Hành trình bóc gỡ đường dây lừa đảo 100 tỷ đồng bán thuốc trị nám

Chia sẻ Facebook
17/07/2023 14:52:15

Hàng nghìn người trên cả nước đã mắc bẫy đường dây lừa đảo quy mô bán thuốc “trị nám Bà Nhàn”.


Vòi bạch tuộc của đường dây lừa đảo

Đầu tháng 6/2023, Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của chị T. trú trên địa bàn, về việc: Vào tháng 08/2022, chị sử dụng tài khoản facebook của mình tìm kiếm sản phẩm chức năng trị tàn nhang thì biết đến trang facebook “Bà Nhàn Tặng Ưu Đãi Trị Nám Tết Quý Mão - Gọi 0919.880.330”. Sau đó, chị T. liên hệ trang facebook này mua 06 đơn sản phẩm trị nám với tổng trị giá 16 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo ban chuyên án, quyết tâm bóc gỡ đường dây lừa đảo.

Đến khoảng đầu tháng 4/2023, có người tự xưng là nhân viên gọi cho chị T. hỏi dùng sản phẩm có hiệu quả không?. Biết chị T. dùng sản phẩm không hiệu quả nên hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho chị T. Sau đó, các tài khoản zalo mang tên “Đình Phong” và “Anh Giám Đốc” thường xuyên liên lạc và yêu cầu chị T. chuyển khoản tiền phí làm hồ sơ qua nhiều số tài khoản khác nhau với tổng số tiền là 116.950.000 đồng. Tuy nhiên, chị T. vẫn không nhận được tiền bồi thường sản phẩm. Biết đã bị lừa nên chị T. trình báo sự việc này tới cơ quan công an.

Sau khi tiếp nhận tin báo, qua xác minh ban đầu, CQĐT Công an huyện Thạch Hà xác định, đây là một tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp “núp bóng” doanh nghiệp, với số lượng bị hại lên đến hàng nghìn người. Riêng tại Hà Tĩnh có 5 nạn nhân bị công ty này lừa chiếm đoạt 500 triệu đồng. Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Thạch Hà chủ lực, phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) lập chuyên án, vào cuộc điều tra, tập trung đấu tranh, làm rõ.

Ngô Duy Khánh là đối tượng đứng sau đường dây này.

Quá trình điều tra, Công an huyện Thạch Hà xác định đứng sau đường dây này là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) làm tổng giám đốc.


Theo đó, tháng 11/2021, Ngô Duy Khánh thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh (Công ty  Khang Thịnh - mã số thuế 0109816131, địa chỉ đóng tại tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội ) để kinh doanh thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp (trị nám, tàn nhang) với thương hiệu “Trị nám bà Nhàn”.

Trang facebook “Bà Nhàn Tặng Ưu Đãi Trị Nám Tết Quý Mão - Gọi 0919880330” do các đối tượng lập ra để tiếp cận “con mồi”.

Để phát triển mạng lưới khắp toàn quốc, Khánh đã “tuyển” 7 Phó Tổng Giám đốc công ty gồm: Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An); Trần Văn Lộc (SN 1993, trú tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, Thái Nguyên); Vũ Nhật Nam (SN 2002, trú tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định); Nguyễn Đức Toàn (SN 2000, trú tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định); Nguyễn Lan Anh (SN 1997, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội); Thiều Thu Thảo (SN 2000, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ); Phạm Thị Mến (SN 1996, trú tại thôn Nậm Chữ, xã Bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai).

Quá trình hoạt động từ cuối 2021 đến nay, Công ty Khang Thịnh “đẻ” ra 8 chi nhánh trên toàn quốc, mỗi chi nhánh có từ 10 - 15 người.


Vạch trần thủ đoạn lừa đảo

Bằng biện pháp nghiệp vụ, CQĐT xác định, Công ty Khang Thịnh dưới sự điều hành của Khánh được tổ chức rất chuyên nghiệp. Khánh chia công ty thành 2 bộ phận gồm: Marketing và bán hàng.

Ban lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp lấy lời khai các đối tượng trong đường dây.

Bộ phận Marketing: Chịu trách nhiệm chạy quảng cáo trên các nền tảng Facebook, Youtube cho sản phẩm trị nám mang thương hiệu “Bà Nhàm Trị Nám Tàn Nhang”, “Trị Nám bà Nhàn”, “Lương y Giang Thị Nhàn”,… Sau khi khách hàng tiếp cận các trang fanpage và để lại số điện thoại, nhân viên marketing sẽ đẩy các số điện thoại của khách hàng vào trang web quản lý thông tin đơn hàng có địa chỉ winmax1.com.

