Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Sông Sài Gòn thuần Việt
Trừ mấy đô thị cao nguyên, các thành phố đồng bằng luôn nép mình bên những dòng sông. Sông đi với nước, là nguồn sống của con người. Ai cũng có một dòng sông quê hương đầy ắp hoài niệm. Mỗi dòng sông là một chứng nhân lịch sử bể dâu.
Phố xá được hình thành ven bờ sông Sài Gòn chỉ hơn 300 năm trước, nhưng con người có mặt quanh đây cả vài ngàn năm. Dòng sông đã hiện hữu từ thuở hồng hoang, qua hàng triệu năm vẫn thủy chung, son sắt góp mặt, dâng tặng đời bao sản vật.
Là phụ lưu của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn dài 256km đi qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và chảy qua Sài Gòn 80km.
Ngày xưa, sông Sài Gòn là "super highway" đường thủy, tàu bè lúc nào cũng tấp nập ngược xuôi như trẩy hội.
Nhìn từ trên cao, dòng sông tựa thủy quái khổng lồ, bao dung ôm trọn và chở che thành phố. Dù không có cảng biển, Sài Gòn vẫn chiếm hơn 1/2 tổng lượng hàng hóa giao thông đường thủy cả nước.
Quy hoạch tổng thể
Là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch không thể hoạt động một mình. Du lịch đường sông càng cần tầm nhìn dài hạn, không thể muốn là được.
Từ việc xây dựng cầu, các điểm nhấn cho tới phát triển ven bờ, nối kết các điểm đến đường bộ. Mọi hoạt động đôi bờ đều có hệ sinh thái cộng hưởng với du lịch đường sông.
Đáng mừng là hai cây cầu Thủ Thiêm 1 và 2 đều có kiến trúc đẹp, phục vụ du khách đợi bình minh và tiễn hoàng hôn cực chất. Nên thiết kế ánh sáng nghệ thuật theo từng đêm. Tổ chức thi trang trí nhà mặt tiền, nhà cao tầng ở hai bờ, tạo thành cảnh quan ngoạn mục.
Lấy bến Bạch Đằng và công viên tượng Trần Hưng Đạo làm trung tâm. Trồng thêm cây và hoa; có màn hình giới thiệu tóm tắt 3 chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938 (Ngô Quyền, 897 - 944), năm 981 (Lê Hoàn, 941 - 1005), năm 1288 (Trần Hưng Đạo, 1231 - 1300) và câu đối "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Giang Văn Minh, 1573 - 1638).
Tiến hành khảo sát chi tiết tài nguyên du lịch đôi bờ, đầu tư thành điểm đến, thiết kế nhiều tour đặc trưng để khách chọn lựa. Phục dựng chợ hoa và chợ nổi Bình Đông như nét văn hóa đặc thù sông nước Nam Bộ.
Nối kết xóm đạo Bình An (quận 8), nhất là mùa Giáng sinh. Phục hồi các làng nghề đóng giày (quận 4), dệt chiếu (quận 8), nem (Thủ Đức); quy hoạch các làng yến, hàu, muối (Cần Giờ), hoa kiểng (Gò Vấp), chạm khắc gỗ (quận 12), đan giỏ trạc (Hóc Môn), đan lát, bánh tráng (Củ Chi)... thành điểm du lịch.
Các điểm đến có dịch vụ vận chuyển đa dạng: từ đi bộ, trekking đến xe đạp, xe thồ, xe lam. Tránh để cao ốc bủa vây, ngột ngạt như nhiều đô thị hiện đại ở các nước.
Sài Gòn phải là sông thuần Việt. Mọi kiến trúc và cảnh quan đều mang hơi thở Việt đặc trưng và không đâu có, để du ngoạn sông Sài Gòn là tour độc bản thế giới.
Dòng sông lãng mạn, phát triển hài hòa, tự nhiên và thân thiện như bản chất hào nghĩa của người Sài Gòn. Các công trình và cảnh quan đều thay lời muốn nói.
