Hiện tại hạnh phúc của 2 sản phụ từng phải thở chung 1 máy ECMO
Ngọc Hoài và Thu Trinh là hai sản phụ mắc COVID-19 rất nặng. Một tối tháng 8-2021 dịch giã căng thẳng, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) quyết định chia đôi một máy ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cho họ dùng chung.
Và tất cả vỡ òa hạnh phúc khi sáng kiến này thành công. Trải qua cuộc chiến sinh tử, hai người mẹ giờ đang sống hạnh phúc bên đứa con yêu thương.
"Mẹ về rồi, đừng giận mẹ nữa nha!"
Một sáng cuối tháng 6, trong căn nhà tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thu Trinh cứ mỉm cười, yêu thương nhìn con đầu lòng đang ê a tập nói, tập đi. Cậu bé nằm trong lồng kính và tách mẹ khi vừa mới sinh ngày nào vì dịch giã hiểm nguy giờ đã sắp thôi nôi. Bé cũng vừa có chuyến đi biển vui vẻ đầu đời cùng ba mẹ.
Đây chính là đứa con mà chị từng trăng trối với chồng trước lúc hôn mê sâu: "Nếu em có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con".
Chị Trinh là người ra viện đầu tiên trong số những sản phụ mắc COVID-19 nặng, phải thở ECMO tại Bệnh viện Quân y 175. Chị được về nhà vào ngày 3-9-2021 sau 40 ngày nằm viện và nhiều lúc tưởng chừng không qua khỏi. Nhập viện ở tháng cuối thai kỳ, nhìn thấy một sản phụ khác đặt ống thở máy nhưng không qua khỏi, chị đã gọi cho chồng để nói lời sau cùng.
Nhưng kỳ tích đã xảy ra với người mẹ 30 tuổi. Sau 9 ngày hôn mê, bên lằn ranh sinh - tử, chị Trinh đã tỉnh dậy. Được mượn máy gọi về cho chồng, chị khóc nhiều. "Khóc vì nhớ nhà, với khóc khi thấy mái tóc dài của mình giờ không còn nữa. Biết mình tỉnh lại thì vui nhưng tiếc mái tóc, bác sĩ mới nói phải cạo hết tóc để tiện chữa bệnh cho tôi. Bác sĩ nói quan trọng là giữ tính mạng, giờ khỏe đi rồi về nhà tóc mọc ra chứ gì. Vậy mới chịu ngưng khóc", chị cười nhớ lại.
Được về nhà, lần đầu nhìn con cận kề, những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ vượt cửa tử không ngừng tuôn. "Không có từ nào diễn cả cảm xúc lúc đó. Hạnh phúc vô cùng, có điều con tôi lại xa lạ với ba mẹ. Ở nhà ai ẵm cũng nín, mà cứ ba mẹ ẵm là khóc vì lạ hơi. Cả nhà động viên, nói là chắc cháu nó hờn đó, từ từ nó quen", chị nói. Khi đó, ôm con vào lòng, chị thủ thỉ: "Mẹ về rồi, đừng giận mẹ nữa nha!".
Vượt cửa tử
Ở quận 12, chị Ngô Thị Ngọc Hoài đang chuẩn bị đưa con đi chích ngừa. Người mẹ 34 tuổi này cũng từng xa con gần hai tháng, bé buộc phải ra đời thiếu tháng để cứu hai mẹ con trong tình cảnh dịch giã đau thương.
Thời gian chị Hoài hôn mê gần hai tháng tại Bệnh viện Quân y 175 cũng là lúc bé Phúc An con chị phải nằm lồng kính tại Bệnh viện Từ Dũ suốt 28 ngày mà không có người thân bên cạnh bởi khắp nơi đều phong tỏa, chồng chị và cô con gái lại cách ly ở Bệnh viện dã chiến số 7. Sau đó, bé được rước về và gửi nhờ tại nhà đồng nghiệp của chị.
Chị Hoài mắc COVID-19 nặng hơn chị Trinh với thời gian hôn mê dài, 6 lần đại phẫu và truyền khoảng 45 lít máu - lượng máu gấp mấy lần người bình thường.
Là một trong những người điều trị chính cho chị Hoài, thượng úy - bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung (tổ trưởng tổ ECMO, công tác tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175) vẫn không thể quên những ngày đi kiếm máu khắp TP để về truyền cho chị Hoài khi bụng chị cứ chảy máu liên tục.
Ca điều trị của chị Hoài hơn 2 tháng nhưng là một "quãng đời dài" của cả bệnh nhân và y bác sĩ. "Các bác sĩ đã phải rơi nước mắt rất nhiều lần vì tình trạng chị Hoài cứ tiến triển nặng, còn mình phải gồng từng tí, khó khăn mọi điều. Bệnh nhân tỉnh dậy và ra viện được thật sự là kỳ tích", ông Chung trải lòng.
