Hành trình từ cậu bé bị "thần chết điểm tên" đến chàng trai teo cơ được nể phục

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 11:29:47

Tự chăm sóc bản thân - tự học chữ - tự học sửa chữa đồ điện tử - tự kiếm tiền là hành trình "4 tự" đầy khó khăn của chàng thanh niên bị teo cơ Nguyễn Tiến Hữu.


Biến cố thay đổi cuộc đời

Tôi gặp Nguyễn Tiến Hữu (SN 1999) khi đến Trạm xá xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) - một điểm tránh bão Noru của bà con trong xã. Hình ảnh một thanh niên gầy gò, miệng méo xệch, hai tay, hai chân co quắp, miệng ú ớ những thanh âm không rõ nghĩa,… Tất cả những điều đó cộng lại khiến tôi không dám nhìn lâu bởi lo ngại anh sẽ mặc cảm.


Trong tiếng gió gầm rú, tiếng mưa rơi đập vào cửa kính khu Trạm xá, tiếng ú ớ của Hữu thỉnh thoảng lại vang lên. Chú Lê Phương Bình - cán bộ tư pháp xã Hoài Hải - nói: "Trông vậy thôi nhưng thông minh lắm, năng lượng tích cực của Hữu khiến nhiều người trong xã nể phục".

Câu nói của chú khiến tôi chú ý và quyết định xin số điện thoại, nhắn tin hẹn gặp Hữu vào sáng hôm sau…

6h30 hôm sau, khi những tia nắng bắt đầu ló dạng sau một đêm mưa gió vần vũ, dù có mặt trước điểm hẹn ở ghế đá trước khu nhà tạm trú 30 phút nhưng tôi đã thấy Hữu ở đó, ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn. Đôi mắt sáng, nụ cười co quắp thay cho câu chào của chàng thanh niên 24 tuổi khiến tôi có chút xót xa.

Trong chiếc áo bạc màu, nhưng khác hẳn vẻ rụt rè thường thấy ở những người dân xóm biển, Hữu khá tự tin cười cười, ú ớ những câu từ chẳng thể khiến người nghe hiểu ngay được nhưng cậu chàng vẫn tìm mọi cách để biểu đạt tâm trạng của mình với người đối diện.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu theo một cách đặc biệt, tôi hỏi và Hữu trả lời qua những dòng… tin nhắn được bấm một cách khó nhọc trên điện thoại.

Nguyễn Tiến Hữu (SN 1999) tại Trạm xá xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) - một điểm tránh bão Noru của bà con trong xã


Hữu hiện đang sống tại một xóm chài nghèo thuộc thôn Diêu Quang (xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Người dân nơi đây sống lam lũ quanh năm mà vẫn chẳng dư dật được bao nhiêu. Làng hướng ra đón những cơn gió biển thổi vào, thế nên bọn nhóc nơi đây từ khi ẵm ngửa đứa nào đứa nấy đã sạm đen vì nắng và gió biển.

24 năm trước, 6 năm sau niềm vui chào đón cậu con trai đầu lòng, khi rời quê lên TP.HCM mẹ Hữu mới quyết định sẵn sàng chào đón thêm một thành viên nữa.

Thế nhưng, tai họa ập tới khi cha Hữu bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Nỗi đau đột ngột khiến người phụ nữ 26 tuổi suốt ngày quanh quẩn với chuyện con cá mớ rau muốn ngã quỵ.

Nghĩ đến những tháng ngày đằng đẵng cô đơn phía trước, đến tương lai mịt mùng khi trụ cột gia đình không còn, chị muốn đi theo chồng, nhưng cái đạp nhè nhẹ của đứa con trong bụng khiến chị thức tỉnh.

Chị còn nhiều thứ phải lo lắm, nào là chăm lo cho cậu con trai còn nhỏ vì hoàn cảnh nên đang gửi nhờ nhà ngoại dưới quê chăm sóc, rồi phải để đứa con trong bụng được chào đời, nó có quyền được sống, dù cuộc sống đó có khắc nghiệt cỡ nào.

Sức mạnh của tình mẫu tử khiến chị chôn chặt nỗi đau, đứng dậy vừa làm mẹ vừa thay chồng làm cha của những đứa con. Chị sẽ chứng minh cho anh, mọi người và các con biết chị yêu chồng biết bao nhiêu bằng cách là chị sẽ chăm sóc và nuôi dạy các con trưởng thành.