Việc quy hoạch cần tối thiểu 15 năm với từng bước đi cụ thể, từng năm, từng 5 năm và làm hết sức mình mới có quả ngọt. Du lịch đường sông như trồng gỗ quý, cả chục năm trở lên mới thu hoạch chất lượng. Làm sao có được vài làng quê Nam Bộ đúng chuẩn ven sông.
Trước khi nghĩ đến việc phát triển du lịch, các dòng sông phải được cải tạo căn bản bằng cách đặt cống ngầm lớn, có hệ thống thu gom chứ không để nước thải chảy thẳng ra sông rạch.
Việc này rất khó khăn, tốn kém nhưng là điều kiện tiên quyết và triệt để nhằm phát triển du lịch. Chỉ có thể nghĩ tới việc xây dựng sản phẩm du lịch khi giải quyết được tình trạng ô nhiễm hiện nay.
Thay đổi suy nghĩ và kiến giải trước mắt
Du lịch đường sông cần được quy hoạch và đầu tư bài bản, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường. Không thể nóng vội, chủ quan. Sài Gòn đi sau, có nhiều kinh nghiệm các nơi làm trước.
Việc đầu tiên là thay đổi cách nghĩ. Du lịch đường sông chủ yếu là ngoạn cảnh đôi bờ, du khách chỉ ăn nhẹ và uống nước, dành phần lớn thời gian ngoạn cảnh. Muốn vậy phải tạo ra những cảnh quan độc đáo. Đó là thiết kế ánh sáng, là trang trí cao ốc và nhà mặt tiền bờ sông, làm các tiểu cảnh bến thuyền xưa…
Tôi đề nghị vận động, khuyến khích và có giải thưởng cho việc làm đẹp hai bờ sông và trồng thật nhiều hoa. Trước để làm đẹp thêm thành phố, sau là phục vụ du lịch. Sông Sài Gòn trong xanh, rạng rỡ, kẹp giữa hai bờ hoa, có thể nhìn thấy từ máy bay và không lẫn vào đâu được. Các tàu du lịch thiết kế đáy bằng để đảm bảo an toàn, máy chạy êm, mui trần.
Du thuyền có màn hình lớn, chiếu phim tư liệu tóm tắt lịch sử Sài Gòn lẫn cận cảnh thực tế, có thuyết minh và phụ đề. Dù chỉ ăn nhẹ, ẩm thực cũng mang đặc trưng Sài Gòn. Chào mừng, tiễn khách bằng âm nhạc dân tộc hòa tấu. Du ngoạn sông Sài Gòn phải là tour ấn tượng, sâu lắng, không thể thiếu khi du khách đến TP.HCM.
Từ bến Bạch Đằng nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, trụ sở UBND TP, vào tuyến Hop On - Hop Off (xe buýt 2 tầng) tham quan các trọng điểm khác.
Ngược kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, ghé quận 5 với nhà mồ danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký, nhà thờ Chợ Quán xưa nhất Sài Gòn (phường 2), phố Kim Hoàn, chùa Vạn Phật (phường 5), phố thuốc nam, phố lồng đèn (phường 10); lên quận 6 ghé chợ Bình Tây (phường 2) và các tuyến xuống Cần Giờ, lên Thủ Đức và Củ Chi...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau khi hoàn tất kỳ tích đặt cống ngầm khổng lồ dài gần 9km, lắp đặt gần 70km đường cống nhỏ, thu gom nước thải dân cư; giải tỏa và định cư cho 11.324 hộ để mở hai đường Hoàng Sa, Trường Sa... đã phát huy mạnh mẽ với với các tour Lãng mạn hoàng hôn, Vọng nguyệt, Sử xanh, Cà phê Sài Gòn... Xây dựng hai bến nội đô thành hình mẫu phát triển bền vững.
