Hiệp sĩ 'Minh cô đơn': Một đời không vợ con, nguyện vá xe miễn phí mãi mãi cho SV nghèo
Mưa nắng 24 năm ròng, Minh "cô đơn" cùng tấm biển "Vá xe miễn phí" vẫn luôn là nơi sinh viên, người lao động nghèo khu vực làng Đại học Quốc gia TPHCM tìm đến khi gặp khó khăn.
Ông Minh cô đơn, nghĩa hiệp
Ở cái tuổi 60 tuổi, cái tuổi có thể nghỉ ngơi, có thể dùng tiền kiếm được để sống qua ngày thì ông Nguyễn Văn Minh (SN 1962) lại chọn cách nay đây mai đó, dành dụm từng đồng để giúp đỡ những người khó khăn.
Xe xẹp bánh, nổ lốp, hết xăng hay đi đường về khuya chẳng may gặp cướp, người dân, sinh viên làng Đại học Quốc gia TPHCM như một thói quen đều sẽ gọi điện nhờ ông Minh giúp đỡ.
Minh "cô đơn" là cái tên mọi người đặt cho chú, giờ đây đã trở thành một thương hiệu, một điểm nhận dạng của riêng ông.
Tâm sự về cái tên này, ông cho biết: "Tại tôi không vợ, không con, cũng không nhà cửa, suốt ngày chỉ ở một mình nên người ta mới gọi vậy". Ngay cả năm sinh của mình, ông Minh cũng chỉ ước chừng chứ không chắc chắn.
Chiếc xe của ông Minh cô đơn
Ông Minh chọn một góc ngã tư Quốc phòng, nhiều người cũng gọi là ngã tư Hồ đá (Bình Dương) làm nơi "hành nghề". Dụng cụ của ông không nhiều, chỉ là ống bơm, ruột xe, vỏ xe và một chiếc xe ba gác được mạnh thường quân quyên tặng.
Sinh viên, người lao động nghèo đến vá vỏ, bơm bánh, thay ruột, thậm chí đổ xăng, ông Minh đều không lấy tiền.
Ông Minh tâm sự, sinh viên không có nhiều tiền, ông giúp được cái vỏ, cái ruột thì giúp, coi như san sẻ phần nào khó khăn. Ai gọi ông để vận chuyển hàng, ông cũng đi. Người tài xế 60 tuổi không có "bảng giá" cụ thể, ai muốn trả bao nhiêu thì trả.
Ông Minh cùng một mạnh thường quân
Minh "cô đơn" cũng có một thời lẫy lừng là Minh "hiệp sĩ", hỗ trợ cho lực lượng chức năng đảm bảo an ninh ở khu vực. Đường đêm vừa tối vừa vắng, không ít lần xảy ra cướp bóc, trấn lột nên ông Minh thường hay đi "tuần tra".
Nhiều đêm đang ngủ, người dân gặp nguy hiểm gọi đến, ông cũng vội vã đi ứng cứu. Cũng chính vì thế, ông Minh bị thương nhiều, cánh tay phải mất đi một sợi gân và thường hay đau nhức.
Đầu năm 2020, ông bị bọn xấu gài bẫy, may mắn thoát chết nhưng xe và nhà đều bị cháy rụi. Đến cuối năm, ông Minh lại bị trộm mất chiếc xe ba gác dùng để chở hàng.
Vậy mà, ở một góc của ngã tư Quốc phòng, Minh "cô đơn" vẫn luôn ở đó và chưa bao giờ nghĩ đến việc ngừng cho đi.
Hết lòng, hết sức vì người khác
Trước kia, ông sống trong một căn chòi nhỏ ở nơi hoang vắng, được dựng tạm 4 miếng bạt để che mưa che nắng. Thời điểm dịch bệnh hoành hành, ông Minh đã xô sập căn chòi này và chuyển qua ngủ ở tại nơi làm việc vì không có ai trông chừng đồ đạc.
"Căn nhà" mới này là một phòng bảo vệ bỏ hoang, được dựng bằng sắt, cũng không có đồ đạc gì quý giá. 24 năm bôn ba ở Làng Đại học, ông chưa thể có cho mình một căn nhà kiên cố, ổn định.
Khi được hỏi vì sao ông không nhận tiền thay săm, thay ruột xe để tạm trang trải cuộc sống, ông tâm sự: "Nhiều khi tôi sửa xe cho khách, cái ruột xe mắc tiền quá mình cũng không dám kêu người ta trả. Tôi sợ người ta nói là ông này vá xe miễn phí mà lừa tiền. Vậy là tôi cho không luôn...".
Cứ như vậy, ông Minh tự bỏ tiền túi, có khi còn phải vay mượn người quen, để mua từng cái lốp, cái săm xe về. Thời điểm xăng tăng giá cao, ông Minh còn dự trữ xăng để đổ cho sinh viên.
Ông cho biết, ít nhất 1 chiếc xe cũng phải đổ hai mươi nghìn, mỗi ngày ông tặng xăng miễn phí như vậy cho khoảng 3-4 người.
Ông Minh và các sinh viên
"Bây giờ tôi mang chiếc xe Honda đi cầm cố luôn, để lấy tiền đó trả nợ rồi mua thêm đồ nghề về. Đem chiếc xe đi cầm, tôi cũng hoang mang, có khi còn nghĩ không biết mình đang làm thế vì điều gì", ông chia sẻ về tình hình hiện tại.
Chiếc xe máy cũ giờ đây đã không còn, ông cũng tạm ngưng nghề xe ôm. Ông Minh "cô đơn" giờ đây chỉ còn đồng hành cùng chiếc ba gác, vừa chở hàng, vừa đi lại. Có hôm, ông phải chở hàng từ Bình Dương về Quận 7 mà chỉ nhận được... 200 nghìn.
Ông Minh bộc bạch: "Đó giờ tôi chở hàng không có tính toán, ai đưa bao nhiêu thì tôi lấy bấy nhiêu, tùy tâm người mướn mình. Tôi gặp nhiều người vậy rồi, lúc đó chỉ thấy buồn thôi. Đời mà, có người này người kia...".
Dù tên là Minh "cô đơn", nhưng ông chưa bao giờ sống một cuộc đời như cái tên đó, bởi xung quanh ông chưa bao giờ thiếu vắng tình thương, sự sẻ chia với mọi người.
Bình Nghi