Thật khó có thể nói hết những khó khăn vất vả của người phụ nữ bất hạnh này phải gánh chịu. Bụng mang dạ chửa nhưng góa phụ trẻ không nề hà bất cứ công việc gì, kể cả những việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông chị cũng lao vào nhận.

Có lần cả ngày vác gạch, xách vữa khiến chị bị động thai, nhưng chị chỉ dám nghỉ ngơi chút ít rồi lại gượng dậy. Bởi các con đang trông cả vào chị. Vất vả là vậy, nhưng sức chị cũng chỉ đủ lo được rau cháo qua ngày.

Hữu chào đời trong giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn tủi phận của mẹ.

Vừa hết cữ, mẹ Hữu lại tất bật đi xin làm thuê, làm mướn. Vì ái ngại sức khỏe của người phụ nữ mới sinh con nên các chủ thầu xây dựng lắc đầu.

Cực chẳng đã, hàng ngày, người đàn bà yếu đuối xin đi rửa bát, chạy bàn thuê tại các quán ăn,… Ngày nào có việc thì kiếm được trăm nghìn. Ngày không ai thuê thì xác định mẹ con húp cháo qua ngày.

Cuộc sống tuy khó khăn trăm bề nhưng chị luôn có động lực vì nghĩ đến những đứa con thơ tíu tít bên mình. Chị luôn hy vọng bé Hữu và anh trai mạnh khỏe, nhanh nhẹn, sau này sẽ là chỗ dựa cho mẹ, nào ngờ…

Hữu sinh ra đã ốm yếu, uống thuốc nhiều hơn uống sữa. Đến hồi được 2 tháng tuổi, không may Hữu bị gãy xương cổ. Mẹ Hữu hoảng loạn chạy khắp nơi mượn được chút tiền đưa cậu đi bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu nói mẹ đưa cậu về nhà “chờ chết”.

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, nguồn sống bỗng dưng lại bị “thần chết” điểm tên, mẹ Hữu quyết không buông tay, ai mách dùng thuốc gì có thể cứu con chị đều áp dụng, còn nước còn tát cũng hơn là để con chờ chết.

Rồi hơi thở của Hữu cũng được giữ lại, nhưng do tác dụng phụ của thuốc, các nhóm cơ cứ dần teo tóp, đến tuổi tập lẫy, tập bò mà Hữu chỉ nằm đâu nằm đó. Mẹ thấy vậy muốn đưa Hữu đi khám nhưng nợ cũ chưa trả hết, làm sao mượn được tiền đưa con đi bệnh viện?

Cái nghèo đôi khi là nguồn cơn của mọi sự bất hạnh, điều này thật đúng với hoàn cảnh của Hữu. Hữu lớn lên như một cây đời mang trong mình sự tàn tật do thiếu tiền chữa trị.

6 tuổi, không ít đêm Hữu nghe tiếng nấc của mẹ, những chiếc hôn mang theo nước mắt mặn chát. Hữu mường tượng dần sự bất hạnh của mình, cảm nhận được nỗi dằn vặt của mẹ với đứa con trai bé bỏng.


Hành trình “4 tự” nhiều nước mắt

Thương mẹ vất vả vừa kiếm tiền nuôi hai anh em, lại phải chăm sóc cho mình từ thìa cơm đến những sinh hoạt nhỏ nhặt nhất, Hữu bắt đầu tự làm mọi thứ. Và Hữu gọi đó là “hành trình 4 tự”: Tự chăm sóc bản thân, tự học chữ, tự học nghề và tự kiếm tiền sinh sống.

Với Hữu hành trình đó đầy gian nan, thách thức cả thể xác lẫn tinh thần. Hành trình đó có cả nước mắt và những giọt máu ứa.


Hành trình làm mọi thứ với đôi chân, đôi tay co quắp gặp không ít khó khăn khiến em nhiều lần hét lên trong bất lực, nhưng nghe tiếng khóc nấc của mẹ, em lại nhủ mình không được bỏ cuộc ”, Hữu "nói".

Những bước di chuyển đầu tiền của Hữu là trườn bò khắp nhà. Việc xúc được thìa cơm lên miệng của người bình thường chỉ tốn vài giây nhưng với Hữu là 4 - 5 phút, thậm chí thìa cơm đưa đến miệng thì đã chẳng còn hạt nào, vương vãi khắp nền nhà.

Bao lần Hữu để bụng đói đi ngủ vì cảm thấy bất lực, thấy giận chính thân thể tàn tật của mình, nhưng cậu nhất định không nhận sự trợ giúp từ mẹ. Chẳng phải Hữu cố chấp, mà Hữu muốn bản thân tự phạt chính mình, tự chịu khổ để mà cố gắng hơn.


