Hé mở Stavian: “Đại gia” ngành nhựa đứng sau dự án hóa dầu 1,5 tỉ USD ở Quảng Ninh
Đồng hành cùng “ông trùm” ngành nhựa Stavian của doanh nhân Đinh Đức Thắng tại dự án hóa dầu 1,5 tỉ USD ở Quảng Ninh là một vị “đại gia” trong lĩnh vực dầu khí – Hiệp "Gas".
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ký kết biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy hóa dầu Satvian Quảng Yên tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án có diện tích 30ha với quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 1,5 tỉ USD. Chủ đầu tư dự án là CTCP Hóa dầu Stavian Quảng Yên (Stavian Quảng Yên).
Thành lập tháng 9/2021, Stavian Quảng Yên có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Stavian Hóa Chất (góp 51 tỉ đồng, sở hữu 51% vốn điều lệ); CTCP Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (góp 39 tỉ đồng, sở hữu 39% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Hồng Hiệp (góp 10 tỉ đồng, sở hữu 10% vốn điều lệ).
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Stavian Quảng Yên là ông Nguyễn Đức Hà (SN 1978). Ông Hà cũng là cổ đông sáng lập, hiện giữ vị trí Phó Tổng giám đốc tại CTCP Stavian Hóa Chất (Stavian Chemical).
Dấu ấn doanh nhân Đinh Đức Thắng: Từ Opec Plastics đến Stavian Group
Theo tìm hiểu của VietTimes, Stavian Chemical (tên cũ: CTCP Nhựa Opec – Opec Plastics) tiền thân là Nhà máy Nhựa Á Châu, được thành lập từ tháng 9/2009, và là hạt nhân lõi trong ‘hệ sinh thái’ Satvian Group của ông Đinh Đức Thắng (SN 1978).
Stavian Chemical có vốn điều lệ ban đầu 55 tỉ đồng, do ba thể nhân sáng lập gồm ông Nguyễn Đức Hà (góp 5,5 tỉ đồng, sở hữu 10% vốn điều lệ), ông Nguyễn Minh Tú (góp 19,25 tỉ đồng, sở hữu 35% vốn điều lệ) và ông Đinh Đức Thắng (góp 30,25% tỉ đồng, sở hữu 55% vốn điều lệ).
Trải qua 10 đợt tăng vốn, tính đến tháng 3/2022, quy mô vốn điều lệ của Stavian Chemical đã được nâng lên mức 2.300 tỉ đồng. Vị trí lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch HĐQT Stavian Chemical, hiện do ông Đinh Đức Thắng đảm nhiệm.
Trên trang chủ, Stavian Chemical tự nhận là " nhà phân phối và sản xuất hạt nhựa, các sản phẩm từ nhựa, hóa dầu, hóa chất có quy mô toàn cầu ", có thị trường hoạt động trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 14.000 khách hàng trong và ngoài nước.
Công ty này cho biết đang sở hữu hai nhà máy sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên và tại Km 56, Quốc Lộ 5, TP. Hải Dương, với tổng diện tích gần 10ha.
Ngoài trụ sở chính tại tầng 13, Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội, Stavian Chemical còn sở hữu hệ thống trung tâm logistics tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, cùng một loạt văn phòng đại diện tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Hàn Quốc…
Như VietTimes từng đề cập , giai đoạn 2016 – 2019, Stavian Chemical (hay Nhựa Opec) liên tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, vượt trội hơn hẳn so với nhiều "ông lớn" cùng ngành đang niêm yết trên sàn như Nhựa An Phát Xanh (AAA), Nhựa Tiền Phong (NTP) hay Nhựa Bình Minh (BMP).
Năm 2019, Stavian Chemical ghi nhận 16.162 tỉ đồng doanh thu, tăng 11,5% so với năm 2018. Chỉ tiêu này cao hơn nhiều so với mức doanh thu kỷ lục 9.258 tỉ đồng của Nhựa An Phát Xanh đạt được vào năm 2019. Thậm chí, doanh thu của Stavian Chemical còn cao gần gấp đôi tổng doanh thu của 2 "đại gia" Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cộng lại.
Tuy nhiên, năm 2019, Stavian Chemical chỉ báo lãi vỏn vẹn 37 tỉ đồng, giảm 64% so với năm trước. Biên lãi ròng chỉ là 0,22% - tức 1.000 đồng doanh thu chỉ mang về hơn 2 đồng lãi.
