Hẹn hò qua mạng, 'quẹt' mãi bạn đã chán chưa?

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 02:17:47

Lâm cảm giác cứ gặp mãi một kiểu người suốt 4 năm sử dụng ứng dụng hẹn hò. Hiện anh không còn hy vọng tìm tình yêu trên các ứng dụng này như trước.

Lâm đã nhiều lần xóa ứng dụng, nhưng rồi cũng tải lại vì muốn tận hưởng cảm giác được yêu thích - Ảnh minh họa: Getty


Bạn trẻ nản chí vì dành quá nhiều thời gian sử dụng ứng dụng hẹn hò, nhưng hiếm khi có được một cuộc trò chuyện hay buổi hẹn thật sự.


Chán nản vì chỉ "quẹt trái"

Liên tục quẹt trái (không chọn), ứng dụng vẫn tiếp tục đề xuất người tương tự, Minh Lâm (21 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) ngán ngẩm vô cùng.

Lâm cho hay khi đăng ký, ứng dụng dựa trên sở thích để giới thiệu đối tượng tiềm năng. Tuy nhiên, "họ phân mình vào một nhóm, rồi dựa trên đó mà liên tục giới thiệu mình những người như nhau", Lâm nói.

Anh chia sẻ thêm: "Trong 10 cú quẹt, số lần mình quẹt sang phải chỉ chiếm 3 - 4 lần, trong đó, chỉ có khoảng 10 - 20% ghép đôi thành công. Xác suất tìm được đối tượng quá thấp so với thời gian sử dụng ứng dụng. Chưa tính đến việc nói chuyện hay hẹn hò".

Huỳnh Ngọc (22 tuổi, ngụ quận 7) cũng nản vì số lần quẹt trái quá nhiều. Ngọc cho rằng vì cô không mua các gói nâng cấp nên danh sách đối tượng không được chất lượng.

"So sánh với tài khoản của bạn mua gói nâng cao, tôi càng chắc chắn giả thuyết của mình hơn. Profile tài khoản được giới thiệu cho bạn tôi chất lượng hơn nhiều, với tick xanh xác nhận tài khoản chính chủ, hình ảnh cùng phần giới thiệu vô cùng chỉn chu, được đầu tư", Ngọc khẳng định.


Cứ "hi em" là unmatch

Quá trình trò chuyện, tìm hiểu rồi gặp gỡ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Càng nhiều người gia nhập thế giới hẹn hò trực tuyến, càng phải nỗ lực tìm cách để bản thân trở nên nổi bật.

Thắc mắc vì sao cứ bị unmatch (hủy ghép cặp), Khang hỏi bạn và nhận được câu trả lời, mà theo anh là vô cùng vô lý: "Vì cậu ‘hi em’ chán quá đó".


- Vậy phải làm sao?

- Phải đa dạng, phá cách lên.

Bạn trẻ cho hay phải đau đầu lập profile ấn tượng, đáng tin tưởng, rồi phải lo mở lời làm sao để được tiếp chuyện. Sau đó, lại phải nghĩ cách tương tác với những người ghép cặp thành công.

"Quá tốn sức", Khang khẳng định, "Rất nhiều trường hợp dù đã được ghép cặp rồi, nhưng mấy bạn lại chẳng buồn trò chuyện. Lúc đầu mình cũng thất vọng lắm, giờ thì quen với việc bị lơ hơn rồi", anh nói.


Tránh xa tài khoản bị "cắm cờ"

Chưa kể, vì ngày càng nhiều trường hợp bị quấy rối, nên người dùng, nhất là bạn nữ, ngày càng cẩn trọng hơn.

Từng đọc trên mạng về những tài khoản bị "cắm cờ" (dấu hiệu tiêu cực), Q. (ngụ quận 10) ứng dụng ngay. Ngay khi thấy đối phương rủ đi uống nước khi mới chỉ nói chuyện vài câu, cô liền từ chối, và nhận được câu trả lời đầy khiếm nhã:


- Q. nghĩ H. thèm Q. sao? - đối phương hỏi.

- Haha, cứ cho là Q. nhát người lạ đi - cô đáp.


- Ừ, thật ra là cũng thèm - đối phương nói.

Sau đó, người kia liền cắt đứt mọi liên lạc với cô.

Điều này vô tình khiến một số bạn "nằm không cũng trúng đạn", vì có những dấu hiệu làm bạn nữ chạy mất.

T. cho biết vì quá thích đối phương nên ngay khi được ghép đôi liền muốn gặp bạn. Anh không muốn mất thời gian nói chuyện nhiều trước khi có tương tác thật sự ngoài đời.

"Vì rất nhiều lần mình và đối phương tương tác không hợp như khi nói chuyện trên mạng", T. giải thích. Bạn cho biết một số đồng ý ngay, một số gật đầu sau khi nghe T. giải thích, và một số hủy ghép liền, thậm chí để vài lời "răn đe, phủ đầu".


Tương tác ảo dễ gặp ma

Theo Lâm, trải nghiệm từ ứng dụng hẹn hò đem lại nhiều tổn thương cho cảm xúc người dùng, khiến họ mỗi lúc có nhiều bất an hơn.

Ví dụ điển hình nhất là chuyện ghosting (đột ngột biến mất). Lâm cho biết rất nhiều lần đối phương đột nhiên không trò chuyện khi đang nói chuyện vui vẻ, hoặc sau khi hẹn gặp mặt.

"Lúc đầu, mình vô cùng lo lắng, tự hoài nghi, đổ lỗi cho bản thân với vô số lý do: nói chuyện chán, ngoại hình không đẹp như profile... Sau này, mình biết chỉ vì đơn giản người ta không thích mình nữa thôi. Mình không việc gì phải cuống lên cả", Lâm tâm sự.

Anh không phải trường hợp duy nhất. Năm 2016, 80% trong 800 người tham gia một cuộc khảo sát cho biết bị ghost trong quá trình hẹn hò qua mạng.

Khi tương tác ảo qua màn hình trung gian, người ta có xu hướng đối xử với đối phương như một nhân vật trong một trò chơi hẹn hò trực tuyến, hơn là một con người thật sự vì không có tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, dễ có lời nói khiếm nhã, hành động ghosting,... khi không thực sự thấy được tổn thương của người đối diện.

Tình mạng - yêu thương thì ít, đắng cay lại nhiều - Kỳ 6: Tình ảo và đôi trái tim non LTS: Cũng là quẹt quẹt trên mạng, tìm bạn bè rồi say dần yêu đương, nhưng bài viết này từ góc nhìn phụ huynh.

Chia sẻ Facebook