Rồi những hạt cơm rơi vãi dưới nền đất thưa dần. Cho đến một ngày mẹ thốt lên: “ Hữu dùng thìa khéo hơn cả anh Hai rồi ” thì Hữu biết, mình đã có được một thành công.

Rồi đến chuyện đi lại, sức khỏe Hữu không quá yếu nhưng không thể ngồi vững trên ghế. Người bình thường đi 10 bước, cậu chỉ bước được 1, 2 bước. Chân tay co cứng, dáng người lảo đảo, ngả sang một bên như chực ngã bất cứ lúc nào.

Vậy là thay vì đi, Hữu chọn cách chà lết trên nền. Không biết đã bao nhiêu lần Hữu phải rơi nước mắt vì đau, di chuyển bị đá, vật nhọn cứa cho sứt tay chân, rớm máu chỉ biết hai bàn tay, chân của cậu giờ đầy chai sẹo.

Được đến trường là ước mơ Hữu không thể đạt được


Hữu bảo, đôi khi sự đấu tranh luôn cần phải có trong cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua thật suôn sẻ, chúng ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh, nghị lực như chúng ta cần phải có, cuộc sống thật công bằng, không phải vô cớ mà mọi điều xảy đến với ta

Ngày 4 - 5 tuổi, nhận thức về sự khác biệt ngoại hình của mình so với bạn bè chưa đủ rõ ràng nên Hữu vẫn hòa đồng, vui vẻ. Tới 6 - 7 tuổi, cảm nhận rõ rệt sự khác biệt nên thấy mặc cảm, ngại ngùng. Từ đó, Hữu dần khép kín, ít tiếp xúc với người ngoài.

Phố phường hoa lệ - Hoa cho người giàu và lệ với người nghèo. Sau những tháng ngày lệ rơi nơi thành phố, mẹ Hữu quyết định khăn gói đưa cậu về nơi mẹ sinh ra, về với làng biển nghèo nhưng đậm nghĩa tình. Về để 3 mẹ con được đoàn tụ, có rau ăn rau, có cháo thì ăn cháo.

Cuộc sống của Hữu bớt cô đơn hơn khi có thêm anh trai bầu bạn, nhưng khao khát được hòa mình với chúng bạn luôn mạnh mẽ trong thân thể nhiều bệnh tật của cậu.

Chiều nào cũng vậy, Hữu nhờ anh trai cõng ra cồn cát đầu làng, ngồi một chỗ kín gần những tán xương rồng, dõi mắt nhìn chúng bạn nô đùa sau buổi tan trường. Cồn cát mênh mông gắn bó với cả tuổi thơ Hữu với những khát khao một lần được bước chân trần in dấu trên cát, một lần được hòa mình với chúng bạn.

Có những ngày, anh trai đưa Hữu ra rồi vội về nhà nấu cơm chiều, mình cậu ngồi lại, chúng bạn chơi đùa mệt thì cũng về hết, cậu vẩn vơ nhìn mây trời mênh mông, dõi ra xa nơi trời cao biển rộng.

Như một thói quen cố hữu, chiều nào Hữu cũng ra bờ biển để ngắm mọi người nô đùa, ngắm những con tàu đang rướn mình hướng về phía làng.


Và cũng giống trai làng biển, Hữu nhận biết được những thay đổi thời tiết, biển xanh chỉ hơi gợn sóng nhưng chỉ có dân miền biển mới rõ, ở trong cái sự phẳng lặng kia, biển đang động lắm.

Rồi cũng như những đứa trẻ làng biển, Hữu cũng ước được hưởng cảm giác dõi mắt đợi chờ một chiếc tàu trong hàng trăm chiếc đang rướn mình hướng về phía làng.

Hữu ước được hưởng cảm giác một cánh tay vạm vỡ của người cha nhấc bổng sau những chuyến đi biển dài ngày, rồi bữa cơm chiều có cha ngồi cạnh nhâm nhi chén rượu kể câu chuyện cả tháng lên đênh trên biển. Còn mẹ vừa ăn vừa thỉnh thoảng lại xoa đầu hai anh em với ánh mắt vô cùng trìu mến như đang ngợi khen sự ngoan ngoãn của con trai mình.

Tất cả những viễn cảnh đó, Hữu xây lên từ những câu chuyện nghe lỏm của đám con trai bằng tuổi mỗi khi ra bãi cát nô đùa. Chứ mất ba từ khi chưa lọt lòng, Hữu đâu biết mùi vị của tình phụ tử như thế nào.

