Hé lộ công ty môi giới “tí hon’’ đứng sau những thương vụ IPO 2.200% bí ẩn ở phố Wall

Chia sẻ Facebook
20/09/2022 11:35:56

Cách trung tâm Manhattan 80 km về phía nam, trong toà nhà gạch đỏ bao quanh bởi đường ray xe lửa, có một công ty môi giới ít được biến đến nhưng đứng sau những đợt IPO “ngông cuồng” nhất thế giới.

Từ trụ sở của mình ở Red Bank, New Jersey, Network 1 Financial Securities đã bảo lãnh cho 6 đợt IPO của các doanh nghiệp vốn hoá siêu nhỏ của Mỹ trong năm nay. Chia trung bình, mỗi doanh nghiệp này có mức tăng 2.190% trong ngày giao dịch đầu tiên. Con số này cao gấp 250 lần so với hiệu suất trung bình của các doanh nghiệp mà Goldman Sachs Group Inc., JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley bảo lãnh IPO.

Tuy nhiên, thật không may cho các nhà đầu tư, đà giảm của những cổ phiếu này cũng tồi tệ không kém. Mặc dù vẫn nằm trong vùng tích cực nhưng giá của chúng hầu như đã giảm 75% so với đỉnh chỉ trong vòng 1 tháng.

Những cú tăng khủng khiếp của các cổ phiếu vốn hoá siêu nhỏ không phải điều gì mới mẻ ở Phố Wall. Tuy nhiên, những giao dịch được bảo lãnh bởi Network 1 – công ty ít được biết tới ra đời từ năm 1983 và tự định vị mình như một công ty môi giới đầy đủ dịch vụ cho các nhà đầu tư sành sỏi - vẫn rất nổi bật so với phần còn lại của thị trường.

Các thương vụ IPO mà Network 1 bảo lãnh nằm trong cái gọi là “phần biến động kinh hoàng” trong các đợt IPO ở New York. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này chủ yếu tới từ Trung Quốc. Việc giá biến động ngoài sức tưởng tượng khiến các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không thể lý giải vì sao. Tất nhiên, chúng cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ.

Một ví dụ nổi bật là thương vụ IPO của Addentax Group Corp., công ty may mặc có trụ sở tại Trung Quốc, do Network 1 đạo diễn. Trong phiên giao dịch đầu tiên hôm 31/8, cổ phiếu của nó đã tăng 13.000% lên 656,54 USD, khiến thị giá lớn hơn 1/3 số doanh nghiệp được niêm yết trên S&P 500 Index. Tuy nhiên, năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2022, Addentax chỉ có doanh thu chưa tới 13 triệu USD.

Và rồi, cú sập kinh hoàng xảy ra ngay sau đó. Ngày hôm sau, giá cổ phiếu Addentax đã rơi về chưa tới 30 USD/cổ.

Tình trạng này khá quen thuộc với các nhà đầu tư tại Hồng Kông trước khi nhà chức trách ban hành quy định nhằm ngăn chặn các giao dịch ảo. Khi đó, các doanh nghiệp vốn hoá nhỏ chọn hướng chuyển sang Mỹ. Network 1 nổi lên trong vai trò một trong những công ty hoạt động tích cực nhất ở mảng này.

Ken Shih của Saxo Capital Markets cảnh báo: “Các nhà đầu tư chắc chắn phải thận trọng với những thương vụ như thế này bởi không ít cổ phiếu nhanh chóng giảm 98-99% so với đỉnh của chúng. Điều mà mọi nhà đầu tư cần phải cân nhắc chính là sự thiếu minh bạch về lý do khiến chúng tăng giá như vậy”.

Network 1 đã không trả lời những email và cuộc gọi từ Bloomberg. Khi phóng viên tới trụ sở của công ty, không ai tiếp chuyện họ. Hiện tại, công ty này chưa phải chịu bất cứ cáo buộc nào liên quan tới các đợt IPO khủng khiếp vừa qua.

Trong một video mới được đăng tải trên trang LinkedIn, Chủ tịch của Network 1 Damon D. Testaverde khẳng định khách hàng của họ là “những nhà đầu tư sành sỏi, có tài sản lớn ở Mỹ và các quốc gia khác”.

Network 1 đã nhiều lần phải làm việc với cơ quan quản lý. Theo hồ sơ của Cơ quan Quản lý Công nghiệp Tài chính Mỹ, công ty này từng bị theo dõi vì các vi phạm như không phát triển các chương trình chống rửa tiền tới thiếu các chính sách để phát hiện giao dịch đáng ngờ và ngăn ngừa giao dịch nội gián.

Năm 2007, họ đồng ý trả khoản tiền phạt 100.000 USD vì gạ gẫm một khách hàng, người là cổ đông kiểm soát của một công ty, bán cổ phiếu với số lượng quá giới hạn quy định. Số cổ phiếu này bị chính Network 1 mua và sau đó bán lại. Chủ tịch Network 1 cũng từng bị đình chỉ hoạt động trong khoảng 4 tháng.

