Hệ sinh thái hòn Mun: Tan nát do con người?

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 05:06:26

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động khai thác dịch vụ du lịch quá nóng là nguyên nhân chính dẫn đến sự tan nát của rạn san hô Hòn Mun (Nha Trang) - một trong những khu bảo tồn biển tiêu biểu trên thế giới.

Suy thoái tới 60-90%


Khu bảo tồn biển Hòn Mun (nay là Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, được lựa chọn là một trong 3 khu bảo tồn tiêu biểu trên thế giới nhờ đặc trưng về đa dạng sinh học và đặc thù nguồn lợi.


Rạn san hô ở đây có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, rạn san hô này bị suy thoái nghiêm trọng. PGS.TS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển chia sẻ, mức độ suy thoái của rạn san hô Hòn Mun lên tới 60-90%, thể hiện qua việc giảm độ phủ san hô, sự vỡ vụn của thành tố san hô trong rạn san hô và sự suy giảm các loài quý hiếm.

Hiện trạng suy giảm tại rạn san hô Hòn MunẢnh: Trần Ngọc Anh

Nguyên nhân suy thoái, theo Ban Quản lý Vịnh Nha Trang là do nhiều yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại. Tuy nhiên, PGS Chu Hồi cho rằng, nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác du lịch quá nóng ở Nha Trang nhưng thiếu các giải pháp kiểm soát và bảo tồn.

"Thị trường dịch vụ lặn ở đây phát triển sớm và nóng nhưng thiếu thể chế hóa, thiếu công cụ giám sát và kiểm soát tốt, khiến việc bảo tồn san hô gặp tác động rất mạnh, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ trước", PGS Hồi nói.

Ông cho biết thêm, sự biến đổi của đại dương, làm tăng nền nhiệt, axit hóa cũng dẫn đến hiện tượng trắng hóa san hô. Ô nhiễm hữu cơ do các nguồn lục địa cũng dẫn đến vùng biển chết. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây tác động ở diện rộng chứ không riêng Hòn Mun.

TS Đặng Đỗ Hùng Việt, chuyên gia về bảo tồn và đa dạng sinh học biển (Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm và khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng, cần phải có các khảo sát và nghiên cứu thực tế để xác định nguyên nhân chính xác san hô Hòn Mun suy thoái nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính có thể đến từ tác nhân con người nhiều hơn tự nhiên.

Ông Việt thông tin, nhiều hướng dẫn viên lặn biển ở Nha Trang chia sẻ, nạn khai thác hải sản trái phép bằng các phương tiện đánh bắt hủy diệt vẫn thường xuyên xảy ra trong vùng lõi khu bảo tồn biển. Ngoài ra, có rất nhiều dịch vụ lặn biển hoạt động tự phát - những tua lặn thử không cần chứng chỉ lặn cũng như không tuân thủ quy định về bảo vệ san hô, cho khách giẫm đạp lên san hô hay số lượng khách tập trung tại một điểm quá lớn cũng khiến san hô gần như bị san phẳng sau một thời gian.

Cần triển khai giải pháp bảo tồn cấp bách

PGS Chu Hồi cho rằng, cần ít nhất 10 năm, rạn san hô và hệ sinh thái nơi đây mới có thể phục hồi do đặc thù san hô phát triển rất chậm. Ông đề xuất một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để phục hồi rạn san hô gồm tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh tế ảnh hưởng đến rạn san hô. Thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các quy chế bảo tồn theo quy định quốc tế với vùng lõi khu bảo tồn như Hòn Mun.

Bên cạnh đó, TS Đặng Đỗ Hùng Việt cho biết cần phải huy động sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng, kêu gọi thành lập các quỹ bảo tồn, phục hồi rạn san hô. Tài trợ các dự án nghiên cứu và phục hồi san hô, áp dụng những công nghệ tiên tiến để giúp san hô phát triển nhanh và nâng cao sức chống chịu với các sự cố môi trường.

"Ngoài ra cần sự chung tay của cộng đồng như tổ chức các hoạt động tình nguyện làm sạch đáy biển, tiêu diệt sao biển gai, bảo vệ các loài có lợi cho san hô, cùng tham gia vào việc nhân giống và tái tạo rạn san hô", TS Việt nói.


TS Đặng Đỗ Hùng Việt cho rằng, giải pháp trước mắt là đóng cửa tạm thời các khu vực rạn san hô bị suy thoái và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực còn san hô tồn tại. Đồng thời cần phải tiến hành ngay các khảo sát thực tế và nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng này.

Tìm thấy trữ lượng nước ngầm hơn 22.000 tỷ m3 dưới sa mạc, chuyên gia: Không dám khai thác

Chia sẻ Facebook