Chẳng bao giờ Hữu dám nghĩ tới chuyện đến trường bởi Hữu biết, với đôi chân, đôi tay co quắp, và sức khỏe yếu, Hữu không thể ngồi lâu, không thể viết được những con chữ ngay ngắn.

Nhưng Hữu phải biết chữ và phải biết viết chữ - dù không bằng cách viết trên tập vở thì cũng bằng những con chữ ngay ngắn trên… bàn phím.


12 tuổi, Hữu nói với mẹ bằng giọng ngọng nghịu mà có lẽ chỉ có người mẹ dùng tình yêu của mình mới hiểu được thanh âm: “ Mẹ dạy con học chữ nha ”.


Hữu nhớ lại: " Bảng chữ cái, các bạn khác phải mất cả tháng để nhớ, em chỉ mất 1 tuần. Nhưng để viết, bạn khác mất 2 phút còn em ngược lại, phải dành 10 phút để viết mà con chữ vẫn xiêu vẹo, đôi khi không thành hình ”.


“Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng!”

Có một thân thể lành lặn cứ nghĩ là chuyện bình thường, tuy nhiên với nhiều người đó lại là một khát khao cháy bỏng. Biết mình thiệt thòi, nhưng chẳng bao giờ Hữu thôi cố gắng. Chẳng ai có thể lựa chọn được nơi mình sinh ra, nhưng lại hoàn toàn tự quyết định được cách đối mặt với cuộc sống.

Không muốn cả cuộc đời bị bó hẹp với bốn bức tường, không muốn sống như thân tầm gửi, Hữu quyết tâm học một cái nghề lận lưng để có thể tự nuôi bản thân, vừa phụ giúp mẹ.

Vì vậy, ngay khi có thể hiểu mặt chữ, Hữu nhờ mẹ mượn những cuốn sách cũ về đọc, nhờ anh trai đưa tới những tiệm sửa chữa đồ điện tử trong làng, nói khéo để người ta cho ngồi nhìn. Dần dần, nhờ quan sát và lân la hỏi chuyện, Hữu sửa được những đồ điện tử đơn giản trong nhà, rồi sửa được điện thoại di động.

Mọi người trong làng cứ có đồ điện hay gặp vấn đề gì khi sử dụng điện thoại đều tìm đến Hữu bởi Hữu nhận “tiền công” theo “hảo tâm” của khách, người thì 10.000 đồng, người 30.000 đồng/lần sửa.

19 tuổi, Hữu có chiếc xe lăn đầu tiên nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và bà con trong xã, Hữu vui đến mức khóc ướt cả tay áo đang mặc. Có xe lăn, việc di chuyển của Hữu không con khó khăn nữa, Hữu có thể tự di chuyển sang các thôn khác để sửa đồ điện tử, bán vé số kiếm thêm thu nhập.

Xe lăn Hữu được bà con trong xã và các nhà hảo tâm tặng để di chuyển dễ dàng hơn.


Nguồn động lực lớn nhất để Hữu vươn lên là sự khắc khổ lam lũ hằn trên da thịt của mẹ. Mẹ là người không ngần ngại lúc nửa đêm Hữu ốm nặng mà phải cõng em chạy băng băng đến trạm xá cách nhà gần 3 km để giành lại sự sống cho đứa con bị tật nguyền.


" Nhìn dáng mẹ hàng ngày lẻ loi đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi hai anh em, em thương lắm mà thân thể vậy nên việc phụ mẹ cũng gặp khó khăn. Sửa điện thoại, đồ điện loanh quanh thì tháng cũng chỉ kiếm được vài ba trăm. Có xe lăn rồi, hai việc cộng lại tháng nào nhiều cũng được hơn triệu đồng đỡ mẹ ”, Hữu chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, Hữu quyết định gom góp tiền và mua trả góp chiếc điện thoại để dùng mạng xã hội “quảng bá” công việc của mình. Đồng thời, biến thế giới mà nhiều người gọi là “ảo” thành nơi truyền những quan điểm tích cực đến mọi người.

“Tàn nhưng không phế” câu nói này luôn đau đáu trong tâm Hữu. Ông trời có thể không cho cậu hình hài lành lặn như người khác nhưng đổi lại, bên trong tấm thân ấy luôn chất chứa khát vọng được yêu thương và nỗ lực để trở thành người có ích.

Sự nỗ lực ấy phải qua đớn đau về thể xác từ việc ăn từng miếng cơm, uống từng ngụm nước đến việc lết trên đất và ngồi trên chiếc xe lăn.


