Hậu phương thầm lặng để những VĐV SEA Games toả sáng

Chia sẻ Facebook
15/05/2023 11:12:43

Đồng hành với SEA Games 32 đang tưng bừng diễn ra trên đất nước Campuchia, rất nhiều gia đình hạnh phúc khi được chứng kiến khoảnh khắc đáng nhớ của con mình lúc chạm đến tấm huy chương.

SEA Games không chỉ là sự kiện tranh tài thể thao giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà còn gửi gắm thông điệp về tình hữu nghị, hòa bình của các quốc gia trong khối ASEAN. SEA Games 32 hiện đang bước vào những ngày thi đấu cuối cùng, đã ghi dấu rất nhiều hình ảnh đẹp, trong đó có những câu chuyện về niềm tự hào của bậc phụ huynh khi được chứng kiến khoảnh khắc đáng nhớ của con mình lúc chạm đến tấm huy chương.

Đằng sau những khoảnh khắc tỏa sáng hết mình trên sân đấu đem lại vinh quang cho nền thể thao nước nhà tại SEA Games 32, các vận động viên Việt Nam đã phải vượt qua rất nhiều thử thách về thể chất, tinh thần khiến người hâm mộ thán phục.

Hậu phương vững chắc của “kỳ nhân” điền kinh Nguyễn Thị Oanh

Tổ Quốc đưa tin, trong SEA Games 32, vận động viên Nguyễn Thị Oanh liên tiếp giành 3 HCV (nội dung 1.500m, 5.000m và vượt rào 3.000m của nữ) cho điền kinh Việt Nam trong những ngày thi đấu vừa qua tại Campuchia. Nguyễn Thị Oanh trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất của đoàn thể thao Việt Nam, gây bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Cô gái nhỏ bé từng chiến đấu với bệnh tật, vượt lên số phận để được sống với đam mê và chinh phục những điều phi thường.

Nguyễn Thị Oanh - Cô gái đặc biệt của Điền kinh Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, là con thứ 7 trong gia đình 8 anh em ở thôn Thuần, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Xuất thân từ gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ Oanh đã phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, đồng áng.

Ngay từ khi học cấp 2, Oanh thường tham gia các hoạt động văn nghệ, giải đấu thể dục thể thao của trường. Tập luyện, thi đấu rồi cứ thế niềm đam mê với thể thao lớn dần. Cuối năm lớp 9, Nguyễn Thị Oanh bắt đầu nhận được sự chú ý bởi những thành công gây kinh ngạc ở các giải phong trào. Sau đó cô được tuyển lên đội năng khiếu TDTT Bắc Giang. Oanh được tuyển chọn thi đấu điền kinh, được HLV đưa lên tuyển điền kinh Việt Nam mài giũa. Từ đó, Oanh bắt đầu bước vào con đường theo đuổi đam mê.

Ông Nguyễn Văn Chuyền (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hưởng (68 tuổi), bố mẹ của vận động viên Nguyễn Thị Oanh dù tuổi đã cao nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. Bố mẹ Oanh vẫn bám vào mảnh vườn, đàn lợn và vài sào lúa để lo cho cuộc sống. Mong ước của Oanh là xây dựng nhà mới khang trang cho bố mẹ, thay thế căn nhà 3 gian cấp 4 lợp ngói. Trên tường ngôi nhà thứ khiến nhiều người chú ý là là rất nhiều bằng khen và cả một tủ kính treo tường đựng những huy chương mà Nguyễn Thị Oanh đã đạt được từ các giải đấu diễn ra ở trong nước, khu vực và quốc tế. Bên cạnh thành công của con gái, bố mẹ Oanh vẫn canh cánh về thu nhập của Oanh vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống riêng của con.

