Hé lộ về đơn từ chức của cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa
Các nhà lập pháp Sri Lanka bắt đầu chọn một nhà lãnh đạo mới thay thế cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vừa mới tháo chạy ra nước ngoài và từ chức.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana cam kết rằng quy trình bầu chọn lãnh đạo mới sẽ diễn ra nhanh chóng và minh bạch, và tất cả chỉ gói gọn trong vòng 1 tuần.
Trước đó, hôm 15/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời cho đến khi Quốc hội bầu ra người kế nhiệm ông Rajapaksa, vốn có nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardana cam kết rằng quy trình bầu chọn sẽ diễn ra nhanh chóng và minh bạch, và tất cả chỉ gói gọn trong vòng 1 tuần.
Sau đó, tân Tổng thống có thể bổ nhiệm một Thủ tướng mới, người sau đó sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn.
Tổng thư ký Quốc hội, Dhammika Dasanayake, cho biết trong một phiên họp ngắn hôm 16/7 rằng các đề cử cho cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được công bố vào ngày 19/7 và nếu có nhiều hơn một ứng cử viên, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu vào ngày 20/7.
Ông Dasanayake cũng đọc to đơn từ chức của ông Gotabaya Rajapaksa trước quốc hội.
Trong thư, ông Rajapaksa nói rằng ông đã từ chức theo yêu cầu của người dân Sri Lanka và các nhà lãnh đạo đảng chính trị. Ông lưu ý rằng cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã hiện hữu khi ông nhậm chức vào năm 2019 và ngày càng trầm trọng hơn do các đợt phong tỏa trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành.
An ninh xung quanh tòa nhà quốc hội ở thủ đô Colombo hôm 16/7 đã được tăng cường, với những người lính đeo mặt nạ có vũ trang canh gác và các con đường gần tòa nhà bị phong tỏa.
Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 15/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe – người hiện giữ chức quyền Tổng thống Sri Lanka – cho biết, ông sẽ bắt đầu các bước thay đổi hiến pháp để kiềm chế quyền lực của Tổng thống và củng cố quốc hội, khôi phục luật pháp và trật tự cũng như hành động pháp lý chống lại "quân nổi dậy".
Không nêu đích danh ai, nhưng ông Wickremesinghe cho biết những người biểu tình thực sự sẽ không dính vào các cuộc đụng độ như đã xảy ra tối hôm 13/7 gần tòa nhà quốc hội, nơi nhiều binh sĩ được cho là bị thương.
Ông nói: "Có sự khác biệt lớn giữa những người biểu tình và quân nổi dậy. Chúng tôi sẽ thực hiện hành động pháp lý chống lại quân nổi dậy".
Ông Wickremesinghe trở thành Tổng thống lâm thời sau khi ông Rajapaksa tháo chạy khỏi Sri Lanka đến Maldives và sau đó là đến Singapore.
Nhiều người biểu tình, đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa và đồng minh về tình trạng lạm phát leo thang, thiếu hụt nhiên liệu và hàng hóa thiết yếu và tham nhũng mà đảo quốc Nam Á này đang phải đối mặt, nhấn mạnh rằng ông Wickremesinghe cũng nên từ chức.
Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Sajith Premadasa, người đang tranh cử chức Tổng thống Sri Lanka, tuyên bố sẽ "lắng nghe người dân" và buộc ông Rajapaksa phải chịu trách nhiệm.
Minh Đức (Theo NPR)