Hiệp hội ô tô Trung Quốc xóa bỏ nội dung “Thư cam kết" chỉ sau hai ngày ký. Tại sao?
VietTimes – Ngày 6/7, Hiệp hội công nghiệp ô tô Trung Quốc tổ chức cho 16 nhà sản xuất ký "Thư cam kết duy trì trật tự thị trường công bằng trong ngành ô tô", nhưng chỉ hai ngày sau Hiệp hội vội tuyên bố xóa bỏ nội dung liên quan về giá.
Vào ngày 8/7, Hiệp hội công nghiệp xe hơi Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố trên trang web chính thức của mình, nói rằng bức "Thư cam kết duy trì trật tự thị trường công bằng trong ngành ô tô" trước đó viết "không gây rối trật tự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường với giá cả không bình thường" liên quan đến biểu đạt "giá cả" là không thích hợp và những điều khoản này đã bị xóa khỏi thư cam kết.
Thư cam kết cũng kêu gọi 16 công ty ký thư và các công ty thành viên sản xuất ô tô khác tuân thủ nghiêm ngặt "Luật chống độc quyền" và các quy định, hướng dẫn, quy tắc hành chính có liên quan, tự chủ định giá và cạnh tranh công bằng, để cùng đóng góp cho sự phát triển lành mạnh và đổi mới quy phạm nghề nghiệp.
Nhiều hãng xe ký Thư cam kết
Tại Diễn đàn ô tô Trung Quốc 2023 tổ chức tại Thượng Hải ngày 6/7, đại diện 16 công ty sản xuất ô tô đã ký vào văn bản có tên "Thư cam kết duy trì trật tự thị trường công bằng trong ngành ô tô". Được biết, các nhà sản xuất ô tô đã ký vào thư bao gồm FAW, Dongfeng, SAIC, Changan, BAIC, GAC, Sinotruk, Chery, JAC, Geely, Great Wall, BYD, NIO, LI Auto, Xpeng và Tesla.
Tuyên bố ngày 8/7 của Hiệp hội công nghiệp ô tô Trung Quốc xóa bỏ nội dung về giá trong Thư cam kết ký 2 hôm trước (Ảnh: Sohu).
"Thư cam kết" nhằm thực hiện các quy định tại Điều 14 của "Luật chống độc quyền": "Các hiệp hội ngành cần tăng cường kỷ luật tự giác của ngành, hướng dẫn các nhà khai thác trong ngành cạnh tranh theo luật pháp, hoạt động tuân thủ pháp luật và duy trì trật tự cạnh tranh thị trường” nhằm thực hiện các nghĩa vụ của hiệp hội ngành hàng bảo vệ cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Các nội dung cụ thể bao gồm: Thứ nhất, kiên quyết tuân thủ các quy tắc và thỏa thuận của ngành, chuẩn hóa hoạt động tiếp thị, duy trì trật tự cạnh tranh công bằng và không phá vỡ trật tự cạnh tranh công bằng thị trường bằng giá cả không bình thường.
Thứ hai, chú trọng các phương thức và phương pháp tiếp thị và quảng cáo, không tuyên truyền phóng đại, không quảng cáo sai sự thật và không sử dụng quảng cáo sai lệch để thu hút sự chú ý và thu hút khách hàng. Ngoài ra, các công ty ô tô đề cao tinh thần lấy chất lượng làm đầu và coi chất lượng là gốc, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ chất lượng cao.
Cuối cùng, các hãng xe cũng đảm nhận nhiệm vụ tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, phát huy giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, cống hiến vào việc tăng trưởng ổn định, củng cố lòng tin và phòng ngừa rủi ro của đất nước.
Ông Miêu Trường Hưng, thanh tra cấp một của Vụ Công nghiệp Thiết bị thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, cũng tiết lộ tại cuộc họp rằng việc ký "Thư cam kết" sẽ giúp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, duy trì trật tự tốt trong lĩnh vực thị trường ô tô, tạo môi trường tiêu dùng tốt, tích cực bình ổn và đẩy mạnh tiêu thụ ô tô. Ông đề nghị đa số doanh nghiệp coi việc ký “Thư cam kết” là cơ hội để chuẩn hóa hoạt động tiếp thị, tránh xảy ra tình trạng hỗn loạn như hạ giá bừa bãi, lừa đảo trên mạng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần củng cố nội lực, tăng cường đổi mới dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, góp phần duy trì môi trường thị trường tốt.
Hãng xe thông minh Singulato từng là "ngôi sao" trong ngành vừa đệ đơn xin phá sản
(Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, tuyên bố về giá trong "Thư cam kết" đã gây ra tranh cãi. Chỉ hai ngày sau, Hiệp hội công nghiệp ô tô Trung Quốc đã công khai đính chính thông tin. Một số người trong ngành cho rằng, cuộc chiến giá cả là hành vi thị trường mà các chủ thể thương mại cạnh tranh với nhau, ngành công nghiệp ô tô cũng không ngoại lệ. Các bên ký kết Thư cam kết cơ bản bao gồm các doanh nghiệp xe hơi chính, mục đích là nhằm ổn định thị trường, nhưng hiệu quả cuối cùng phụ thuộc vào việc triển khai của các công ty xe hơi khác nhau trong tương lai.
