Hé lộ quốc gia châu Âu sẽ thiệt hại nhất từ khủng hoảng năng lượng

Chia sẻ Facebook
20/11/2022 00:11:52

Trong tình huống xấu nhất, châu Âu sẽ tiêu tốn gần 1.000 tỷ đô mỗi năm, nhưng vẫn phải đối mặt với tình hình thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng đến 2024.


Khủng hoảng năng lượng giảm nhiệt?

Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã không quá mức tồi tệ như các dự báo trước đó. Sau khi giá khí đốt tăng mạnh ở thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi thứ đã dần ổn định trở lại.

Người tiêu dùng đã đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao bằng việc hạn chế tiêu dùng, trong khi chính phủ các nước đẩy mạnh các kho chứa khí tự nhiên hoá lỏng, cũng như việc mùa thu ấm bất thường cũng giúp người dân duy trì chi phí điện năng ở mức vừa phải.

Giá khí đốt đã giảm từ 100 đô la cho mỗi 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBTU) từ tháng 8 xuống con 39 đô la. Giá dầu thô Brent cũng giảm từ đỉnh sau đại dịch từ 139 đô la vào tháng 3 xuống con 93 đô la.

Đã xuất hiện những ý kiến cho rằng nguy cơ năng lượng với châu Âu có vẻ đã lắng dần, nhưng các chuyên gia nhận định vẫn còn quá sớm để kết luận.


3 viễn cảnh cho khủng hoảng năng lượng 

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng chuyển lạnh, các nguồn cung năng lượng tại châu Âu sẽ ngày càng hạn chế.

“Tình hình có thể sẽ xấu đi rất nhanh”. Các chuyên gia của Economist đưa ra ba viễn cảnh đối với thị trường năng lượng châu Âu, và tất cả đều khá ảm đạm.

Tình huống đầu tiên giả định căng thẳng chính trị giữa châu Âu và Nga sẽ không xấu đi, nhưng tình hình trên thị trường năng lượng sẽ không có nhiều thay đổi.

Điều này xuất phát từ việc tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc cung ứng khí đốt từ Nga tới Đức tiếp tục dừng hoạt động và châu Âu duy trì các lệnh cấm đối với dầu thô của Nga. Điều này dường như là phương án lý tưởng đối với châu Âu, trong đó các biện pháp trừng phạt Nga “tạo ra cuộc khủng hoảng nhưng không đến mức một thảm hoạ”.

Nguồn cung sẽ hạn chế và giá năng lượng vẫn ở mức cao, nhưng châu Âu sẽ vượt qua mùa đông mà không phải gánh quá nhiều hệ quả nặng nề.

Phương án thứ hai giả định tình hình leo thang và Nga chấm dứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu, làm tăng chi phí thêm hàng chục tỉ đô la cho châu lục này trong việc tìm nguồn cung thay thế.

Phương án thứ ba giả định Nga từ bỏ hoàn toàn con đường ngoại giao và từ bỏ hoàn toàn việc cung cấp năng lượng cho châu Âu. Trong tình huống này, chi phí nhập khẩu khí đốt của châu Âu sẽ lên tới gần 1.000 tỷ đô la mỗi năm, nhưng vẫn phải đối mặt với tình hình thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng cho đến 2024.

Rõ ràng, kể cả trong trường hợp lý tưởng nhất, châu Âu sẽ vẫn đối mặt với một mùa đông dài, cùng với đó là nhiều năm trời tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề năng lượng.

Cuối cùng, người dân châu Âu sẽ phải chịu hệ quả nặng nề do chi phí năng lượng tăng cao. Các dự báo cho rằng 26 triệu người ở Anh dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trong giai đoạn mùa đông, tức 1/3 hộ gia đình tại đây.

Chưa kể tình hình tại Anh có lẽ còn tốt hơn nhiều so với một số quốc gia châu Âu khác, vốn đã gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn cung khí đốt cả trước khi diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Trong liên minh châu Âu EU, gần 7% dân số không có đủ khí đốt để sưởi trong 2021”, báo cáo của WEF nhận định. Những quốc gia ở phía nam và đông Âu là những nước được đề cập đến trong báo cáo trên, và năm nay rõ ràng tình hình còn xấu hơn nhiều.

Theo đó, Bulgaria là nước có tình trạng “đói nghèo về năng lượng” cao nhất EU, với tỉ lệ 1 trên 4 người dân (23,7%) gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí năng lượng.

Tiếp theo là Lithuania (22,5%), Đảo Cyprus (19,4%). Ngược lại, tỉ lệ này chỉ dưới 1% ở các nước giàu, bao gồm Thuỵ Sĩ (0,2%), Na Uy (0,8%). “Khi dữ liệu trong năm 2022 được công bố, chúng ta có thể dự báo mọi thứ sẽ tồi tệ hơn”, báo cáo của World Bank nhận định.

Kể cả trong tình huống tốt nhất, theo Economist, những số liệu trong các năm 2023 và 2024 có lẽ sẽ xấu hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Chia sẻ Facebook