Hậu duệ nhà Mạc trở thành Thống binh chỉ huy toàn quân chúa Nguyễn

Chia sẻ Facebook
04/05/2022 02:35:02

Trong khi cụ tổ các đời chúa Nguyễn là Nguyễn Kim một lòng phò tá nhà Lê chống lại nhà Mạc, thì hậu duệ nhà Mạc là Mạc Cảnh Huống lại vào phương nam một lòng phò tá cho chúa Nguyễn.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nguyễn Hoàng vào nam

Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim xây dựng binh lực, đưa hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Ninh lên ngôi Vua, hiệu là Lê Trang Tông, nắm giữ vùng đất phía nam giao tranh với nhà Mạc. Thời kỳ này được lịch sử gọi là Nam Bắc Triều.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng rồi đầu độc giết chết. Lúc này con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm tạm thời trở thành người nắm giữ toàn quân của Nam Triều, sau đó sẽ phải trao quyền lực cho con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Uông.

Nhưng đột nhiên một hôm Nguyễn Uông lăn ra chết không rõ nguyên nhân, em của Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng (tức con thứ của Nguyễn Kim) linh cảm đây là âm mưu của Trịnh Kiểm, người tiếp theo chắc chắn là mình, nên nội vã đến tìm gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm xin chỉ dạy.


Trạng Trình đáp rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” , nghĩa là “Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”.

Dãy Hoành Sơn thuộc địa phận Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng liền nhờ chị ruột là Ngọc Bảo (tức vợ Trịnh Kiểm) xin anh rể cho mình được trấn thủ ở Thuận Hóa. Tháng 10/1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và binh tướng của mình đặt chân đến vùng đất Thuận Quảng, thực hiện kế sách khai phá về phương nam.

Mạc Cảnh Huống cùng gia đình vào nam theo Nguyễn Hoàng

Năm 1564, con út của Mạc Thái Tông là Mạc Cảnh Huống năm ấy được 22 tuổi kết hôn với em gái Nguyễn Hoàng là Nguyễn Thị Ngọc Dương.

Ngọc Dương lúc đó là người con gái tài sắc vẹn toàn lại có ý muốn vào nam với anh mình là Nguyễn Hoàng. Vì tình yêu với vợ mình, năm 1568 Mạc Cảnh Huống đưa cả gia đình vào nam và trở thành trụ cột giúp Nguyễn Hoàng trong cuộc mở cõi về phương nam, xây dựng một Đàng Trong hùng mạnh.

Mạc Cảnh Huống cùng với  Nguyễn Ư Kỷ và Tống Phước Trị trở thành 3 khai quốc công thần của nhà Nguyễn thuở sơ khai. Trong 3 người thì Mạc Cảnh Huống có thời gian phục vụ lâu nhất qua 3 đời Chúa là Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan.

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P1: Đánh Chiêm Thành

Thống binh chỉ huy toàn quân Đàng Trong

Là người có tài về quân sự, Cảnh Huống nắm quyền chỉ huy tối cao trong quân đội, ông đã viết cuốn “binh thư đồ trận” xây dựng quân đội và lên kế hoạch lâu dài đối phó với cướp biển, bình định các bộ tộc Ai Lao thường sang cướp phá, tính kế lâu dài với Chiêm Thành, chúa Trịnh.

Sau khi Trịnh Kiểm mất, con là Trịnh Tùng lên thay thống lĩnh quân nhà Lê chống Mạc. Năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân chiếm được Thăng Long, rồi lập mưu để năm 1593 Nguyễn Hoàng phải ra bắc yết kiến vua Lê Thế Tông. Để giữ chân Nguyễn Hoàng ở bắc, Trịnh Tùng dâng biểu xin Vua phong cho Nguyễn Hoàng làm Trung quân đô đốc phủ tả đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công, từ đó Nguyễn Hoàng phải ở bắc giúp Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc.

Nguyễn Hoàng ở bắc 8 năm cầm quân đánh dẹp loạn đảng cùng quân Mạc, lập nhiều công lớn, đến năm 1600 mới lập mưu để trở về được phương nam. Trong suốt 8 năm ấy Mạc Cảnh Huống thay Chúa cai quản Đàng Trong.