Thành tích của Nguyễn Thị Oanh treo trang trọng trên tường nhà. (Ảnh: Tổ Quốc)

Con gái thi đấu quốc tế thành công, giành vinh quang về cho đất nước là điều gia đình luôn tự hào. Mỗi lần Oanh thi đấu, bố mẹ cô lại ngồi trước tivi để trực tiếp theo dõi và cổ vũ. Bố mẹ chính là hậu phương phía sau luôn động viên, ủng hộ Oanh trên con đường đã chọn, cố gắng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Niềm vui, phấn khởi vỡ òa khi con gái liên tiếp giành huy chương vàng tại các nội dung thi tại SEA Games 32.

Trong suốt quá trình con gái đi thi đấu, do lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến lịch thi đấu hoặc tập luyện của con nên ông bà Chuyền không dám gọi điện cho con nhiều. Chỉ có ngày lên đường sang Campuchia thi đấu SEA Games 32, Oanh mới tranh thủ gọi điện về nhà. Ông Chuyền chỉ dặn dò con gái giữ gìn sức khoẻ và cố gắng. Nếu không đạt được thành tích như mong đợi, cũng không sao. Bên cạnh Oanh lúc nào cũng có  bố mẹ, gia đình, người thân. Chính điều đó đã tạo tâm lý thoải mái, góp phần hun đúc một Nguyễn Thị Oanh bản lĩnh và kiên cường.

Bố mẹ là nguồn động lực cho Nguyễn Thị Oanh cố gắng. (Ảnh: Dân Việt)

Bố phụ hồ tự hào khi con gái giành Huy chương Vàng tại SEA Games 32

Ngày 12/5, VĐV điền kinh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Ngọc (Sinh năm 2002, trú xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cùng các đồng đội Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh giành Huy chương Vàng nội dung 4x400m nữ. Trước đó một ngày, Nguyễn Thị Ngọc giành Huy chương Đồng nội dung 400m vượt rào cá nhân.

Nguyễn Thị Ngọc (bên phải) cùng đồng đội giành HCV. (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)

Vì hoàn cảnh gia đình nên mẹ Ngọc là bà Phạm Thị Bình (SN 1973) đi xuất khẩu lao động nhiều năm nay. Còn bố là ông Nguyễn Văn Thành (ở thôn 5, xã Cổ Đạm), hiện đang làm thợ xây. Trước niềm vui chiến thắng của con gái, ông Thành gác lại công việc để đón tiếp người thân, hàng xóm vào ra chung vui. Ông Thành không giấu được niềm tự hào khi người con xuất sắc giành tấm HCV ở bộ môn điền kinh tại SEA Games 32 trên đất Campuchia.

Gia đình không khá giả gì nên từ nhỏ Ngọc đã thiếu thốn đủ bề. Quá trình luyện tập trước khi bước vào kỳ SEA Games 32 là quãng thời gian cực kỳ vất vả với những bài tập đến kiệt sức. Với ý chí quyết tâm, Ngọc luôn cố gắng theo đuổi đam mê, nỗ lực vươn lên để giành được thành tích mà bao người mơ ước.

Biết Ngọc đam mê thể dục thể thao nên gia đình luôn tôn trọng và ủng hộ. Bố mẹ Ngọc luôn là người động viên, tạo điều kiện cho Ngọc theo đuổi đam mê, sự nghiệp của mình. Trên tường ngôi nhà 3 gian của gia đình là cả một tủ kính đựng những chiếc huy chương mà Nguyễn Thị Ngọc đạt được từ các giải đấu diễn ra ở trong nước, khu vực.

Thỉnh thoảng, ông Thành lại bỏ ra lau chùi những tấm huy chương của con gái. (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống)

Người bố luôn hiểu được sự cố gắng vươn lên của con gái nên khi Ngọc lên đường sang Campuchia gọi điện về nhà, ông Thành chỉ nhẹ nhàng dặn con giữ gìn sức khỏe. Gia đình luôn nhắc nhở và động viên Ngọc tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để đạt thành tích tốt hơn.

