Hiện tượng chưa từng có khi lỗ đen nuốt một ngôi sao
Một lỗ đen đã được phát hiện phun ra vật chất, ba năm sau khi tiêu thụ một ngôi sao khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ.
Năm 2018, tại vùng không gian cách chúng ta 665 triệu năm ánh sáng, một ngôi sao nhỏ bị xé thành vô số mảnh khi tiến tới gần một lỗ đen. Nhưng thay vì phun trả ra ngoài không gian một lượng vật chất nhất định, lỗ đen bí ẩn bất ngờ "ngủ đông" trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2021, hệ thống kính viễn vọng vô tuyến Very Large đặt tại New Mexico - Mỹ bất ngờ bị "dội bom" bởi lỗ đen kỳ quặc bất ngờ bùng nổ suốt vài tháng. Các sóng vô tuyến phụt ra từ nó dữ dội và được xác định chính là vật chất của ngôi sao bị nó xé nhỏ và nuốt chửng vài năm trước.
Sự kiện bí ẩn đã được nhóm nghiên cứu từ nhiều viện, trường, trung tâm trực thuộc Đại học Harvard (Mỹ) xem xét.
“Hiện tượng làm chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên, chưa ai từng thấy sự kiện tương tự diễn ra”, nhà nghiên cứu Yvette Cendes công tác tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard, cũng là tác giả chính của nghiên cứu mới, nói.
Theo kết luận của nhóm các nhà khoa học, vật chất phun ra từ lỗ đen đang bay với tốc độ bằng nửa vận tốc ánh sáng. Hiện giới nghiên cứu chưa rõ tại sao lỗ đen lại ngậm vật chất vài năm rồi mới nhả ra ngoài.
Hiện tượng lỗ đen ăn cái gì đó rồi phun ra vật chất nói chung xảy ra khi một ngôi sao xui xẻo tiếp cận gần lỗ đen và bị xé toạc, sau đó hóa thành sợi mì dài nóng bỏng, còn được gọi là "gián đoạn thủy triều" (TDE), sẽ khiến lỗ đen bừng sáng ngoạn mục .
Quốc Tiệp (t/h)