Chính thức chia tay cuộc chiến giá cả?
Cuộc chiến giá cả đầu tiên của năm nay là Tesla, đợt giảm giá trên toàn cầu bắt đầu từ đầu năm đã kích nổ thị trường.
Bước sang nửa cuối năm, giá xe Tesla tiếp tục giảm. Theo thông báo chính thức của Tesla, tổ hợp Model S và Model X mới đã mở ra chính sách khuyến khích xe hơi hiện có. Trong số đó, mức giảm giá của Model S là 35.000 NDT, của Model SPlaid là 40.000 NDT, của Model X là 35.000 NDT và của Model XPlaid là 45.000 NDT.
Theo nhân viên của Trung tâm bán hàng Tesla tại quận Phúc Điền, Thâm Quyến, bắt đầu từ ngày 7/7 đã có chính sách mua xe Tesla mới. Chủ yếu nhằm vào khách hàng cũ giới thiệu khách mới mua xe, chính sách giới thiệu đã được cập nhật đầy đủ. Tất cả các mẫu Tesla đều có thể nhận được các ưu đãi: 1. Người giới thiệu có thể nhận được 7000 điểm thưởng; 2. Người mua xe có thể tham gia ưu đãi tiền mặt 3.500 NDT (trừ khoản thanh toán cuối cùng); 3. Người mua xe có thể nhận được hỗ trợ 90 ngày dùng thử miễn phí lái xe tự động nâng cao.
Ưu đãi đã trở thành nhân viên bán hàng lớn nhất của thương hiệu Tesla. Một chủ xe mua chiếc Tesla Model Y năm ngoái cho biết, giá lúc đó khoảng 280.000 NDT nhưng giờ chỉ còn 260.000, nếu giới thiệu bạn bè thì có thể bù được khoản thiệt hại do mua xe sớm.
Chỉ sau 1 năm, mẫu xe điện Tesla Model Y đã giảm giá 20.000 NDT (Ảnh: Sohu)
Ngoài Tesla, trong giới ô tô năm nay cũng xuất hiện một làn sóng giảm giá quy mô lớn. Vào tháng 3, việc doanh nghiệp + chính phủ chung tay trợ giá của tỉnh Hồ Bắc và Dongfeng Motor đã đẩy cuộc chiến giá cả lên đến đỉnh điểm. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 40 thương hiệu và hơn 10 tỉnh thành đã tham gia vào cuộc chiến giá cả. Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc và Hiệp hội công nghiệp ô tô Trung Quốc liên tiếp đưa ra các văn bản kêu gọi nhanh chóng hạ nhiệt cơn sốt giảm giá. Bước sang quý 2, cuộc chiến ngầm về giá tiếp tục bằng cách giảm giá xe mới, giảm giá phụ tùng, giảm giá và tăng thiết bị, phương thức cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Làn sóng giảm giá xe năng lượng mới (xe điện) mang lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng, nhưng đối với các công ty ô tô, cuộc cạnh tranh đã bước vào giai đoạn đèn đỏ và việc sống còn đã trở thành mục tiêu của các công ty ô tô mới năm 2023.
Mới đây, Công ty TNHH ô tô năng lượng mới thông minh Kỳ Điểm (Singulato) An Huy đã thông báo xin "xem xét phá sản", có nghĩa là lại có thêm nhà sản xuất ô tô mới từng là ngôi sao bị sụp đổ.
Theo tư liệu công khai, Singularto Motor được thành lập vào năm 2014. Từ năm 2015 đến 2019, đã hoàn thành nhiều vòng huy động vốn với tổng số tiền hơn 17 tỉ NDT. Các tổ chức đầu tư bao gồm Intel Capital, 360 Security, Sanhua Holdings, Dongfeng Design Research, Lenovo Star, v.v. Vào thời kỳ đỉnh cao, Singulato có hơn 1.500 nhân viên. Vào tháng trước, Byton Motors, một thế lực mới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, cũng bị lộ tin phá sản.
Một số nhà đầu tư tập trung vào dòng xe năng lượng mới cho rằng cuộc chiến giá cả giữa các công ty ô tô chỉ là hình thức biểu hiện cuối cùng, phân hóa là không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường, và kết quả của sự phân hóa là một số thương hiệu tự chủ tốt sẽ tiếp tục phát triển và một số nhãn yếu kém có thể bị đào thải. Một số công ty không hiểu biết về ngành công nghiệp xe năng lượng mới mù quáng lao vào cuộc đua, là nguyên nhân gốc rễ của sự thất bại.
Theo Sohu