Mỗi khi người con gái thi đấu, ông Thành lại ngồi trước tivi để trực tiếp theo dõi và cổ vũ. Ông Thành cũng vô cùng căng thẳng khi thấy con gái căng mình về đích. Nhìn con gái nhễ nhại mồ hôi ăn mừng chiến thắng thông qua màn hình tivi, nhiều lần ông bật khóc vì thương con.

Tấm HCV của con là niềm động lực của bà mẹ mắc hiểm nghèo

Chiều 10/5, ở nội dung chung kết 3.000m vượt chướng ngại vật nam, chứng kiến màn trở lại đấu trường SEA Games của VĐV Nguyễn Trung Cường (Sinh năm 2000, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) sau quãng thời gian lận đận vì chấn thương đầu gối và cổ chân. Anh đã vượt qua nhà đương kim vô địch Lê Tiến Long (Sinh năm 2001, quê xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) để giành tấm HCV tại nội dung này.

Bà Nguyễn Thị Nga (Sinh năm 1967, mẹ VĐV Nguyễn Trung Cường) không giấu được niềm tự hào khi xem phần thi của con qua màn hình tivi. Được biết, năm 2019 bà Nga phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp nhưng thành quả của con trai giúp đất nước có thêm 1 HCV Games 32 giúp bà khỏe lại, trẻ ra hơn 5-7 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Nga trân trọng những chiếc cúp, huy chương con trai. (Ảnh: Dân Việt)

Vì hoàn cảnh, gia đình không thể sát cánh cùng Cường tại Campuchia để cổ vũ. Qua màn hình tivi, ông Nguyễn Trung Đát (Sinh năm 1964, bố VĐV Nguyễn Trung Cường) nước mắt trào dâng khi chứng kiến con trai từng bước về đích, trở thành nhà vô địch SEA Games 32.

Không chỉ có năng khiếu thể thao, Nguyễn Trung Cường còn học rất giỏi các môn văn hóa, thường xuyên đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Với hy vọng con cái ổn định, ngay từ nhỏ gia đình đã định hướng cho Cường sau này trở thành bác sĩ hoặc công an.

Nguyên Trung Cường và hành trình gập ghềnh đến với tấm HCV. (Ảnh: TTXVN)

Năm học lớp 9, sau cuộc thi thể dục cấp huyện, được các HLV chú ý tới, muốn đào tạo em trở thành VĐV điền kinh chuyên nghiệp, Cường về xin gia đình theo nghiệp thể thao. Lúc đầu gia đình không đồng ý vì nghĩ nó vất vả. Nhưng sau khi được nhiều người động viên thì gia đình tôn trọng quyết định, lựa chọn của Cường, không áp đặt con.

Cường luôn được thành tích cao, giành nhiều huy chương về cho nước nhà. Giữa nhà có 1 hộp lớn đựng hơn 60 chiếc huy chương của con trai. Mỗi khi khách đến nhà chơi bố mẹ Cường đều tự hào giới thiệu.

Bố mẹ VĐV Nguyễn Trung Cường luôn tự hào về đứa con trai út của gia đình. (Ảnh: Dân Việt)

Có thể thấy, đằng sau những chiến tích lẫy lừng của các vận động viên không thể thiếu được sự ủng hộ hết mình từ phía gia đình. Bạn có cảm nhận thế nào sau khi đọc câu chuyện trên, hãy để lại bình luận nhé!

Quá trình trở thành một vận động viên thể thao chuyên nghiệp thực sự không bao giờ là dễ dàng. Những vận động viên phải chấp hành và tuân thủ một lịch trình tập luyện dày đặc và các chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Không chỉ vậy, nguy cơ chấn thương luôn "rình rập" và là nỗi lo lớn nhất trong sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là một tinh thần quật cường và cố gắng hết sức mỗi lần thi đấu khi khoác trên mình màu cờ, sắc áo nước nhà. Vì vậy, những tấm gương trẻ, vươn lên từ trên sẽ truyền thêm nhiều cảm hứng và niềm tin cho thế hệ trẻ để sống hết mình với đam mê.


Cùng tìm hiểu những câu chuyện ý nghĩa khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook