Hết quý 3 HDBank hoàn thành 82% kế hoạch cả năm, tỷ lệ an toàn vốn cao hơn gần gấp đôi so với yêu cầu

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 08:32:14

9 tháng đầu năm 2022, HDBank với lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 82% kế hoạch năm. An toàn vốn đạt 15,3% thuộc những ngân hàng cao nhất và cao gần gấp 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8%.


Các chỉ số đều tăng mạnh

Báo cáo tài chính quý 3 của HDBank (mã chứng khoán HDB) cho thấy, tại 30/9/2022, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt trên 353 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ khách hàng tăng 13,4% so với 31/12/2021 và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 252 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 1,1%.

Mảng bán lẻ và tài chính tiêu dùng cho thấy sức bật mạnh mẽ hậu đại dịch. Sau 9 tháng, số lượng khách hàng tăng hơn 1,5 triệu, đạt 14 triệu khách hàng. Tiền gửi khách hàng cá nhân vượt 123 nghìn tỷ đồng, tăng 27,2% so với 31/12/2021. Dư nợ khách hàng cá nhân cũng tăng 27% so với đầu năm và tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục. Tăng trưởng cho vay tiêu dùng tại HD SAISON đạt 25%, phù hợp chỉ tiêu ngân hàng nhà nước giao.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 1.024 tỷ đồng, chưa bao gồm phí bảo hiểm tại công ty tài chính HD SAISON (đạt hơn 550 tỷ), và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Các dịch vụ khác như thanh toán, mua bán ngoại tệ…cùng tăng trưởng cao.

Trong quý 3/2022, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động gần 5.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với quý 3/2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: "Chưa bao giờ HDBank đạt được những chỉ số tốt như vậy"

Tại buổi Hội nghị nhà đầu tư trực tuyến” tổ chức chiều ngày 26/10, bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank đánh giá: “Đó là những con số hết sức phấn khởi với nhà đầu tư. Chưa bao giờ HDBank đạt được những chỉ số tốt như vậy, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trải qua nhiều biến động”.

Theo Phó chủ tịch thường trực HDBank, đây là kết quả kinh doanh ba quý tốt nhất mà HDBank đạt được, đặc biệt các chỉ tiêu về an toàn có những bước phát triển đột phá (ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2% và thuộc những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ 15,9%, tốt hơn mức tối đa 37% theo quy định của NHNN. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất.

Ngoài ra Ngân hàng còn đang triển khai áp dụng đầy đủ chuẩn Basel III vào quản trị. Mới đây cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tiếp tục dành cho HDBank mức xếp hạng B1 cùng nhận định tích cực về chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao và dự trữ thanh khoản dồi dào.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng "ngậm ngùi" khi giá cổ phiếu HDB của HDBank trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực, tiềm năng phát triển trong tương lai của ngân hàng. Giá trị cổ phiếu tính trên P/B chỉ trên giá trị sổ sách một chút; còn tính trên P/E thì khoảng trên 5 lần.

“Có lẽ đa số nhà đầu tư có những tâm tư nhất định về giá trị tài sản, giá trị đầu tư của mình. Chúng tôi cho rằng đầu tư vào ngân hàng niêm yết là đầu tư dài hạn, đầu tư vào giá trị bền vững. Chúng ta có thể thấy: đối với một ngân hàng như HDBank, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hôm nay không phản ảnh đúng giá trị thực, năng lực phát triển bền vững và các tiềm tiềm năng phát triển trong tương lai cũng như năng lực đi qua những biến động kinh tế để nắm bắt cơ hội phát triển một an toàn bền vững, tăng trưởng cao của ngân hàng”, bà Thảo nói.

Đối với vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm là tỷ trọng dư nợ bất động sản/tổng dư nợ của HDBank hiện nay, HDBank cho biết: Tính đến 30/9/2022, dư nợ bất động sản của HDBank chỉ chiếm 8% tổng cho vay khách hàng; còn con số nợ xấu rất là tốt, chỉ khoảng 0,03%, hầu như không có nợ xấu kinh doanh bất động sản. Để duy trì chất lượng tài sản tốt như vậy thì một trong những nguyên tắc quan trọng là đánh giá tính chất khả thi của phương án kinh doanh đối với cho vay ngắn hạn và dòng tiền trong tương lai đối với cho vay dài hạn.

Về vấn đề tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp/tổng tài sản của HDBank. Tính đến ngày 30/9/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp HDBank đang nắm giữ trong danh mục đầu tư là 5.400 tỷ đồng, tương ứng 2,2% tổng dư nợ của ngân hàng và chỉ chiếm 1% tổng tài sản. Thứ hai, tất cả các trái phiếu HDBank đang nắm giữ đều có tài sản đảm bảo, thẩm định giá kỹ lưỡng. Ngoài ra, HDBank còn có biện pháp theo dõi việc sử dụng vốn sau giải ngân cho khách hàng. Vì vậy, HDBank yên tâm danh mục trái phiếu đang nắm giữ.


Tự tin năm 2022 sẽ vượt các chỉ tiêu đề ra

Chia sẻ với nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Phương tự tin rằng với những hoạt động sôi nổi và kết quả kinh doanh tích cực đạt được trong 9 tháng đầu năm, giữa biến động của kinh tế thế giới và Việt Nam, thì hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng ngân hàng sẽ đạt vượt những chỉ tiêu đề ra.

Hiện, HDBank đang tập trung vào 4 chiến lược chính, gồm: phát triển ngân hàng số; khai thác lợi thế hệ sinh thái; kinh doanh bảo hiểm (Bancassurance) và quản trị doanh nghiệp và rủi ro môi trường - xã hội.

Song song, HDBank hiện định vị mô hình kinh doanh là một ngân hàng bán lẻ tập trung vào phân khúc khách hàng ở khu vực đô thị loại 2/nông thôn – khu vực có tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ tài chính còn thấp so với thành thị. Với việc thâm nhập vào thị trường nông thôn – khu vực đông dân và lĩnh vực tài chính tiêu dùng, HDBank đã xây dựng được cho mình một tệp khách hàng lớn.

Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, HDBank sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững song song với tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng.

Chia sẻ Facebook