Lúc này bà Ngọc Dương đã lớn tuổi nhưng không có con nên đã xin người con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi là Nguyễn Phúc Nguyên làm con nuôi, và sống trong phủ của Mạc Cảnh Huống. Cảnh Huống có công nuôi dạy Nguyễn Phúc Nguyên khôn lớn sau này kế vị ngôi Chúa và trở thành vị minh quân mở cõi về phương nam.

Năm 1592 khi Trịnh Tùng chiếm Thăng Long, nhà Mạc phải chạy tản mát các nơi. Năm 1593 hai người con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển (anh trai Mạc Cảnh Huống) là Mạc Thị Gia và Mạc Thị Lâu chọn chạy vào phương nam nương nhờ chú mình là Mạc Cảnh Huống.

Sau này Mạc Cảnh Huống liền đưa cháu của mình là Quận chúa Mạc Giai gả cho Nguyễn Phúc Nguyên.

Năm 1611, Chiêm Thành đưa quân quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Mạc Cảnh Huống góp công cùng các tướng đánh bại Chiêm Thành, đồng thời vượt biên giới tiến đánh Hoa Anh. Quân Chiêm thua trận phải chạy đến phía nam đèo Cả, chúa Nguyễn đổi tên Hoa Anh thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân.

Trước những đóp góp to lớn của ông, chúa Nguyễn Hoàng phong cho chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó hay còn được gọi là Thống binh Thái phó.

Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng mất, Mạc Cảnh Huống tiếp tục phụng sự cho các đời Chúa sau này là Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan.

Thời gian này ông dùng đường lối hòa bình để bình định các bộ tộc Ai Lao hay sang cướp phá ở biên giới phía tây năm 1621, lại góp công lớn ngăn chặn các cuộc tấn công của chúa Trịnh vào năm 1627 và 1633.

Mạc Cảnh Huống giúp Đàng Trong xây dựng một đội quân mạnh và tinh nhuệ, những người phương tây ở Đàng Trong vào thời gian này đều có các ghi nhận.


Fiar Dimingo Navarette trong cuốn “Những cuộc du hành và những cuộc tranh luận” viết rằng: “Tôi nghe nhiều lần người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nói rằng, quân đội chúa Nguyễn là những xạ thủ giỏi… Đây là lý do tại sao họ luôn giành ưu thế trong các cuộc đối đầu liên tục với chúa Trịnh”.


Giáo sỹ Cristoforo Borri từng sống ở Đàng Trong từ 1618-1622 đã hết lời ca ngợi đội quân chúa Nguyễn Phúc Nguyên: “Như vậy, ở khắp nơi, ở trên đất liền cũng như trên biển, vang dội tên tuổi quang vinh làm vẻ vang cho phẩm giá của quân đội Đàng Trong”.


Giáo sỹ Metello Saccano nhìn nhận rằng: “Với lực lượng quân sự cực kỳ nhanh nhẹn và đông đảo, chúa Đàng Trong đã giữ vững được kỷ cương trong sự thịnh vượng, an ninh được thần dân kính phục”.

Vì có vai trò quan trọng, nên Mạc Cảnh Huống phải phụng sự mãi đến năm 1638 khi đã 96 tuổi thì chúa Nguyễn Phúc Lan mới cho ông nghỉ hưu.

Cuối đời

Là người có niềm tin vào Phật Pháp, Mạc Cảnh Huống đã cho xây ở làng Cổ Trai (Quảng Trị) Lam Sơn Phật tự.

Khi được nghỉ hưu, Mạc Cảnh Huống chuyên tâm tu luyện, ông chọn làng Trà Kiệu, huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam (nay là xóm Hoàng Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để định cư. Nơi đây sau này trở thành thủy tổ của họ Mạc ở miền trung.

Mạc Cảnh Huống cho trùng tu chùa Bảo Sơn Phúc trên đồi Bảo Châu, rồi làm trụ trì tu luyện tại chùa này với pháp danh là Thuyền Cảnh Chân Tu.

Theo dân làng nơi đây thì Mạc Cảnh Huống sống thọ đến 135 tuổi. Ông đóng ghóp rất lớn cho 2 làng Cổ Trai và Trà Kiệu. Sai khi ông mất người dân hai làng này đều chọn nơi tôn kính nhất để thờ phụng, xem ông như vị phúc Thần bảo hộ cho làng.


Trần Hưng

Chúa Nguyễn Phúc Tần và trận hải chiến lịch sử năm 1644


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook