Hệ lụy lớn từ vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả
Không chỉ thực phẩm ăn uống bị làm giả mà hiện nay thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng cũng được làm giả khá tinh vi và giao bán tràn lan.
Công nghệ làm thuốc giả và thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi
Hiện nay, vấn nạn thuốc giả, thực phẩm và thực phẩm sức khỏe... hiện diện khắp nơi trên thế giới nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển như nước ta.
Đặc biệt, thời gian qua tình hình làm giả thuốc và thực phẩm chức năng ngày một gia tăng do lợi dụng kẽ hở đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu hàng hóa tăng cao. Các thuốc và thực phẩm chức năng giả được làm ngày một tinh vi với công nghệ cao, rất khó phân biệt với thuốc thật. Trong khi đó, các giải pháp chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
Ngày 16/6, theo Công an tỉnh Bắc Giang, cơ quan này đang điều tra, làm rõ vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn.
Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA có địa chỉ tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang sản xuất hàng hóa giả là thực phẩm chức năng Collagen.
Sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang, thu giữ 16 thùng nặng khoảng 600 kg chứa các viên nang là thực phẩm chức năng Collagen giả của Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA. Đồng thời, Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, cùng 3 máy khò và nhiều đồ vật liên quan.
Bước đầu, cơ quan công an xác định, đối tượng Vũ Văn Sỹ (27 tuổi) là Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA thừa nhận đã đặt mua các viên nang trên từ một số cá nhân khác. Sau đó, Sỹ làm giả các loại vỏ hộp, nhãn mác để đóng gói thành sản phẩm Collagen Gold (giả sản phẩm Collagen do Công ty Cổ phần dược phẩm Top Queen Việt Nam là đơn vị đăng ký nhập khẩu từ nhà sản xuất AVA Pharmaceutical) nhằm mục đích bán kiếm lời.
Mở rộng vụ án, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Ong Thị Vân (34 tuổi) là Giám đốc Công ty TNHH Nam Phong có địa chỉ ở số 32, 75, ngách 322/95/29, đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Vân là người có liên quan trong vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm năng giả này. Công an tỉnh Bắc Giang đã thực hiện khám xét khẩn cấp các điểm là nhà kho và trụ sở công ty của Vân và Sỹ, thu giữ 76 thùng hàng, bao gồm thành phẩm và các sản phẩm, tem nhãn, vỏ hộp dùng để đóng gói.
Tại cơ quan công an, bước đầu, đối tượng Ong Thị Vân khai nhận trước đó đã đặt 1.200 lọ thực phẩm chức năng Collagen của đối tượng Sỹ và đã giao cho trình dược viên và bán trên Facebook hết số lượng trên.
Các thực phẩm chức năng được đối tượng Sỹ và Vân sản xuất, tung ra thị trường mà Cơ quan công an thu giữ bao gồm các loại phổ biến như: Glucosamin, Collagen, Canxi giả nhãn mác của các Công ty có uy tín trên thị trường nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam.
Cuối tháng 5/2022, Cục Quản lý Dược đã có văn bản báo cáo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc mẫu thuốc Voltarén 75mg giả. Mẫu sản phẩm có nhiều dấu hiệu khác biệt so với mẫu thuốc Voltaren 75mg/3ml, SĐK: VN-20041-16 do Lek Pharmaceuticals d.d. (Slovenia) sản xuất, Công ty TNHH Novartis Việt Nam nhập khẩu, cung cấp. Thuốc Voltarén 75mg chứa hoạt chất natri diclofenac được chỉ định trong điều trị viêm và sưng đau sau phẫu thuật hoặc chấn thương, viêm đau xương khớp, viêm phần phụ, đau bụng kinh...
Trước đó, tháng 3/2022, Bộ Y tế cảnh báo thuốc Actemra 400mg/20ml chưa cấp phép nhập khẩu, chưa cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng trên thị trường phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400mg/20ml, số lô B2101B32.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo về việc phát hiện mẫu thuốc trên nhãn ghi Stivarga 40mg và Xarelto 10mg/15mg/20mg nghi ngờ là thuốc giả. Đây là các thuốc có chỉ định điều trị ung thư và đông máu. Nếu đặt 2 lọ thuốc cạnh nhau, nhìn qua thì 2 sản phẩm khá giống nhau về hình dáng cũng như quy cách đóng gói, song quan sát kĩ thì mọi thông tin trên 2 sản phẩm đều khác nhau từ bao bì, cho đến thông tin bắt buộc phải có trên sản phẩm như giấy phép đăng ký lưu hành, hay thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu.
Mới đây, ngày 10/6/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an Tp.HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả (có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19) với quy mô lớn.
Mở rộng điều tra, khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn Tp.HCM; lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ khoảng 1.000.000 viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021, Tổng cục Quản lý Thị trường đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng và có mức độ phức tạp không hề nhỏ. Trong đó, có những sản phẩm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng. Năm 2022, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu
Chia sẻ tại hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” do Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức ngày 23/8, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho hay, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, thuốc và thực phẩm chức năng không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.
Theo bà Nguyễn Diệu Hà, để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Có một sự thật đó là công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống hàng giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật.
Mặc dù vậy, việc chống hàng giả, đặc biệt là chống nạn thuốc giả vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Hiệp hội doanh các doanh nghiệp Dược tại Việt Nam, mong muốn rằng cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả.
Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thông tin về các chính sách chống hàng giả trong những năm sắp tới; tình hình hàng giả trên thị trường hiện nay; sự cần thiết ứng dụng công nghệ trong phòng chống hàng giả; thực trạng và tác động của sản phẩm thương hiệu làm giả trên thị trường cũng như đề xuất của doanh nghiệp trong hoạt động chống giả, bảo vệ sản phẩm thương hiệu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vấn nạn thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả trong đại dịch Covid-19: Khuyến cáo của Tổ chức cảnh sát hình sự châu Âu (EUROPOL). Quyền lợi người tiêu dùng trước vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả…
Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) nhận định, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, ông Trần Đức Đông cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Tập trung phương tiện, biện pháp, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, về cơ chế phối hợp và đề xuất các kiến nghị sửa đổi bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả….
Liên quan đến công tác quản lý thị trường, đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, đơn vị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát trong từng lĩnh vực để phát hiện, xử lý sai phạm, kịp thời đề xuất các lỗ hổng trong quản lý theo đúng các quy định của pháp luật Nhà nước.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Thị trường, Đội Quản lý thị trường bám sát tình hình và diễn biến thị trường trong nước trên từng địa bàn, để chủ động xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị, từng lực lượng; phân công trách nhiệm và có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn lực lượng trên từng địa bàn, lĩnh vực.
Nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ cơ quan thực thi nhiệm vụ. Do đó, cần chú trọng làm công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ chia sẻ của toàn cân đối với những hoạt động rất đặc thù của ngành Công Thương và lực lượng quản lý thị trường.
Tuệ Minh (tổng hợp)