Hậu quả "thảm khốc" khi trung tâm hóa chất lớn nhất thế giới ở Đức phải dừng sản xuất

Chia sẻ Facebook
03/07/2022 14:05:23

Lệnh cấm vận khí đốt sẽ gây ra hậu quả "thảm khốc" đối với ngành công nghiệp hóa chất của Đức. Các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt nhất sẽ phải dừng sản xuất...

Thành phố Ludwigshafen ở Đức có ý nghĩa đặc biệt đối với những người làm trong ngành công nghiệp hóa chất. Tại Ludwigshafen, công ty hóa chất BASF có khoảng 200 nhà máy, tạo thành khu liên hợp sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới. Ví dụ, nhà máy axetylen của BASF tại đây có công suất năm là 90.000 tấn, chiếm khoảng 7% năng lực sản xuất toàn cầu.

Với việc nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang Đức đang bị cắt giảm, các nhà lãnh đạo của BASF đang nghĩ về một tình cảnh không tưởng chỉ vài tháng trước: Nếu nguồn cung cấp khí đốt tiếp tục bị cắt giảm, khu liên hợp liệu có phải dừng hoạt động?

200 nhà máy sản xuất hóa chất của BASF đặt tại Ludwigshafen (Đức). Ảnh: AP

Theo trang tin 163.com của Trung Quốc, do BASF và các công ty hóa chất khác nằm ở điểm đầu của hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp, tác động được cho là sẽ mở rộng ra ngoài ngành hóa chất, thậm chí đe dọa cả nền kinh tế châu Âu vào thời điểm lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại.

"Việc dừng sản xuất tại đây sẽ là một quyết định khó khăn. Chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này trước đây. Thật khó tưởng tượng."

Gần đây, Đức đã đưa ra nhiều dự báo trong nước về kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Dữ liệu nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Bavaria (VBW) cho thấy, nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt sang Đức, các ngành sản xuất thủy tinh, thép, hóa chất, gốm sứ, thực phẩm và dệt may sẽ trở thành những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trung tâm hóa chất lớn nhất thế giới dừng sản xuất

Kế hoạch khẩn cấp về việc cung cấp khí đốt tự nhiên ở Đức của chính phủ nước này được chia thành ba cấp độ: cấp dự báo, cấp báo động và cấp khẩn cấp. Chính phủ Đức đã tuyên bố, hiện tại đang ở "mức báo động" do Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt sang Đức.

Giá khí đốt trên toàn châu Âu đã tăng 24% sau khi tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt sang Đức. Ảnh: TASS


Theo trang 163.com, các công ty hóa chất như BASF dễ bị tổn thương hơn các công ty công nghiệp khác vì khí đốt tự nhiên cần thiết cho hầu hết các quy trình sản xuất của họ. Sau khi khí đốt tự nhiên được dẫn vào nhà máy của BASF, khoảng 60% được sử dụng để phát điện và tạo ra hơi nước, 40% còn lại được dùng làm nguyên liệu. Lượng khí đốt tự nhiên mà các nhà máy sản xuất amoniac và axetylen ở Ludwigshafen sử dụng chiếm 4% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trên toàn nước Đức.


"Nói trắng ra, không có giải pháp ngắn hạn nào có thể thay thế khí đốt của Nga", Giám đốc điều hành BASF Martin Brudermüller cho biết vào hồi tháng 4.

Các nhà quản lý của BASF nhận định rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vẫn đang ở mức hơn 50% nhu cầu tối đa của Ludwigshafen, do đó các nhà máy của BASF có thể tiếp tục vận hành bằng cách giảm công suất và sử dụng các nhiên liệu thay thế. Nhưng nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm nhiều dưới mức đó trong thời gian dài, họ sẽ phải dừng sản xuất.

"Mọi thứ đều liên kết với nhau và phụ thuộc vào phần còn lại của tổ hợp. Chi phí cho việc tạm dừng rồi khởi động lại sản xuất là rất cao. Đây là một tình huống cực đoan mà chúng tôi rất muốn tránh."

