mẫu hình vai đầu vai thì đó là chiều cao của mẫu hình với mẫu hình lá cờ thì mục tiêu giá sẽ bằng cán cờ.
Những chiến lược giao dịch dựa trên mẫu hình đều dựa trên điểm phá vỡ để mở vị thế. Do đó, nếu không xuất hiện điểm này thì mẫu hình không được xác nhận, và khi mẫu hình không được xác nhận thì xác suất mẫu hình thất bại là khá lớn.
Một số vấn đề khác về mẫu hình
Nhiều nhà đầu tư phân tích mẫu hình và giao dịch theo các mẫu hình này nhưng thường gặp một số lỗi, nên nhà đầu tư cần chú ý một số điểm sau:
Chỉ giao dịch khi mẫu hình được xác nhận. Nếu không có điểm phá vỡ xuất hiện thì nhà đầu tư không nên mở vị thế giao dịch theo mẫu hình do (1) nếu không được xác nhận thì xác suất thất bại của mẫu hình là rất lớn. Điểm phá vỡ là điểm mấu chốt để giao dịch, khi xuất hiện điểm này thì rủi ro thất bại của mẫu hình sẽ giảm đi rất nhiều. Nên các vị thế mua/ bán sẽ an toàn và tạo nhiều lợi nhuận hơn nếu giao dịch sau khi xuất hiện điểm phá vỡ. (2) Mẫu hình chúng ta nhìn thấy có thể bị thay đổi nếu không có điểm phá vỡ. Ví dụ, mẫu hình đảo chiều hai đỉnh, nếu không có điểm phá vỡ thì mẫu hình này có thể chuyển thành mẫu hình chữ nhật (một dạng mẫu hình trung tính) có thể củng cố xu hướng hoặc đảo chiều xu hướng. Điều này làm đặc tính mẫu hình thay đổi và làm chiến lược đầu tư bị sai, qua đó làm vị thế mua/bán gánh chịu thêm rủi ro không đáng có.
Hình 2. Mẫu hình hai đỉnh có thể chuyển thành mẫu hình chữ nhật
Hiện tượng pullback và throwback . Hiện tượng này thường xuất hiện sau khi điểm phá vỡ xuất hiện. Nếu giá cắt xuống các ngưỡng hỗ trợ thì hiện tượng pullback sẽ xuất hiện, ngược lại là hiện tượng throwback. Theo đó, giá sẽ phục hồi/ điều chỉnh để kiểm định các ngưỡng đã bị phá vỡ trước khi điều chỉnh (tăng trưởng) tiếp. Vấn đề ở đây là hiện tượng này rất thường diễn ra với xác suất 60-67% với mẫu hình vai đầu vai, các mẫu hình khác cũng vậy. Thêm vào, khi hiện tượng này xuất hiện, khả năng đạt được mục tiêu giá theo mẫu hình sẽ tăng lên đáng kể.
Mẫu hình không phải “chén thánh” . Xét cho cùng mẫu hình cũng chỉ là một công cụ phân tích kỹ thuật, và bất kỳ công cụ phân tích nào cũng có khả năng thất bại (sai) nhất định. Bất kỳ mẫu hình nào cũng có xác suất thất bại nhưng khả năng thất bại của các mẫu hình thường thấp hơn các công cụ khác, như mẫu hình vai đầu vai (mẫu hình tạo được lợi nhuận cao nhất theo Charles D. Kirkpatrick II và Julie R. Dahlquist) nhưng cũng có tỷ lệ thất bại 4%. Vì thế, khi mẫu hình thất bại xuất hiện, thì nhà đầu tư cũng nên cắt lỗ để bảo vệ nguồn vốn.
Khi nào mẫu hình thất bại. Như đã đề cập ở trên mẫu hình được xác nhận khi xuất hiện một điểm phá vỡ, điểm này cũng chính là ngưỡng để xác định mẫu hình thất bại hay không. Với mẫu hình vai đầu vai, đường viền cổ được xem là điểm kích hoạt. Vì thế, nếu giá quay lại đóng cửa trên đường này thì đó chính là tín hiệu xác nhận cho sự thất bại của mẫu hình.
Chú ý: Số liệu phân tích trong bài được lấy từ cuốn Technical Analysis: The Complete Resource for Financial Market Technicians, 3rd Edition của Charles D. Kirkpatrick II và Julie R. Dahlquist,
Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam