Hành trình cứu sống bé gái 14 tuổi bị nhiễm Covid-19 nặng
Ngày 2/4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Tp.HCM) vừa cứu sống bé gái bị nhiễm Covid-19 nặng, diễn biến sức khỏe xấu.
Trước đó, tháng 12/2021 Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận ca bệnh đặc biệt, cháu Nguyễn Thị Như Q., 14 tuổi từ Bệnh viện Từ Dũ (Tp.HCM) chuyển đến trong bệnh cảnh nhiễm Covid-19 nguy kịch. Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp
Tại Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ nhanh chóng ghi nhận Q. viêm phổi nặng – nhiễm trùng huyết - suy hô hấp, phải thở máy thông số cao ngay.
Bệnh tình của Q. diễn tiến xấu nhanh, tổn thương đa cơ quan rất nặng nên được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục và điều trị kháng sinh phổ rộng, kháng đông, kháng viêm theo phác đồ Covid-19 nguy kịch.
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng phổi của Q. tiếp tục diễn tiến xấu, tổn thương nặng lan tỏa 2 bên, thở máy thông số cao, có chỉ định sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO- extracorporeal membrane oxygenation).
ECMO là thiết bị hỗ trợ sự sống, có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi, sử dụng cho những bệnh nhân nặng, đe dọa tính mạng. Tự tin với kinh nghiệm cứu sống thành công những ca Covid-19 nguy kịch trước đây, các bác sĩ hồi sức quyết định chạy ECMO cho Q..
Trải qua 80 ngày chạy ECMO, có những lúc tình trạng Q. quá nặng tưởng chừng như không thể qua khỏi, nhưng bằng sự cố gắng hết mình, chăm sóc tận tình, theo dõi sát từng giây phút bên giường bệnh của các y, bác sĩ – điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, đặc biệt là ekip chạy ECMO, bệnh tình của cháu Q. tiến triển tốt hơn, Q. dần hồi phục, ngưng được ECMO và cai máy thở một cách thần kỳ.
Tuy nhiên Q. còn viêm phổi nặng phải thở áp lực dương liên tục qua mũi nên được chuyển đến Khoa Hô hấp 1 tiếp tục điều trị.
Sau thời gian dài chống chọi bệnh nặng, cháu Q. có nhiều tổn thương về thể chất cũng như tâm lý, các bác sĩ Khoa Hô Hấp đã phối hợp cùng Khoa Dinh dưỡng, Vật lý trị liệu, Tâm lý xây dựng các liệu pháp phục hồi chức năng tối ưu nhất cho Q.
Em được tập vật lí trị liệu hô hấp mỗi ngày để cải thiện chức năng phổi và chống dày dính màng phổi. Các chuyên gia dinh dưỡng theo dõi, tối ưu hóa chế độ ăn, bổ sung thêm năng lượng, các vitamin và khoáng chất cần thiết trong giai đoạn bệnh nặng để giúp Q. dễ hấp thu, phục hồi nhanh chóng, hỗ trợ tối đa cho việc điều trị bệnh.
Trong sự chăm sóc và yêu thương của gia đình cùng sự hỗ trợ tâm lý tích cực cho em của các y, bác sĩ tại Khoa Hô hấp, Q. đã bắt đầu tiếp xúc vui vẻ hơn với mọi người xung quanh, hằng ngày gọi điện thoại để nhìn mặt, nói chuyện và cười với thành viên trong gia đình.
Tất cả những điều đó tiếp thêm sức mạnh cho em, giúp sức khỏe và chức năng phổi Q. tiến triển tốt dần theo thời gian, em giảm khó thở, được chuyển sang thở oxy, có thể ăn uống tốt hơn và bắt đầu tự đi lại được.
Sau tổng cộng 108 ngày chiến đấu với bệnh tật, cháu Q. được xuất viện về nhà đoàn tụ trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Câu chuyện tưởng chừng như phép màu được viết lên từ sự nỗ lực, sự phối hợp ăn ý của tập thể y bác sĩ, khẳng định sự phát triển hồi sức chuyên sâu vững mạnh trong công tác điều trị bệnh nhi.