Hé lộ kết quả một số nghiên cứu mới về đại dịch Covid
Dưới đây là tóm tắt một số nghiên cứu về Covid-19 trong thời gian qua. Các nghiên cứu này đã phần nào giải mã về các vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình đại dịch bùng phát, tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để chứng thực.
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là thông tin được các nhà phân tích đưa ra sau khi tổng hợp và đánh giá kết quả của 17 nghiên cứu trước đó.
Các nghiên cứu được công bố vào năm 2020 và 2021 cho thấy tỷ lệ rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, giảm chú ý… và hàng loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần khác gia tăng đáng kể trong đại dịch Covid-19.
TS. M. Mahbub Hossain, chuyên gia sức khỏe từ Đại học Texas A&M, đánh giá: "Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến hơn ở những người có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu sự kết nối và hỗ trợ từ xã hội, có các mối quan hệ bất hòa với gia đình và hạn chế tham gia các hoạt động thể chất". Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc đóng cửa trường học và sinh hoạt trong nhà dài ngày cũng là một trong những nhân tố khiến nhiều người rơi vào "hố sâu" trầm cảm, lo âu và gặp các vấn đề về tâm thần.
Nhận thức về thuốc điều trị Covid-19 còn thấp
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nghiêm trọng không nhập viện, chỉ có khoảng 2% sử dụng các loại thuốc điều trị tại nhà.
Tháng 3 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã tập hợp 1.159 người từ 37 tiểu bang của Mỹ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm PCR và hỏi liệu họ có biết hoặc đã từng thực hiện các biện pháp điều trị Covid-19 như sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng hoặc thuốc uống kháng virus Molnupiravir hay không.
Kết quả báo cáo cho thấy, đối với nhóm đối tượng trên 65 tuổi - độ tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng vì Covid-19, 66% trong tổng số 241 người đã biết tới các biện pháp điều trị này và 36,3% đã tìm đến các loại thuốc đó, nhưng chỉ có 1,7% là từng sử dụng.
Đối với nhóm bệnh nhân dưới 65 tuổi, tỷ lệ người biết và tìm hiểu về các biện pháp điều trị trên còn thấp hơn.
Tiến sĩ Noah Kojima tại Đại học California (Los Angeles), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Cần tăng cường nhận thức của cộng đồng và nhân viên y tế về các loại thuốc điều trị hiệu quả đối với Covid-19 để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong".
Biến thể Omicron xâm nhập Pháp thông qua các chuyến bay
Kết quả phân tích mẫu nước thải trên các chuyến bay đến Pháp cho thấy có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 cho dù các hành khách đã được tiêm phòng và có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Điều này cho thấy các yêu cầu về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh không hoàn toàn bảo vệ các quốc gia khỏi sự lây lan của các biến thể mới.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Bernard La Scola thuộc Đại học Aix-Marseille ở Pháp, cho biết: "Điều này có thể được giải thích bởi hai lý do. Đầu tiên, trong những chuyến bay dài, xét nghiệm có thể âm tính vào hôm trước khi khởi hành và dương tính khi đến nơi. Lúc đó, tải lượng virus chưa đạt tới mức có thể bị phát hiện. Thứ hai, các hành khách có thể làm giả giấy xét nghiệm".