Hậu phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án AIC: Tranh cãi quanh việc luật sư bào chữa kháng cáo thay thân chủ đang bỏ trốn

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:33:05

Sau phiên tòa sơ thẩm, với mức án 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu và 14 năm tù về tội Đưa hối lộ dành cho bị cáo được xác định là đầu vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), luật sư bào chữa của nữ bị cáo này cùng những người bào chữa cho các bị cáo khác (đều đang bỏ trốn)có đơn kháng cáo bản án.

Theo đó, luật sư chỉ định của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao...

Hiện nhiều người đang băn khoăn về việc luật sư có được quyền kháng cáo thay cho thân chủ của mình?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Hải Hương (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội), nêu quan điểm khoản 2 Điều 331 BLTTHS năm 2015 quy định về chủ thể có quyền kháng cáo nêu rõ: Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa...

Luật sư Nguyễn Hải Hương.

Quy định này nhằm đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người bị hạn chế về năng lực hành vi tố tụng.

Quyền kháng cáo của người bào chữa là độc lập, không phụ thuộc vào việc bị cáo có đồng ý hay không. Việc người bào chữa kháng cáo không loại trừ quyền tự bào chữa của bị cáo.

Theo luật sư Hải Hương, vấn đề không phải ở chỗ luật sư có được kháng cáo thay thân chủ hay không mà là kháng cáo của luật sư có hợp lệ hay không? Về thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo, Điều 334 BLTTHS quy định: Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật này; Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ; Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.

Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.

Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật này.

“Như vậy, người bào chữa là đối tượng được kháng cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 331 nên khi họ có đơn kháng cáo, Toà vẫn phải nhận đơn và xem xét những vấn đề: Có hay không căn cứ chứng minh bị cáo được luật sư kháng cáo có thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 331 hay không? Nếu có căn cứ thì thực hiện thủ tục nhận đơn kháng cáo. Nếu không có căn cứ chứng minh thì trả đơn theo quy định tại khoản 5 Điều 334 mà tôi đã nêu ở trên”, luật sư Hương nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Minh Châu (đoàn Luật sư Hà Nội) lại cho rằng đây là trường hợp quá hi hữu, chưa từng xảy ra. Theo hồ sơ vụ án thì bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn sinh năm 1969, không phải là “người dưới 18 tuổi”.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu.

Về yếu tố bị cáo là “người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất” thì trong suốt các giai đoạn tố tụng từ khởi tố, truy tố đến xét xử, chưa có bất cứ căn cứ nào chứng minh bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là “người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.

Trong khi đó luật sư Bùi Phan Anh (thuộc Công ty Luật Sen Vàng) lại cho rằng theo quy định hiện hành, với trường hợp của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì  luật sư không có quyền kháng cáo. Luật sư chỉ có thể kháng cáo thay trừ khi có văn bản ủy quyền của thân chủ.


Theo quy định, việc chấp nhận hay bác đơn kháng cáo sẽ do HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định khi mở phiên tòa phúc thẩm trong thời gian tới.


Trước khi diễn ra phiên tòa, Bộ Công an đã yêu cầu các bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để hưởng khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa. Song, đến ngày xét xử, các bị cáo này vẫn “biệt tăm” nên tòa án đã chỉ định các luật sư bào chữa khi xét xử vắng mặt.


Theo bản án hình sự sơ thẩm, các bị cáo đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tòa tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm tù; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) 5 năm tù; và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiến) 4 năm tù.


Ánh Dương (thực hiện)

Chia sẻ Facebook