Về lâu dài, cần quy hoạch đường Hoàng Sa, Trường Sa là phố đi bộ với ẩm thực, shopping, văn hóa đường phố.
Dưới chân cầu đều có bích họa và các show tái hiện lịch sử, biểu diễn định kỳ. Hai bên chân cầu có điểm dừng để khách lên bờ, hòa mình vào các hoạt động đường phố. Đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ lên thượng nguồn tập trung các loại hình chèo thuyền thúng, kayak, sup...
Vấn đề xả rác thải xuống sông rạch, kể cả những dòng kênh đẹp như Nhiêu Lộc, vẫn chưa được xử lý nghiêm minh. Nhiều người ngang nhiên vứt rác xuống kênh, câu cá trộm; hàng chục ghe vô tư chích điện, hủy diệt môi trường sống các loài thủy sản. Du lịch - môi trường là cặp đôi hoàn hảo. Nếu môi trường ô nhiễm, cầm chắc du lịch "đứng hình".
Bên cạnh quy định rõ trách nhiệm cá nhân đứng đầu trong việc phát triển du lịch đường sông, cần có những chính sách khuyến khích thiết thực.
Vay lãi suất ưu đãi, giảm 50% thuế doanh thu, miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu... để các doanh nghiệp đầu tư du lịch sông Sài Gòn tạo đà và tăng tốc phát triển.
Dù rất nỗ lực, sông Sài Gòn góp mặt với du lịch thành phố quá khiêm tốn so với tiềm năng. Du thuyền chủ yếu là ăn uống. Buýt đường sông cầm cự qua ngày. Thi thoảng có du thuyền xuống Cần Giờ, lên Thủ Đức hay Củ Chi. Cả người và sông Sài Gòn đều trăn trở.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi
Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", nhằm tìm các ý tưởng và giải pháp để góp phần phát triển sông Sài Gòn.
Các bạn có thể gửi ý kiến, bài viết, công trình nghiên cứu, đồ án, kế hoạch, ý tưởng... góp phần vào mô hình phát triển mới, hình dung về các đô thị bên sông của dòng sông trù phú này. Các bài viết, đồ án sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ.
Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên các ấn phẩm Tuổi Trẻ và đặc san kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Bài dự thi gửi về email: [email protected]. Thời gian nhận bài dự thi: từ 7-3 đến hết ngày 20-4-2022.
Giải thưởng: Giải tập thể: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng. Giải cá nhân: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 10 triệu đồng; 1 giải ba: 5 triệu đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng.
Báo Tuổi Trẻ cảm ơn các bạn đọc sau đã gửi bài dự thi đến hết ngày 2-4: Thu Vũ, Đinh Thành Trung, Thị Mai Hiên Lê, Tho Ton, tam tranvan, Chung Thanh Huy, Trần Hữu Phước, Nguyễn Xuân Hồng, hoangphuc2021cv, Nhi Nguyễn, Vũ Thiên Anh Nguyễn, dinh duc hanh, Dũng Mai Đức, Binh Chan, Lê Diamond, Công Nguyễn, Phú Ngọc, Phan Felis, Ngọc Hạnh, TUONG TRAN, Khiem Thi Hoang, Bình Nguyễn, Thu Hoang, Binh Nguyên Thanh, Mai Trang, Tran Van, nguyen nguyen, Diep Bui, thien nguyen, Binh Chan, Thu Hoang, 5/4 Thien, Đinh Thành Trung, Minh Hiep Hang, Dũng Mai Đức, Mai Trang, Vinh Võ, Kỳ An trịnh, thuỷ hồ, Nhi Ngô Tuyết, nguyen sinh, Thu Vũ, N.Q.Thai, thanh le, Lan Hương LeThi...
Ban tổ chức
TP.HCM có mạng lưới sông rạch đan xen, dày đặc ít nơi nào so sánh được. Nếu phát huy tối đa chắc chắn đây chính là điểm nhấn, thu hút du khách trong lẫn ngoài nước.