Đâu ai sinh ra muốn mình bị khuyết tật. Mỗi người có một số phận của mình, không ai hoàn hảo hết. Hãy sống với đời, với người để vươn lên trong cuộc sống này. Lý trí kiên cường tương lai là một người có ích mà tiến tới ”, Hữu chia sẻ

Nói không rõ lời, tay cầm bút cũng chẳng thể nhưng bằng chiếc điện thoại của mình, Hữu viết những tin tuyên truyền vận động bà con trong thôn, xã thực hiện chính sách, những lời kêu gọi từ chính quyền với lý lẽ, hình ảnh thuyết phục khiến nhiều người ngạc nhiên.


Tôi trêu Hữu: “ Chắc em là người có danh bạ trên điện thoại nhiều nhất xã Hoài Hải ấy nhỉ? ”, Hữu cười thay câu trả lời.

Thông tin thời sự, lời kêu gọi bà con thực hiện những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được Hữu thể hiện trên trang cá nhân với ngôn ngữ, hình ảnh thuyết phục khiến nhiều người ngạc nhiên.


Từ khi có chiếc điện thoại, công việc “làm ăn” của Hữu cũng “phát đạt” hơn. “ Bà con nhắn tin cho em nhiều lắm khi bị hư ti vi, hỏng cáp không có tín hiệu,… Nhận tin là em tới giúp. Làm xong mọi người đều cho tiền em, người thì 20.000 đồng, người thì 30.000 đồng, ai đưa bao nhiêu em nhận bấy nhiêu ”, Hữu chia sẻ.

Rồi bên công ty viễn thông thấy Hữu thông minh, học hỏi nhanh đã “hợp đồng” với Hữu. Có bà con nào trong thôn gặp trục trặc trong quá trình sử dụng mạng wifi họ đều giao để Hữu tới sửa.

Hữu kể, trong những ngày rong ruổi bán vé số, không ít lần cậu bị rơi hoặc giật mất vé. Hữu buồn lắm, tiếc đứt ruột cả đêm về không ngủ được nữa, bởi mỗi lần như vậy là coi như cả tháng sau đó Hữu làm không công để lấy tiền lời bù vào tiền vốn đã mất.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tháng đó đôi vai của mẹ Hữu lại oằn xuống bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.

Buồn là buồn vậy, nhưng Hữu lại vui ngay, bởi cậu luôn tin, cuộc sống này công bằng lắm, chỉ cần có ý chí, có nghị lực sẽ được đáp đền xứng đáng.

Trước khi chia tay chúng tôi, Hữu “nói” một cách rất triết lý rằng không có khó khăn nào cản bước được khát vọng sống có ích. Nếu không có đôi chân, đôi tay lành lặn thì chúng ta vẫn có thể thực hiện được khát vọng của mình, bằng cái chính yếu nhất của mỗi người là quyết tâm, nghị lực vượt khó.


Căn bệnh teo cơ khiến chân, tay của em dần dần sẽ yếu hơn và có lẽ em cũng không sống được lâu. Em luôn tự nhủ, ngày nào còn được thức dậy thì phải sống trọn vẹn từng ngày, sống lạc quan, hết mình cho ngày hôm nay ”, Hữu tâm sự.

Chia tay Hữu khi ánh mặt trời bắt đầu rực rỡ như quả cầu rực đỏ đặt trên một cái mâm lớn màu xanh lục, gió biển nhẹ nhàng mát rượi. Vị mặn thổi vào khiến con mắt tôi cảm giác cay cay.

Nhìn theo dáng người xiêu vẹo của Hữu trên chiếc xe lăn, tôi mới thấm thía một điều, khiếm khuyết hay bất hạnh không phải là lý do để người ta chối từ cuộc sống này, mà nó là động lực để thúc đẩy người ta chấp nhận thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống.

"Hữu thuộc diện người khuyết tật được Nhà nước hỗ trợ 540.000 đồng/tháng. Gia đình Hữu thuộc diện khó khăn. Em đi lại xiêu vẹo, chủ yếu là chà lết nên được cộng đồng hỗ trợ xe lăn điện để đi bán vé số.

Hữu có tố chất thông minh, có khả năng sửa đồ điện tử. Ai trong thôn, xã có nhu cầu cài đặt hệ thống mạng, ti vi, điện thoại Hữu cũng làm được. Ý chí vươn lên của Hữu khiến nhiều người trong thông, xã nể phục và yêu quý" - Ông La Ngọc Ửng, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Hoài Hải, cho biết.

Chia sẻ Facebook