Trở lại với nhà sáng lập Stavian Chemical Đinh Đức Thắng, vị doanh nhân sinh năm 1978 còn đang đứng tên đại diện cho loạt doanh nghiệp khác như: CTCP Stavian Địa ốc (Stavian Land), CTCP Tập đoàn Stavian (Stavian Group), Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings (Stavian Việt Nam Holdings), hay CTCP Stavian Công nghiệp và Dịch vụ.
Trong đó, Stavian Group và Stavian Việt Nam Holdings đều được thành lập vào tháng 11/2018, cùng có quy mô vốn điều lệ 100 triệu đồng, và do ông Đinh Đức Thắng nắm giữ 100% vốn.
Cập nhật đến tháng 7/2022, vốn điều lệ của Stavian Group đạt 1.203,2 tỉ đồng, trong đó ông Đinh Đức Thắng góp 1.203 tỉ đồng, sở hữu 99,984% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho Stavian Việt Nam Holdings và ông Lê Văn Chung, mỗi cổ đông nắm 0,008% vốn.
Trong khi đó, Stavian Công nghiệp và Dịch vụ được thành lập vào tháng 12/2018 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm 5 thể nhân là các ông Nguyễn Minh Tú (30%), Lê Văn Chung (10%), Nguyễn Đức Hà (5%), Nguyễn Trọng Tiến (5%) và Đinh Đức Thắng (50%).
Tính đến tháng 3/2021, vốn điều lệ của Stavian Công Nghiệp và Dịch vụ đạt 60 tỉ đồng. Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đinh Đức Thắng đảm nhiệm.
Pháp nhân còn lại, Stavian Land mới được thành lập vào tháng 5/2022, đăng ký quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 600 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Stavian Group (29% VĐL), Stavian Việt Nam Holdings (1% VĐL) và CTCP Stavian Công nghiệp và Dịch vụ (70% VĐL).
Cái bắt tay với ‘đại gia’ Hiệp "Gas"
Như VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết, số cổ phần chi phối doanh nghiệp dự án nhà máy hóa dầu 1,5 tỉ USD ở Quảng Ninh (51%) do Stavian Chemical của ông Đinh Đức Thắng nắm giữ.
Trong khi đó, 49% cổ phần còn lại của Stavian Quảng Yên thuộc về CTCP Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (Yên Hưng Port) và ông Nguyễn Hồng Hiệp, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 39% và 10% vốn điều lệ.
Nên biết, ông Nguyễn Hồng Hiệp chính là cổ đông sáng lập của Yên Hưng Port. Pháp nhân này được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn điều lệ 20 tỉ đồng, trong đó ông Hiệp góp 15 tỉ đồng, sở hữu 75% vốn điều lệ.
Bà Lương Thị Sinh – vợ của ông Hiệp – đứng tên 498.000 cổ phần, tương đương 24,9% vốn điều lệ Yên Hưng Port. Cổ đông cá nhân còn lại là ông Trần Vọng Phúc, sở hữu 0,1% cổ phần.
Đến tháng 2/2022, Yên Hưng Port tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 300 tỉ đồng. Vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Trần Vọng Phúc (SN 1978) đảm nhiệm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Nguyễn Hồng Hiệp (SN 1973) là nhà sáng lập Công ty TNHH Gas Venus (tiền thân là Công ty TNHH MTV Gas Venus) – chủ sở hữu nhãn hiệu gas cùng tên nổi tiếng.
Giống với thiếu gia Minh "nhựa" hay tay chơi Cường "đô la", ông Nguyễn Hồng Hiệp cũng có niềm đam mê mãnh liệt với siêu xe và được mọi người nhắc đến với tên gọi ‘đại gia’ Hiệp Gas.
Từ khi Gas Venus ra đời (tháng 2/2011), ông Hiệp luôn giữ vị trí lãnh đạo cao nhất cũng như cổ đông chi phối của doanh nghiệp này, trước khi thoái vốn và nhượng lại 68,966% cổ phần Gas Venus cho ông Lê Tiến Dương vào cuối tháng 9/2021.
Ngoài Gas Venus, ông Nguyễn Hồng Hiệp từng là Giám đốc CTCP Vận tải Nhật Việt (NVTrans) – thành viên của Tổng CTCP Vận tải Dầu Khí (Mã CK: PVT).
Ông Nguyễn Hồng Hiệp còn là cổ đông tại một số doanh nghiệp niêm yết cùng ngành như CTCP Tập đoàn Dầu khí Anpha (Mã CK: ASP), CTCP Vận tải khí và Hóa chất Việt Nam (Mã CK: PCT), CTCP Vận tải sản phẩm Khí Quốc tế (Mã CK: GSP)./.
Theo Đồng Tiến
Viettimes