Hậu COVID trong giáo dục: Làm sao để biến thách thức thành cơ hội?
Đại dịch COVID-19 đã tác động thế nào tới ngành Giáo dục và đâu là giải pháp để biến thách thức thành cơ hội trong giai đoạn hậu COVID?
Hai năm qua, đặc biệt trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề để các vùng miền, cả ở thành thị, nông thôn, miền núi... Số học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến là không hề nhỏ, Cùng với đó, nhiều trẻ mồ côi cha mẹ do dịch bệnh.
Dịch bệnh COVID-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều trẻ lớp 1 chưa đọc thông viết thạo.
Đại dịch COVID-19 mang đến những thách thức lớn ở cả 3 khía cạnh là chất lượng giáo dục, sự thiếu hụt kĩ năng và sự ảnh hưởng lâu dài về tâm lý của học sinh.
Đối với giáo viên, khó khăn chồng chất khó khăn khi vừa phải giảng dạy từ xa trong điều kiện thiếu thốn thiết bị từ cả phía thầy và trò, lại vừa căng sức vượt qua khó khăn về thu nhập trong 2 năm dịch bệnh hoành hành. Thực tế cho thấy, hàng loạt giáo viên mầm non đã phải bỏ nghề vì không có nguồn thu nhập từ công việc nuôi dạy trẻ năm cả năm 2021.
Và ngay khi học sinh được trở lại trường, thầy cô phải đảm nhiệm thêm trọng trách là ổn định tâm lý cho học trò.
Thách thức là rất lớn với ngành Giáo dục trong thời gian tới và giải pháp cho thời kỳ hậu COVID-19 là gì để biến thách thức thành cơ hội, đảm bảo chất lượng dạy và học.
3 khách mời trong toạ đàm 'Hậu COVID trong giáo dục' là: ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội đã cùng bàn luận, đưa ra các giải pháp để làm rõ hơn về vấn đề đang được phụ huynh học sinh và toàn xã hội quan tâm.