Hiện thực hóa ước mơ kết nối các tuyến đường sắt trên cao
Sau một thời gian đi vào hoạt động, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã thể hiện một hình ảnh mới khác biệt của dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô, hiện đại và văn minh, được nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày. Tuy nhiên, để tuyến đường sắt này phát huy tối đa hiệu quả cần nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, thu hút thêm nhiều người dân đi tàu.
Cần tăng cường kết nối
“Mới đầu tôi chỉ đi trải nghiệm cùng với gia đình, sau đó thấy phù hợp với lộ trình từ nhà đến cơ quan ở Cát Linh nên tôi mua vé tháng đi thường xuyên. Đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông không chỉ giảm thiểu được thời gian, kinh phí đi lại mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ở các nước phát triển trên thế giới, triển khai dịch vụ công cộng tương tự thế này khá nhiều. Tôi nghĩ, Việt Nam cần phát triển liên kết nhiều tuyến sẽ thu hút người dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông”, chị Hồng Hạnh (phường Thanh Xuân Bắc) lên tàu từ ga Vành đai 3 chia sẻ.
Những ngày này, hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đông nhất vào các khung giờ cao điểm, còn các cung giờ khác, hầu như khách chỉ xếp kín ghế ngồi, rất ít người đứng. Phần lớn hành khách đi tàu là phụ nữ và người trẻ tuổi; trong đó, dân công sở, văn phòng là chiếm số đông.
Từ Bến xe Yên Nghĩa, bác Nguyễn Hùng (phường Yên Nghĩa) lên tàu đi thăm Lăng Bác. Bác rất hài lòng với chất lượng dịch vụ văn minh, hiện đại trên tàu đường sắt nhưng cho rằng, đơn vị quản lý cần quan tâm hơn đến những người cao tuổi.
“Cầu thang lên cửa ra tàu cao quá, trong khi thang máy chỉ dành cho người khuyết tật (theo nhân viên ga tàu), cùng với việc phải sang đường, thiếu phương tiện kết nối, thiếu chỗ gửi xe, khiến nhiều người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tàu đường sắt trên cao”, bác Nguyễn Hùng bày tỏ.
Mặc dù lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày bằng tàu Cát Linh – Hà Đông, nhưng chị Lê Thị Liên, đang công tác tại một công ty gần ga Cát Linh phàn nàn, tuyến tàu này vẫn còn một số bất cập, nhất là vấn đề kết nối với các loại hình vận tải công cộng khác.
Còn chị Lê Lan (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) và chị Thu Hà (quận Thanh Xuân) - những người sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm cho rằng, so với các tàu đường sắt trên cao ở nhiều nước châu Âu như Italia, Pháp thì tàu Cát Linh – Hà Đông mới đưa vào hoạt động nên còn mới và đẹp hơn. “Đây là phương tiện vận tải công cộng rất văn minh và lịch sự nên tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt kết nối thuận lợi cho hành khách, phát huy hiệu quả toàn tuyến”, chị Lê Lan bày tỏ.
Đồng quan điểm, nhưng chị Thu Hà đưa ra đề xuất, đơn vị quản lý tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần cập nhật giờ tàu chạy hàng ngày lên trang web Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) để những hành khách như chị dễ theo dõi giờ tàu chạy, chủ động sắp xếp thời gian.
Chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào sử dụng thuận tiện cho những người dân sinh sống, làm việc… cách các trạm dừng lên - xuống của tàu khoảng 1 km trở lại. Để nhiều người sử dụng tàu điện trên cao hơn cần có sự kết nối giữa các loại hình giao thông như trạm xe buýt, taxi, điểm trông giữ phương tiện cá nhân… kết nối, thuận tiện. Nếu đi cả tuyến đường sắt chỉ mất chưa đầy 30 phút mà lại mất thêm 30 phút để chờ xe, đi bộ hay bắt xe tới nơi khác thì sẽ ít người sử dụng. Ngoài ra, việc các nhà ga, điểm đón khách chưa bố trí được điểm trông giữ phương tiện cá nhân sẽ là một bất lợi, thiếu tính kết nối với người sử dụng. Do vậy, thành phố cần nghiên cứu để bố trí, ưu tiên những khu vực phục vụ nhu cầu này của người dân. Cần phải kết hợp nhiều giải pháp để thay đổi thói quen từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng.
Để nâng cao hiệu quả
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt; trong đó, giai đoạn đến năm 2025 sẽ thúc đẩy thực hiện dự án tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội; khởi công tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi, triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Nam Thăng Long - Thượng Đình; Hà Nội - Hoàng Mai; Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt; Văn Cao - Vành đai 4; Nam Thăng Long - sân bay Nội Bài; Mai Dịch - Dương Xá. Giai đoạn đến 2030 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực trung tâm lõi của Hà Nội và triển khai thi công cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt Thủ đô kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Đầu tư tuyến đường sắt vành đai quốc gia phía đông Hà Nội, từ Ngọc Hồi - Trần Hưng Đạo - Yên Viên.
Dự kiến đến năm 2025 (theo quy hoạch ban đầu) sẽ có 5 đoạn tuyến đường sắt được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng đến năm 2025 mới có đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động; trong đó tuyến Nhổn - ga Hà Nội mới chỉ khai thác được phần trên cao, còn phần đi ngầm chưa được khai thác.
Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau một năm đi vào vận hành, khai thác đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải này và cũng là lực lượng xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn. Từ ngày 6/11/2021 đến hết 6/11/2022, tuyến đường sắt này khai thác an toàn và vận chuyển được gần 7,5 triệu hành khách. Theo Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ Nhật) dao động từ 26.000 - 28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa.
Theo Tổng giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Nếu hệ thống kết nối được đầu tư mở rộng hơn nữa, phương thức đi lại này chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tham gia giao thông bởi sự thuận thiện, an toàn, văn minh.
Tuy nhiên, từ khi thành lập năm 2014 đến nay, khoản lỗ lũy kế của Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) lên tới gần 160 tỷ đồng, do nhiều nguyên nhân như số lượng hành khách đi chưa cao nhưng chi phí vận hành (điện, nhân công…) không thể cắt giảm. Hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn để thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, giai đoạn đầu khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, giá vé tạm tính, với số lượng người tham gia giao thông bằng đường sắt chưa cao thì doanh thu bán vé không đủ để bù đắp các chi phí phát sinh liên quan.
Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga. Cơ quan chức năng còn mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chung nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị. Những giải pháp này nhằm thu hút thêm số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ lũy kế.