Được biết, tại trung tâm của khu liên hợp hóa chất Ludwigshafen có hai hệ thống lò hơi khổng lồ, một trong số đó chiếm diện tích bằng 13 sân bóng đá. Những lò hơi khổng lồ này chạy bằng khí đốt tự nhiên, phân hủy naphtha - một sản phẩm dầu mỏ - thành nguyên liệu cơ bản cho quá trình sản xuất tiếp theo.

Trang tin tài chính Yicai.com của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết, nhiều công ty hóa chất đã vội vàng tích trữ khí đốt sau khi chứng kiến ​​tình hình địa chính trị bất ổn, nhưng có hai vấn đề được đặt ra: Thứ nhất, lượng khí dự trữ liệu có đủ không? Hiện tại có thể thấy rằng, có thể dự trữ tối đa 2-3 tháng. Thứ hai, không thể đoán trước được tình trạng này khi nào sẽ kết thúc, tương lai vẫn là không lạc quan.


Tìm nhiên liệu thay thế

Hiện tại, giá khí đốt trước tháng của Hà Lan – được coi là mức chuẩn của châu Âu - vẫn ở mức khoảng 135 euro/megawatt giờ và các công ty hóa chất châu Âu như BASF đang chạy đua để tìm các nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, trong ngắn hạn rất khó có thể tìm được nhiên liệu thay thế.

Trước đó, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đã tính toán rằng, nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, ngay cả khi nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục từ các nước khác ngoài Nga cũng sẽ không đủ để lấp đầy các kho dự trữ của châu Âu vào mùa đông tới. Châu Âu phải giảm nhu cầu ít nhất 40 tỷ kilowatt giờ, hoặc 10% đến 15% nhu cầu hàng năm.

Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức cho biết, ngành công nghiệp hóa chất - nơi tiêu thụ khí công nghiệp lớn nhất của nước này - cần khoảng 135 terawatt giờ khí tự nhiên mỗi năm, trong khi sử dụng nhiên liệu thay thế chỉ có thể tiết kiệm 2-3 terawatt giờ.

Về dài hạn, BASF đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Năm ngoái, BASF đã đầu tư vào một trang trại điện gió ngoài khơi và ký hợp đồng cung cấp năng lượng xanh dài hạn.

Nhưng các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng, mặc dù về mặt kỹ thuật, năng lượng tái tạo có thể thay thế khí đốt tự nhiên để phát điện, nhưng nguồn cung của nó không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Lanxess – công ty sản xuất hóa chất đặc biệt có trụ sở tại Cologne (Đức) - gần đây cũng tuyên bố rằng, nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến lợi nhuận cốt lõi đã điều chỉnh của công ty này là 80 triệu đến 120 triệu euro/năm, còn các tác động gián tiếp thì không thể định lượng được. Và ngay cả khi giá năng lượng vẫn ổn định, chi phí năng lượng của công ty này vào năm 2022 sẽ là 1 tỷ euro, tăng gấp đôi so với năm 2021.

Các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt nhất sẽ phải ngừng sản xuất, trong khi các nhà máy khác sẽ phải giảm sản lượng vì thiếu khí đốt. Ảnh: GEP


Tuy nhiên, trang Yicai.com dẫn lời chuyên gia trong ngành năng lượng ở trên cho biết, ngoài châu Âu, một số vùng ở châu Á cũng là địa điểm sản xuất hóa chất, chẳng hạn như ngành công nghiệp hóa chất cơ bản ở Nhật Bản. Một số hóa chất hiếm cũng được sản xuất ở Nhật Bản. Trong những năm gần đây, một số nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa chất cơ bản cũng đã được di dời sang Malaysia và Việt Nam. Hiện tại, Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đã có một số nhà máy sản xuất hóa chất với chất lượng rất tốt.

Bởi vậy, theo chuyên gia này, mặc dù giá nhiên liệu nói chung đang tăng cao, nhưng châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Còn đối với toàn ngành công nghiệp hóa chất, thậm chí còn xuất hiện cơ hội để phân phối lại sản xuất, chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Chia sẻ Facebook