Hé mở về Hoàng Thịnh Đạt Group
Dù gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua COVID-19 đại dịch, nhưng tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp Việt Nam được đánh giá rất cao. Riêng trong năm 2021, Việt Nam thu hút một số dự án lớn của Tập đoàn Samsung (17 Tỷ USD), LG (1,5 Tỷ USD), Formosa (12 Tỷ USD), Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Trường Hải….
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đón đầu xu thế đầu tư phát triển các dự án KCN. Một trong số các cái tên điển hình phải kể đến là CTCP Hoàng Thịnh Đạt.
Theo tìm hiểu, Hoàng Thịnh Đạt thành lập vào tháng 3/2004, vốn điều lệ 638 tỷ đồng, đóng trụ sở tại tầng 9, tòa nhà VEAM Tây Hồ, lô D, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cổ đông sáng lập là các ông/bà Bùi Hùng Cường, Phạm Thị Hải Hà và Nguyễn Thị Nguyệt Minh. Tuy nhiên cả 3 cá nhân này hiện đã thoái hết vốn.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Hoàng Thịnh Đạt hiện là ông Hoàng Văn Dương (SN 1971). Ít ai biết, trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ở Hoàng Thịnh Đạt, ông Dương từng có thời gian công tác tại Hội Phụ nữ Việt Nam (1994-1995), và sau đó là Chuyên viên – Vụ Tài chính đối ngoại – Bộ Tài Chính (1995-2008).
Trở lại với Hoàng Thịnh Đạt, lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp là đầu tư các dự án khu công nghiệp. Như Nhadautu.vn từng đề cập, Hoàng Thịnh Đạt là cổ đông sáng lập, và hiện vẫn duy trì sở hữu 38,25% vốn CTCP Đầu tư và Phát triển Yên Bình – chủ đầu tư Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Thái Nguyên), tổng quy mô hơn 8.000ha, trong đó bao gồm KCN Yên Bình (diện tích 396,43ha, tổng mức đầu tư 3.820 tỷ đồng).
Ngoài Tổ hợp Yên Bình, Hoàng Thịnh Đạt còn được biết đến là chủ đầu tư dự án KCN Hoàng Mai 1 (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), quy mô gần 264,7ha, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng.
Ban đầu, KCN Hoàng Mai I được khởi công xây dựng từ năm 2008 do CTCP Đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Tháng 8/2017, KCN Hoàng Mai có văn bản đề nghị chuyển nhượng dự án cho Hoàng Thịnh Đạt. Đến tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định chủ trương đầu tư cho dự án KCN Hoàng Mai 1.
Sau khi về tay Hoàng Thịnh Đạt, KCN Hoàng Mai 1 nhanh chóng được hoàn thành toàn bộ hạ tầng và cuối năm 2021 đã có dự án là Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng của Excel Smart Global Limited, tổng mức đầu tư 200 triệu USD.
Tiếp nối thành công của dự án Hoàng Mai 1, Hoàng Thịnh Đạt tiếp tục xúc tiến dự án KCN Hoàng Mai 2 với quy mô 343,69ha, công ty đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, vào tháng 10/2021, Hoàng Thịnh Đạt muốn cùng Công ty đầu tư và quản lý bất động sản Tâm Quế muốn đầu tư thực hiện Tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Hồng Lĩnh (phường Trung Lương và Đức Thuận, tỉnh Hà Tĩnh), diện tích 376,72ha tại, tổng vốn thực hiện dự án là 3.350 tỷ đồng.
Hoàng Thịnh Đạt còn tham gia góp 5% vốn đầu tư dự án Cụm công nghiệp Hoàng Lâu (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự kiến gần 555 tỷ đồng. 2 đơn vị còn lại trong liên dành gồm Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Trường Phúc (nắm 47,5% vốn) và Công ty Quảng Lợi (47,5% vốn).
Ở Quảng Ngãi, Hoàng Thịnh Đạt là chủ đầu tư dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1). Theo quy hoạch, dự án có diện tích 496ha, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm giai đoạn 1A có diện tích hơn 151ha và giai đoạn 1B có diện tích hơn 167ha, tổng mức đầu tư 2.025 tỷ đồng; giai đoạn 2 có diện tích gần 177ha.