Còn bộ phận tư vấn bán hàng thì các nhân viên sau khi được tuyển vào làm việc được công ty cung cấp các sim điện thoại không chính chủ để gọi điện tư vấn sản phẩm. Đồng thời, nhân viên cũng sử dụng các tài khoản Zalo được công ty tạo sẵn hoặc tự tạo để liên lạc với khách hàng.

Nhân viên bán hàng gọi điện vào các số điện thoại của khách hàng trên trang web winmax1.com, tự giới thiệu là “Bà Nhàn” hay nhân viên trị nám của trung tâm trị nám Bà Nhàn, tư vấn cho khách hàng theo các kịch bản được công ty chuẩn bị sẵn. Nhiệm vụ của nhân viên là tư vấn để khách mua nhiều sản phẩm, nhiều liệu trình nhất có thể, từ đó tăng doanh số bán hàng.

Các sản phẩm mà Công ty Khang Thịnh bán cho khách hàng có nhãn hiệu ghi bên ngoài là “Sắc Ngọc Đan”, “Hồng Tâm Đan”, “Vitamin E”…

Nhóm đối tượng đã chạy quảng cáo trên mạng xã hội, tăng lượng tiếp cận với nhiều chủ tài khoản facebook để quảng bá sản phẩm nhằm lừa đảo.

Dưới sự chỉ đạo của Khánh và Thương, sau khi khách hàng mua sản phẩm được vài ngày, nhân viên tư vấn tiếp tục liên lạc với khách thông qua gọi điện trực tiếp hoặc zalo, hỏi về việc khách sử dụng sản phẩm có hiệu quả không, nếu không hiệu quả thì khách có thể làm hồ sơ “bảo hành” để hoàn lại số tiền đã mua sản phẩm, nhưng trên thực tế là không có việc làm hồ sơ bảo hành hay hoàn lại tiền mua sản phẩm.

Nếu khách hàng đồng ý làm hồ sơ “bảo hành” thì nhân viên đề nghị khách chuyển tiền vào các số tài khoản theo yêu cầu. Để tạo sự tin tưởng, nhiều nhân viên cùng liên lạc tư vấn “bảo hành” cho một khách hàng, vào nhiều vai khác nhau như trưởng bộ phận bảo hành, giám đốc, trưởng khoa,…

Sau khi khách đã chuyển tiền, nhân viên tư vấn tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để khách tin rằng mình đã được làm hồ sơ “bảo hành” và yêu cầu khách chuyển thêm tiền. Đánh trúng vào tâm lý muốn lấy lại tiền khi khách sử dụng sản phẩm không có hiệu quả, các nhân viên tư vấn đã nhiều lần yêu cầu khách chuyển tiền. Số tài khoản ngân hàng nhận tiền của khách là tài khoản của bưu tá (nhân viên chuyển phát của bưu điện) mà nhân viên tư vấn của Khang Thịnh quen biết từ trước.

Mỗi lần khách chuyển tiền theo yêu cầu, nhân viên sẽ tạo một đơn hàng COD (thanh toán xong mới nhận hàng) về địa chỉ gần nơi bưu tá làm việc rồi tự mình liên hệ với bưu tá, nói rằng số tiền vừa chuyển vào tài khoản là để thanh toán tiền đơn hàng. Như vậy, số tiền “bảo hành” mà nhân viên tư vấn lừa khách được hợp thức hóa thành các đơn hàng của Công ty Khang Thịnh.

CQĐT thu giữ tang vật của nhóm đối tượng.

Bằng phương thức, thủ đoạn nói trên, Ngô Duy Khánh, Nguyễn Thị Huyền Thương chỉ đạo phó Giám đốc và nhân viên các chi nhánh tư vấn làm hồ sơ “bảo hành” hoàn tiền sản phẩm, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn bị hại trên toàn quốc với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28/6, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các Phòng nghiệp vụ (Công an tỉnh Hà Tĩnh) và Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông, TP Hà Nội) huy động 80 cán bộ, chiến sĩ xuất phát trong đêm, kiểm tra đột xuất 2 địa điểm làm việc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh tại Hà Nội.


Quá trình bắt giữ, khám xét tại 2 địa điểm của công ty này, tổ công tác đã triệu tập làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan. Hiện, CQĐT Công an huyện Thạch Hà đã ra quyết định khởi tố 16 bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Duy Khánh cùng 07 phó tổng Giám đốc nói trên.

Đây là một chuyên án mà CQĐT đã tập trung “trí và lực” để vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng tinh vi, bóc gỡ hoàn toàn đường dây lừa đảo quy mô. Với tính chất phức tạp của đường dây này, CQĐT đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Chia sẻ Facebook