Hiện tượng cá chết tại hồ Tây vẫn tiếp diễn
Ngày 16/11, theo ghi nhận của Tiền Phong, tại hồ Tây tiếp tục ghi nhận một lượng lớn cá chết nổi trên mặt hồ. Đáng chú ý, tình trạng này đã kéo dài từ tháng 9 cho đến nay.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 16/11, đại diện đơn vị Xí nghiệp thoát nước số 1 (Cty Thoát nước Hà Nội) cho biết, đơn vị đã vớt được khoảng hơn 1 tạ cá chết ở hồ Tây . "Lượng cá chết chủ yếu là cá mè cỡ nhỏ và trung bình, có một ít rô phi", đại diện đơn vị này thông tin.
Theo vị này, qua quan sát của đơn vị, thời điểm gần đây, lượng tảo xanh ở hồ Tây xuất hiện nhiều, có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết.
"Cá mè là loại sống ở tầng nước mặt, có thể do tảo xuất hiện nhiều, gây ra tình trạng thiếu ô xy khiến cá chết", vị này nói thêm.
Trước đó, Tiền Phong đã nhiều lần phản ánh tình trạng cá chết nổi ở hồ Tây thời gian vừa qua. Theo văn bản xác nhận của Sở Xây dựng, tình trạng cá chết đã xuất hiện từ tháng 9/2022.
Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, Sở Xây dựng đã kiểm tra thực tế, quan trắc chất lượng nước hồ Tây tại một số khu vực..
Theo công bố của Sở Xây dựng, hiện tượng cá chết trên mặt hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9/2022. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.
Báo cáo của liên ngành cho biết, qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hằng năm vào khoảng các tháng 9, 10 khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.
Về chất lượng nước hồ, theo số liệu kết quả quan trắc tại điểm quan trắc tự động Trích Sài do Sở TN&MT quản lý, thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục. Cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25/9 (DO là 3,6 mg/l); ngày 26/9 là 0,46mg/l, ngày 28/9 giảm xuống còn 0...
Tuy nhiên, giá trị thông số đến ngày 29/9 đạt 4,54 mg/l, ngày 6/10 đạt 6,19 mg/l... (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN, giá trị giới hạn cột B1 đối với thông số oxy hòa tan là ≥ 4mg/l). Các thông số: BOD, COD, TSS, Amoni đều vượt quy chuẩn cho phép...
Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi tiến hành khảo sát xung quanh hồ Tây, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước hồ Tây tại 7 vị trí khác nhau tại hồ Tây của Sở TN&MT mới đây cũng cho thấy, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95- 7,64 mg/l; 7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD, COD, Amoni xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500).
Theo nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân . Ý kiến của Sở TN&MT nêu về hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở NN&PTNT nêu về khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo,... gây ra), cá bị bệnh,.... Hiện tượng cá chết tại hồ Tây cần có khảo sát thêm, lấy mẫu để đánh giá cụ thể hơn.
Về giải pháp khắc phục, hiện Sở TN&MT đang tiến hành khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng nước hồ Tây. Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ và đánh giá tình trạng cá chết bệnh khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt đối với các hồ do thành phố quản lý. Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp các sở TN&MT, NN&PTNT theo dõi chất lượng nước các hồ của thành phố và báo cáo UBND thành phố khi có diễn biến bất thường.