Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Kinh nghiệm từ sông Hàn

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 15:35:59

Người ta thường ví dòng sông là "dải lụa mềm" và đô thị nào có dải lụa ấy vắt qua thì quả là điều may mắn, trước tiên là cho chính những cư dân nơi đó. TP.HCM hay Đà Nẵng là những thành phố có được diễm phúc ấy.

Hơn 20 năm trước, sông Hàn (Đà Nẵng) đã bắt đầu làm bờ kè bao bọc hai bờ sông, từ đó làm đường, công viên, địa điểm giải trí ven hai bờ sông. Đến nay dòng sông Hàn là điểm nhấn phát triển vượt bậc của Đà Nẵng - Ảnh: NGUYỄN TRÌNH


Giống như TP.HCM, Đà Nẵng may mắn sở hữu dòng sông Hàn chảy ngang qua lòng thành phố đầy mộng mơ. Con sông Hàn trước khi đổ ra cửa biển cũng uốn lượn "bên lở bên bồi".


Nhưng vì gần cửa biển nên mỗi lần thủy triều xuống thì dưới mép bờ sông lộ ra những "hố rác", thêm vào đó những miệng cống thoát nước từ các khu dân cư sâu trong nội ô là nỗi ám ảnh của cư dân thành phố.


Từ một chuyến công tác Hàn Quốc

Ông Lê Hồng Minh - một cựu cán bộ của Đà Nẵng - nhớ lại: "Đà Nẵng sau thời kỳ chia tách với Quảng Nam (năm 1997) đầy ngổn ngang, nhất là giao thông.

Đặc biệt sau khi TP xây xong cầu sông Hàn, chuyện đi lại giữa quận 3 (nay là quận Sơn Trà) với quận 1 (nay là quận Hải Châu) được phần "giải tỏa", nhưng trục đường Bạch Đằng chạy ven bờ tây sông Hàn khi ấy nhìn "quê lắm", chẳng có vỉa hè, đặc biệt mỗi khi triều xuống thì rác rưởi muôn kiểu lộ ra trước mắt.

"Đó không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân sống ven sông mà là nỗi trăn trở của lãnh đạo TP", ông Minh nói.

Thế rồi trong một chuyến đi công tác ở Seoul (Hàn Quốc), ngồi cà phê tầng 7 của một khách sạn bên sông Hàn, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh sau một hồi lặng lẽ quan sát những tia sáng lấp lánh từ phía bên kia bờ sông Hàn phản lại đã vẫy tay bảo thư ký của mình lúc bấy giờ là ông Lê Hồng Minh:

"Anh kiếm taxi chạy quanh một vòng đếm giúp tôi xem có bao nhiêu cây cầu bắc qua con sông này. Luôn tiện qua bên kia xem họ làm bờ sông như thế nào", ông Minh nhớ lại lời dặn của ông Thanh.

"Thám thính" một vòng, ông Minh quay lại khách sạn báo cáo: "Có tổng cộng 4 cây cầu đường sắt và hơn 20 cây cầu các loại bắc qua sông Hàn. Riêng hai bên bờ sông người ta đóng rất nhiều cọc rồi đổ bêtông trên đó". Nghe vậy, ông Thanh búng ngón tay "OK".

Sau chuyến công tác ấy, ông Thanh triệu tập ngay một cuộc họp với nội dung duy nhất: "Đề nghị Sở Xây dựng lập đoàn qua Seoul học tập cách người ta làm vỉa hè dọc sông".


Những công viên dọc bờ sông

Đôi bờ sông Hàn (Đà Nẵng) đều đổ cọc, làm bờ kè, không ảnh hưởng đến dòng chảy - Ảnh: ĐĂNG NAM

Kinh nghiệm làm vỉa hè dọc bờ sông Hàn (Hàn Quốc) lập tức được áp dụng cho Đà Nẵng, trước tiên là dọc tuyến đường Bạch Đằng hiện hữu.

"Rất đơn giản, người ta đúc hàng trăm cây cọc, đóng dọc theo mép sông rồi đổ bêtông lấn ra phía ngoài. Làm như vậy thì lòng sông không bị lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, ngược lại phía trên chúng ta lại có mặt bằng để tạo ra không gian sinh hoạt cho người dân" - ông Lê Hồng Minh cho hay.

Với cách làm này, Đà Nẵng đã biến trục đường Bạch Đằng thành một trong những con đường có giá trị cực cao không chỉ về kinh tế mà còn về không gian sống.

Nhiều công viên "mini" kể từ đó mà hình thành, tạo nên một không gian sinh hoạt cho cộng đồng dân cư của TP lẫn du khách. Các công viên ngay trước cầu chữ T (trước trụ sở UBND TP cũ), công viên đối diện chợ Hàn, tiếp đó là vệt công viên từ chân cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý đã giúp cho mặt sông Hàn thêm lung linh về đêm.

Sau thành công đó, phía bờ đông (nay là đường Trần Hưng Đạo) đã được kéo dài. Tính đến nay đã có hơn 20km tuyến đường chạy ven hai bên bờ sông Hàn tạo nên những công viên bên sông tráng lệ và thơ mộng không thua kém gì sông Hàn của thủ đô Seoul (Hàn Quốc).


Nếu hai bên bờ sông Sài Gòn được quy hoạch và thiết kế như hai bên bờ sông Hàn của Đà Nẵng hiện tại thì không chỉ giúp "giải tỏa" vấn đề lưu lượng giao thông đi lại mà còn tạo ra những điểm nhấn dọc hai bên sông, nó vừa kết nối giao thông vừa sử dụng đất để thúc đẩy kinh tế dịch vụ dựa trên điều kiện sẵn có.

Và con đường ven sông Sài Gòn chính là cách thức chúng ta hiện thực hóa việc kết nối hạ tầng, từ đó tạo ra bộ khung quan trọng để làm tiền đề cho việc đầu tư, khai thác các hoạt động kinh tế, dịch vụ...

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Mô hình kênh - hồ - quảng trường Sông Sài Gòn là một nguồn lực phát triển cho cả đô thị và vùng nông thôn mới của TP.HCM.

Chia sẻ Facebook