Hồi cuối năm 2017, Hoàng Thịnh Đạt được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Bàu Giang , quy mô 51,65ha, tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng. Nhiều khả năng, Hoàng Thịnh Đạt thực hiện dự án thông qua Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang.
Đến tháng 12/2018, Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật Bàu Giang đổi từ ông Hoàng Văn Dương (cộng sự của ông Hoàng Văn Dương) sang ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1981) – mắt xích thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Phúc Sơn.
Được biết, vào tháng 3 – tháng 4/2022, Tập đoàn Phúc Sơn đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi đề nghị thực hiện dự án Khu đô thị Bàu Giang.
Ngoài ra, Hoàng Thịnh Đạt còn đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc . Dự án được quy hoạch và phát triển trên diện tích 2.566 ha (gồm cả mặt nước) thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng.
Cùng với bất động sản khu công nghiệp, nước sạch cũng là mảng hoạt động quan trọng của Hoàng Thịnh Đạt. Doanh nghiệp này sở hữu 50% vốn Công ty TNHH Cấp nước Hoàng Mai - chủ đầu tư dự án nhà máy nước Hoàng Mai (Nghệ An) với quy mô công suất 80.000 m3/ngày-đêm, tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng. Ngoài ra, Cấp nước Hoàng Mai còn cung cấp dịch vụ nước sạch cho nhiều đối tác lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu của CTCP Bánh Kẹo Hải Châu; xây dựng xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước theo Hợp đồng ký kết Công ty Shandong Ductile Iron Pipes Co Ltd….
Hoàng Thịnh Đạt còn nắm 72,5% cổ phần CTCP Cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi - chủ dự án Nhà máy nước Quảng Ngãi với công suất 50.000m3/ngày-đêm, tổng chi phí phát triển dự án là 540 tỷ đồng, và dự án Nhà máy nước Phúc Bình với công suất 500.000m3/ngày-đêm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Cấp thoát nước Quảng Ngãi cho biết đang tiếp tục triển khai đầu tư dự án mở rộng nâng công suất Hệ thống cấp nước TP. Quảng Ngãi từ 20.000 m3/ngày-đêm lên 45.000 m3/ngày-đêm. Công ty cũng dự kiến nâng công suất Trạm xử lý nước Vsip từ 6.000 m3/ngày-đêm lên 12.000 m3/ngày-đêm, thời gian dự kiến năm 2022; và đầu tư dự án nâng công suất phần đầu nguồn nhà máy nước thị xã Đức Phổ từ 1.000 m3/ngày-đêm lên 6.000 m3/ngày-đêm, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Không những thế, Hoàng Thịnh Đạt còn là chủ đầu tư dự án Nhà máy nước Yên Bình với quy mô công suất 150.000 m3/ngày-đêm, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, được xây dựng ở hồ Núi Cốc. Giai đoạn 1 dự án có công suất 25.000 m3/ngày-đêm.
Tiềm lực tài chính Hoàng Thịnh Đạt
Với "porfolio" dự án khủng, không quá khi đánh giá Hoàng Thịnh Đạt là tập đoàn tư nhân có tầm cỡ tại Việt Nam.
Dù vậy, dữ liệu cho thấy Hoàng Thịnh Đạt (công ty mẹ) giai đoạn 2016-2020 chỉ phát sinh doanh thu rất nhỏ, thậm chí bằng 0. Dù vậy, nhờ vào các khoản đầu tư góp vốn và công ty liên doanh, liên kết, doanh nghiệp này vẫn đều đặn báo lãi.
Năm 2020, lãi ròng Hoàng Thịnh Đạt là 9,9 tỷ đồng, tăng 115,2% so với cùng kỳ và tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2020, công ty đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2018 với 105,26 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Hoàng Thịnh Đạt vào ngày 31/12/2020 là 1,077 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,34% so với kỳ đầu số; vốn chủ sở hữu 842,3 tỷ đồng, tăng 1,2%. Với mức vốn điều lệ 638 tỷ đồng, công ty ghi nhận khoản sau thuế chưa được phân phối tới cuối năm 2020 vào khoảng 204,3 tỷ đồng.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành (theo BCTC kiểm toán năm 2020), các chỉ tiêu tài chính của Hoàng Thịnh Đạt đều ở mức khá khiêm tốn.