Hiếm gặp: Cẳng chân bé gái bị biến dạng do loạn sản xơ xương

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 07:04:36

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị cho một bé gái cẳng chân bị biến dạng do loạn sản xơ xương hiếm gặp.


Bé N.T.V.A 10 tuổi (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) xuất hiện đau cẳng chân phải, gia đình cứ nghĩ do con vận động chạy nhảy nhiều. Tuy nhiên sau một thời gian tình trạng không đỡ, quan sát chân của bé A gia đình phát hiện 2 chân của bé không to bằng nhau nên gia đình đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội).


Qua khám và làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán loạn sản xơ xương cẳng chân phải. Các bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật để lấy lại chức năng vận động cho cháu bé.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt khối u xương mác để lại màng xương, đục bỏ khối u xương chày - ghép đoạn xương mác đối bên khoảng 12 cm, cố định bằng các phương tiện kết hợp xương.

Sau phẫu thuật, bước đầu bé gái ổn định, trục cẳng chân thẳng và chờ đợi thời gian liền xương để có thể tập đi, được tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.

Sau 15 tháng sau phẫu thuật xương liền tốt, bé gái trở lại học tập và sinh hoạt bình thường, được tháo phương tiện kết hợp xương.

Chia sẻ về phương pháp điều trị bệnh loạn sản xơ xương, BSCKII. Trần Quang Toản - Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình cho biết: Loạn sản xơ xương là bệnh lý xương mạn tính, lành tính không di truyền, trong đó mô xương lành bị thay thế bằng mô xơ. Khi xương phát triển, mô xơ mềm lan rộng, làm xương yếu đi, biến dạng và dễ gãy. Bệnh thường xảy ra ở tuổi thiếu niên, từ 3 -15 tuổi. Tỷ lệ nam giới và nữ giới mắc bệnh tương đương nhau. Loạn sản xơ xương chiếm khoảng 5% u xương lành tính.

Trường hợp nhẹ thường không có triệu chứng, trường hợp nặng hơn có thể gây đau xương và biến dạng xương. Đau xương là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân có triệu chứng. Các triệu chứng khác là sưng đau, biến dạng xương, gãy xương bệnh lý, khó khăn khi đi lại. Nguy cơ gãy xương hay biến dạng thân xương cao hơn ở các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay.

Bác sĩ thăm khám và hướng dẫn tập vận động cho bé gái.

Nguy cơ ung thư xương như sarcom xương, sarcom sợi, sarcom sụn tăng lên (1 - 4% các trường hợp). Tổn thương ngoài xương khác là mảng sắc tố da, dậy thì sớm và cường giáp, hội chứng Cushing, cường cận giáp, còi xương giảm phospho máu. Trong một số ít trường hợp, loạn sản xơ xương có thể kết hợp với bất thường nội tiết, giảm thị lực và giảm thính lực khi tổn thương xương sọ mặt chèn ép thần kinh thị giác và thính giác. Tuy nhiên, đây là biến chứng hiếm gặp.

Bác sĩ Toản cũng cho biết thêm: Hiện chưa có phương pháp đặc trị nào để điều trị khỏi bệnh. Các bệnh nhân có các triệu chứng đau xương, sưng nề không liên quan đến chấn thương cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống hàng ngày. Đồng thời nhằm phát hiện bệnh là lành tính hay ác tính để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Chia sẻ Facebook