Ngoài ra, năm 2020, công ty này đã không xác định được một khách hàng, vốn là người của công ty vốn hoá siêu nhỏ được IPO, đã tích cực giao dịch cổ phiếu anh ta nắm giữ. Network 1 sau đó bị phạt 60.000 USD và yêu cầu xem xét lại chương trình chống rửa tiền của mình.

Tài liệu mà chính Network 1 sử dụng để quảng bá nói rằng họ có tham gia vào các thương vụ của Grab Holdings Ltd. và Space Exploration Technologies Corp. (SpaceX). Tuy nhiên, người phát ngôn của Grab cho biết họ không hề liên quan tới công ty này nhưng không xác định được các đối tác khác của họ có liên quan tới Network 1 trong các vòng gọi vốn hay không. SpaceX không trả lời phỏng vấn.

Trong số 49 thương vụ mà Network 1 là tác giả (cổ phiếu hiện vẫn đang giao dịch) từ năm 1995 tới nay, 17 cổ phiếu có giá thấp hơn 80% trở lên so với giá chào bán. Chỉ 7 cổ phiếu nằm trong vùng tích cực.

Trong những năm gần đây, công ty này có hoạt động rất mạnh với các đối tác Trung Quốc. Theo một phân tích về các thương vụ mà Network 1 bảo lãnh, có ít nhất 55% là các doanh nghiệp ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông hoặc phần lớn các hoạt động ở khu vực này.

Nhân viên tại một công ty môi giới lớn ở Trung Quốc cho biết Network 1 rất nổi tiếng ở nước này. Lãnh đạo chi nhánh Mỹ của một ngân hàng Trung Quốc cho biết Network 1 tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, vốn còn chẳng đủ điều kiện niêm yết tại thị trường nội địa. Cả 2 nguồn tin đều yêu cầu giấu tên khi nói về các vấn đề của khách hàng.

Năm nay, 4 trong 6 công ty mà Network 1 bảo lãnh IPO đều đặt trụ sở tại Hồng Kông hoặc đại lục hoặc có nguồn doanh thu chính từ Trung Quốc. Chúng bao gồm doanh nghiệp điều hanhtrường học Golden Sun Education Group Ltd., nhà sản xuất ổ khoá Intelligent Living Application Group Inc. và doanh nghiệp tài chính Magic Empire Global Ltd.

Tất cả các doanh nghiệp này đều có điểm chung là có ít cổ phiếu trôi nổi trên thị trường. Thậm chí, phần lớn những “người trong cuộc” đã nắm giữ hết cổ phiếu của chúng. Chẳng hạn như Chủ tịch và CEO của Magic Empire Global Ltd. nắm giữ tổng cộng 63% cổ phần của nó. Công ty này cũng không phản hồi các yêu cầu bình luận.

Trong số các chủ sở hữu gián tiếp của công ty môi giới trụ sở tại Mỹ có Shawn Huang Shanchun, CEO Future Fintech Group Inc., công ty thương mại điện tử dựa trên blockchain tới từ Trung Quốc. Trong cuốn sách bằng tiếng Trung, Huang đã tự nhận mình là Phó chủ tịch điều hành của Network 1. Tuy nhiên, tên của Shawn không được liệt kê trong hồ sơ pháp lý hay trên trang web của công ty. Thực tế, Huang sở hữu cổ phần không xác định thông qua công ty mẹ của Network 1.

Mặc dù Network 1 mang nhiều cổ phiếu giá trị vốn hoá siêu nhỏ của Trung Quốc tới thị trường Mỹ hơn bất kỳ nhà môi giới nào khác nhưng rõ ràng, đây không phải cái tên duy nhất trong phân khúc này.

Khi mà mong muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc lớn bị vùi dập vì mối quan hệ lao dốc giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp vốn hoá nhỏ vẫn coi đây là một lựa chọn hấp dẫn. Không giống như ở Hồng Kông, nơi các doanh nghiệp cần được phê duyệt để lên sàn, chứng khoán Mỹ cho bất cứ doanh nghiệp nào trở thành công ty đại chúng miễn là họ đáp ứng các tiêu chuẩn.

Hebe Chen, chuyên gia phân tích thị trường của IG Markets Ltd, tin rằng sẽ có nhiều hơn các giao dịch loại này trong thời gian tới. Trước khi cánh cửa bị đóng hoàn toàn, các nhà đầu tư ưa mạo hiểm sẽ cố gắng tham gia thị trường này bởi nó có thể biến mất bất cứ lúc nào”.

Những lo lắng này không phải không có lý do. Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8 cho biết họ đang theo dõi những động thái bất thường trong các đợt IPO của doanh nghiệp vốn hoá siêu nhỏ. Tuy nhiên, SEC không nêu tên các công ty và từ chối cho biết có đang đánh giá các hoạt động của Network 1 hay không.

"Đây là những cổ phiếu đáng sợ", Erik Gordon, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross của Đại học Michigan ở Ann Arbor, Michigan, cho biết. “Sẽ chẳng có chuyên gia nào có hứng thú với chúng. Việc tăng giá phi mã thật dễ dàng nhưng rõ ràng, chúng không bền vững”.


Tham khảo: Bloomberg

Chia sẻ Facebook