Hết dịch nhưng vẫn muốn work from home và sự lụi tàn của văn hóa công sở

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 01:49:50

Sau cả năm trời làm việc tại nhà, nhiều người vẫn muốn work from home và từ bỏ văn hóa công sở.


Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, làm việc tại nhà ( work from home ) đã trở thành xu hướng toàn cầu. Thế nhưng giờ đây khi dịch bệnh đã dần bớt nghiêm trọng, chúng ta không còn cần phải chịu giới hạn của các lệnh phong tỏa, hạn chế tiếp xúc, nhiều người vẫn không muốn hay không chịu từ bỏ lối làm việc work from home.

Xu hướng work from home vẫn được giữ lại sau đại dịch


Work from home không phải kiểu làm việc mới được sản sinh ra bởi đại dịch, nhưng không thể phủ nhận sau Covid-19 nó mới trở nên phổ biến đến vậy. Cả năm trời phải "nhốt" mình trong nhà đã giúp những người làm công ăn lương được tận hưởng 2 đặc quyền: sự linh động và sự tự do.

Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2021, hàng triệu người Mỹ đã xin nghỉ việc và một trong những lý do nổi bật là công việc không cho họ sự linh động nữa. Tỷ lệ thuê văn phòng làm việc toàn quốc đã giảm 10% so với thông thường. Trong khi đó, các dịch vụ không gian làm việc chung cho thuê chỗ làm việc ngắn hạn theo ngày thì lại phát triển.


Những sự thay đổi này không khiến các chuyên gia và nhà phân tích ngạc nhiên. Theo báo cáo của Viện McKinsey Global, ước tính một phần tư số người lao động trong tương lai sẽ làm việc kiểu linh động vừa làm tại nhà, vừa làm tại văn phòng hoặc chỉ thuần túy work from home.

Trong tương lai, vào năm 2030, ước tính một nửa số việc làm tại Mỹ được thiết kế để có thể làm tự do. 2 phần 3 số người lao động sẽ làm việc từ xa hoặc làm việc linh động cả tại nhà lẫn tại văn phòng. Có không ít công ty bây giờ còn coi "cho phép làm việc từ xa" là điểm cộng để thu hút ứng viên.

Dù là ở bất kỳ quốc gia nào, ngành nghề nào, luôn có một bộ phận người lao động cho rằng việc được làm việc tại nhà "sướng" hơn nhiều kiểu làm việc văn phòng truyền thống. Để giải thích cho sở thích này không có gì khó. Làm tại nhà rõ ràng cho chúng ta đặc quyền được sử dụng thời gian của mình linh động hơn, không còn bị gò bó trong guồng quay từ 5 giờ đến 9 giờ mỗi ngày. Các công đoạn đi lại di chuyển cũng được rút gọn vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa giảm thiểu chi phí cho cả người thuê lao động lẫn người lao động.

Sau cả năm trời quen ở nhà, nhiều người cảm thấy việc đến văn phòng không còn cần thiết (Ảnh minh hoạ)

Khả năng văn phòng truyền thống biến mất là bao nhiêu?

Tất nhiên, văn phòng làm việc sẽ không bao giờ biến mất 100% vì vẫn sẽ luôn có những ngành nghề, công việc đặc thù cần nhân viên trực tiếp tại nơi làm việc. Nhưng nếu chỉ xét tới các công việc có thể làm việc từ xa, khả năng này sẽ chỉ tăng dần theo thời gian, ngay cả khi nó gây "chia phe" quan điểm ở thời điểm hiện tại.


Trong khi bộ phận lớn các nhân viên thích được work from home hơn, các ông chủ lại không nghĩ vậy. Không ít người vẫn giữ quan điểm rằng làm việc tại văn phòng, trong môi trường công sở mới đem lại hiệu quả cao nhất. Những người thích được làm tại nhà còn bị đánh giá là lười biếng, kém giao tiếp, thiếu tinh thần làm việc nhóm hay có nơi đưa ra mức lương thấp hơn đối với nhân viên làm từ xa, có sự phân biệt giữa nhân viên đến văn phòng và nhân viên làm tại nhà. Thế nhưng điều đáng nói là không ít người sẵn sàng chấp nhận sự phân biệt đó.

"Nếu bạn muốn trả tiền lương theo mức của thành phố New York, bạn phải làm việc tại New York. Làm gì có chuyện bạn đang ở Colorado lại đòi được trả lương như những người đang tất tả bận rộn ở New York?".

Nhân viên làm việc tại nhà đôi khi bị "phân biệt đối xử" và trả mức lương thấp hơn (Ảnh minh hoạ)


Mùa hè năm 2021, ông lớn Google từng nhận làn sóng chỉ trích và bất mãn lớn từ nhân viên khi tuyên bố việc trả lương sẽ được tính phụ thuộc vào khoảng cách của nhân viên so với văn phòng, tức ai đến văn phòng hoặc ở gần đó sẽ được trả lương nhiều hơn đồng nghiệp, ngay cả khi họ làm công việc giống nhau.


Tuy nhiên, trong thời đại mới, những nhà lãnh đạo thông minh đã dần phải thực sự nghiêm túc suy nghĩ đến việc văn phòng công sở truyền thống có thực sự cần thiết nữa không?

Kevin Ellis - CEO của PwC, 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất hành tinh mới đây đã tuyên bố ông muốn "tạo ra một kiểu làm việc mới kéo dài ngay cả sau đại dịch". Joanna Swash, CEO của ứng dụng Moneypenny cũng từng gặp khủng hoảng khi nhân viên ai ai cũng xin làm việc từ xa sau dịch.

Trước Covid-19, tôi nghĩ rằng công ty mình có những tòa văn phòng tuyệt vời mà ai cũng phải thích. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng văn hóa công ty có đủ mạnh hay không mới là điều quan trọng. Điều này không phụ thuộc vào văn phòng hay môi trường làm việc vật lý, mà được xây dựng từ cách mọi người kết nối, làm việc và giao tiếp với nhau".


Dù trước đại dịch, việc đến văn phòng làm mỗi ngày là chuyện vô cùng hiển nhiên với hầu hết mọi người. Thế nhưng sau quãng thời gian vừa qua, dường như tâm lý của một bộ phận người lao động đã thay đổi. Khi phải trở lại văn phòng, mọi người không có cách từ chối, nhưng lại cảm thấy khó chịu và thậm chí nghĩ tới phương án nghỉ việc. Sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 vừa qua, nhiều người cho biết họ nhận thấy mình nên có nhiều "quyền kiểm soát" hơn tới sức lao động của mình, tức có thể lựa chọn được làm việc lúc nào và ở đâu.

Brian Coulton, chuyên gia kinh tế tại Fitch Ratings nhận định thực chất, với sự phát triển của công nghệ, làm việc từ xa không tới văn phòng vốn là một xu hướng tất yếu và đại dịch chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình này mà thôi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những văn phòng làm việc dần dần biến mất trong tương lai gần.

Làm việc từ xa được cho sẽ là xu hướng tất yếu của tương lai


Nguồn: The Guardian, Forbes

Chia sẻ Facebook