Chia sẻ về quyết định mà trước nay chưa nơi nào thực hiện, đó là cho hai bệnh nhân cùng sử dụng một máy ECMO, bác sĩ Chung cho biết khi đó bệnh nhân nhiều nhưng máy móc thiếu nên phải nghĩ ra cách này để chia sẻ cơ hội sống cho thêm một người bệnh.
"Chúng tôi phải đấu tranh nhiều, suy nghĩ nếu không làm thì người bệnh sẽ chết. 45 phút tách đôi ECMO các y bác sĩ phải theo sát canh chừng, vì cách này chưa ai làm trước đó nên phải đề phòng và xử lý biến chứng", ông nói.
Hơn hai tháng vượt qua cửa tử, chị Hoài vô cùng xúc động khi thấy chồng đưa hai con yêu thương đến. "Từ xưa tới giờ tôi chưa bao giờ có cảm giác hạnh phúc như vậy, cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc", chị Hoài kể khoảnh khắc trùng phùng.
Về nhà, mọi sinh hoạt của chị Hoài đều phải nhờ chồng hỗ trợ, từ đi đứng, ăn uống, vệ sinh. May mắn, cậu bé không lạ mẹ dù vẫn chưa được bồng và chưa từng bú một giọt sữa mẹ. Để mau hồi phục và có người phụ chăm con, cả nhà chị về Huế, đến tháng 2 năm nay mới quay lại TP.HCM.
Những cái tên tri ân
Trở về từ cõi chết, dù sức khỏe giảm sút khá nhiều so với trước lúc bệnh, chị Hoài vẫn thấy mình quá may mắn. "Trải nhiều chuyện, tôi thấy yêu thương bản thân và mọi người xung quanh hơn, trân trọng những gì hiện tại. Giờ được ở nhà chăm con đã là hạnh phúc lớn lao mà khi nằm viện tôi đã nghĩ mình không còn cơ hội này", chị tâm sự.
Còn với chị Trinh, giờ đây chị đã đỡ ám ảnh những ngày tưởng chừng sinh ly tử biệt ấy. Sau biến cố lớn, vợ chồng chị Trinh càng thêm yêu thương, hiểu nhau hơn.
"COVID-19 làm chúng tôi thay đổi nhiều, kể cả quan điểm sống. Tiền thì chỉ cần đủ là được, chứ không cố để có nhiều tiền như trước nữa. Quan trọng gia đình hạnh phúc và khỏe mạnh" - chị nhìn con, mỉm cười.
Để khắc ghi những ngày không thể quên, cũng như trả ơn cứu mạng, cả hai chị Hoài và Trinh sau khi xuất viện đã quyết định ghép họ và tên các bác sĩ tham gia chính trong kíp điều trị để đặt tên cho con mình. Con chị Trinh có tên Huỳnh Diệp Chung Ân, con chị Hoài là Vương Diệp Chung Ân.
Trong đó, Diệp - Chung - Ân được ghép từ họ và tên các bác sĩ Diệp Hồng Kháng (trưởng khoa hồi sức và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng), bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung (tổ trưởng tổ ECMO) và bác sĩ Vũ Đình Ân (phó giám đốc Trung tâm điều trị COVID-19).
Cả hai người mẹ đều cho biết khi các con hiểu chuyện sẽ kể lại cho chúng nghe về cái tên đặc biệt này để con hiểu mình đã ra đời trong hoàn cảnh dịch giã đau thương thế nào. Ngoài ra, hai chị Hoài và Trinh cũng gửi gắm mong ước các con lớn lên sẽ làm người tốt, có ích, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.
Niềm vui và áp lực
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung cho hay ông rất xúc động khi biết cả hai gia đình Trinh và Hoài đều lấy tên các y bác sĩ đặt cho con. "Đó là niềm vui và tự hào của tôi, cũng như là phần thưởng của gia đình bệnh nhân dành cho mình.
Với chúng tôi, nhận được lời cảm ơn trong hoàn cảnh cuộc chiến quá vất vả ấy là hạnh phúc rồi chứ không dám nghĩ đến điều xa xỉ là được bệnh nhân lấy tên đặt cho con cái đâu. Việc cứu chữa thành công là công lao của rất nhiều y bác sĩ chứ không chỉ 3 chúng tôi", bác sĩ Chung tâm sự.
Đang vượt qua di chứng
Chị Hoài hiện sức khỏe đã bình phục, song di chứng thi thoảng vẫn hiện diện. Người phụ nữ từng hôn mê gần 2 tháng này hay bị chứng mất ngủ, hay quên, khó thở và không thể làm việc nặng như trước. "Sức khỏe tôi giảm 30 - 40% so với trước", chị cho hay. Trong khi đó, chị Trinh cũng chia sẻ mình hay bị hụt hơi, lau nhà hai bậc thang phải dừng lại thở một lúc.
Ngày 9-6, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết nhờ quy trình báo động đỏ, cấp cứu liên viện đã cứu sống thành công sản phụ bị ngưng tim.