Hiện thực hóa nỗ lực xây dựng cảng xanh thông minh

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 11:15:46

Cảng bãi thông minh Thiên Tân hiện nay thuộc số ít cảng trang bị công nghệ tiên tiến, cũng như sở hữu hàng loạt thành tựu công nghệ hiện đại.

Cuối năm 2021, tình trạng tắc nghẽn cảng đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nghiêm trọng; hầu hết chuỗi bán lẻ đã rơi vào tình trạng khan hàng trong suốt mùa cao điểm Black Friday và Giáng sinh. Do đó, việc gấp rút triển khai tự động hóa và cải tiến thông minh ở các cảng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này.

Mô hình cảng xanh thông minh

Sau một thời gian được triển khai công nghệ mới, khu vực đón tàu khách tại bãi container ở khu C của Cảng Thiên Tân đã ghi nhận những thay đổi lớn. Tại đây xuất hiện các cần cẩu container được vận hành tự động và loạt các xe điện không người lái đến và vận chuyển container đi. Các cần trục quay được điều khiển từ xa sẽ bốc dỡ nhịp nhàng container hàng hóa từ các tàu chở hàng, và xếp các container lên xe điện không người lái. Nhờ hướng dẫn chỉ đường của hệ thống định vị vệ tinh BeiDou, các xe điện container này đi đến các trạm tự động đóng/mở khóa với lộ trình lái tối ưu hóa theo thời gian thực, mở khóa container rồi sau đó lái xe quay lại bãi tiếp nhận ban đầu. Toàn bộ quá trình được hoàn thành chỉ trong một chặng duy nhất.

Cảng bãi thông minh đã được Tập đoàn Cảng Thiên Tân (TPG) xây dựng cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ của Huawei và các đối tác, nhằm hiện thực hóa nỗ lực xây dựng cảng xanh thông minh.

Hệ thống giao thông ngang thông minh (horizontal transportation system) dựa trên AI do Huawei tự phát triển là một trong những ứng dụng cải tiến quan trọng góp phần giải quyết vấn đề này, đã mang lại hàng loạt thành tựu "lần đầu tiên trên thế giới". Các thành tựu phải kể đến bao gồm: Công nghệ không người lái Ultra-L4 lần đầu ứng dụng thương mại quy mô lớn, trí thông minh tích hợp "5G + BeiDou" đầu tiên thế giới, điện xanh tự cung tự cấp và không phát thải carbon đầu tiên trên toàn cầu... Những thành tựu này sẽ là ví dụ điển hình để các khu vực khác trên thế giới có thể xây dựng thành công cảng thông minh ít phát thải carbon.

Chuyển đổi số thông minh cảng biển đã mang đến nhiều lợi ích hữu hình. Trước đây, quá trình vận chuyển container đến các kho bãi trong cảng cần một lượng lớn các xe chuyên chở với chi phí nhân công cao. Chẳng hạn như ở Cảng Thiên Tân, hiện có 76 xe container. Để đảm bảo hoạt động 24/7, mỗi xe container cần 3 tài xế làm việc 3 ca mỗi ngày - tức cần đến tổng cộng 210 tài xế. Chưa kể, việc các tài xế xe tải phải lái xe trên các tuyến đường cố định liên tục trong 3 ca sẽ dẫn đến mệt mỏi, thiếu an toàn. Song giờ đây, với mô hình hoạt động mới, mỗi container tiêu thụ năng lượng ít hơn 20%, đồng thời ghi nhận hiệu quả hoạt động cần cẩu tăng 20%, với hiệu suất hoạt động của mỗi cần cẩu là cẩu được 39 container mỗi giờ.

Cảng Thiên Tân là một trong những cảng sở hữu công nghệ tiên tiến bậc nhất Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2021, sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng này đã đạt 435 triệu tấn, đứng thứ 9 trên thế giới; trong khi sản lượng container vượt quá 18,35 triệu TEU (một đơn vị đo lường được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh vận tải biển), xếp hạng thứ 8 toàn cầu.

Chia sẻ Facebook