Hạnh phúc thực sự đến từ nội tâm biết bằng lòng

Chia sẻ Facebook
08/07/2023 08:23:03

Cổ ngữ nói: "Thượng Đế sẽ không tập trung hết hạnh phúc lên thân một người". Sự phong phú trong đời sống tinh thần và sự thanh thản...


Có câu thành ngữ rằng “Thượng Đế sẽ không tập trung hết hạnh phúc lên thân một người” hay “Thượng Đế không cho ai quá nhiều thứ bao giờ”. Một người có được tình yêu thì sẽ thiếu tiền bạc, một người có tiền bạc thì lại thiếu niềm hạnh phúc… Bởi vậy, biết đủ, biết thỏa mãn với những gì mình đang có là cách duy nhất để hạnh phúc thực sự. Đó cũng là đạo lý “thấy đủ thường vui” của người xưa.

(Ảnh minh họa: OULAILAX NAKHONE, Shutterstock)


“Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa cơm”. Chúng ta đều biết rằng ban đêm nằm ngủ không cần quá nhiều diện tích. Phòng ngủ, giường ngủ thông thường đều không thể rộng, bởi vì ngủ ở nơi quá rộng thì năng lượng của con người bị tản mát, tất sẽ khó ngủ ngon. Mỗi bữa ăn, chúng ta cũng không thể ăn nhiều hơn khẩu phần của một người, ăn quá nhiều thì tất sẽ khó chịu, thậm chí phải nôn ra.

Đạo lý của đủ đơn giản là không quá đầy, cũng không quá vơi, vậy mà rất nhiều người lại thường xuyên mong muốn sở hữu nhiều hơn những gì mình đang có. Cũng rất nhiều người sau khi đạt được thật nhiều rồi mới nhận ra rằng sở hữu không khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Dục vọng của con người là vô hạn, mà những thứ chúng ta thực sự cần chỉ là hữu hạn mà thôi.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều người làm việc cật lực để mua sắm những thứ xa xỉ nhất, nhà lầu, xe hơi, v.v.. Ngay cả sau khi đạt được điều đó bằng việc phải mang một khoản nợ lớn trong rất nhiều năm, họ vẫn có nhiều, rất nhiều ham muốn vật chất khác. Kết quả của việc truy cầu bất tận ấy là họ luôn mang theo áp lực và sự mệt mỏi.

Người như vậy chưa hiểu được rằng sự thỏa mãn trong đời sống vật chất là ngắn ngủi và tạm bợ. Chính sự phong phú trong đời sống tinh thần và sự thanh thản trong nội tâm mới khiến con người vui vẻ thoải mái. Một đời sống phong phú thực sự bắt nguồn từ một nội tâm biết bằng lòng, biết thỏa mãn với những gì mình đang có.


Có một nhà văn từng viết rằng: “Người ta chỉ nghèo khi họ cảm thấy mình nghèo, và sự nghèo khó nằm trong cảm giác nghèo”. Chỉ khi chúng ta học được cách bằng lòng và trân quý, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự vui vẻ trong nội tâm, đồng thời vượt thoát khỏi những thất vọng và than phiền.


Trong cuốn sách “Hội xương giải di” , có ghi chép một câu chuyện đáng suy ngẫm liên quan đến hiểu biết của người xưa về thái độ bằng lòng biết đủ, “vui với số mệnh trời cho” như vậy.

Thời nhà Đường có một vị quan tên là Khúc Tư Minh, là Lệnh sử của Sử bộ. Sử bộ tham gia vào việc tuyển chọn quan viên, mỗi năm tuyển chọn quan viên cho các phủ thử, dựa theo thông lệ thì mỗi phủ có thể tuyển chọn một viên ngoại. Đợi đến cuộc thảo luận, mọi người đều có thể xin tiến cử. Tuy nhiên trong suốt hai năm, chỉ có Khúc Tư Minh là không tự tiến cử mình hay người khác.


Thượng thư Sử bộ lúc đó là Triệu Đông Hy có nói với Khúc Tư Minh rằng: “Theo thông lệ tuyển chọn quan viên. Mỗi phủ thử nên giành được một chức quan, tiến cử người khác cũng là một điều tốt”. Khúc Tư Minh không nói gì, chỉ ậm ừ đáp lại rồi lui ra ngoài.


Triệu Đông Hy thấy vậy càng cảm giác kỳ quặc. Một hôm, ông gọi Khúc Tư Minh đến nói rằng: “Dựa vào quyền thế hiện giờ của ta, trong hơn ba ngàn người ứng thí này, chỉ cần ta phẩy bút một cái, là có thể từ nghèo hóa giàu, vứt bỏ nghèo hèn đạt được phú quý, kẻ nào đói kẻ nào no, đều do ngòi bút này của ta quyết định, ai cũng có khẩn cầu của mình, sao chỉ mình ngươi là im lặng, lý do là gì?”.


Khúc Tư Minh nói: “Con người sống hay chết đều do số mệnh quyết định. Phú quý là do trời định, chức quan nếu phải tới thì sẽ tới, nếu không được thì hà tất phải buồn phiền? Hơn ba ngàn người, mỗi một chức quan gắn với tên của ai, tất cả đều do số mệnh quyết định, chỉ là mượn bút của Thượng thư mà thôi. Tại hạ tự biết vận mệnh của mình vẫn chưa được, nên không dám đến làm phiền ngài.”


Triệu Đông Hy nói: “Theo như ngươi nói thì ngươi thông thái, có thể biết trước được họa phúc của mình?”. Khúc Tư Minh nói: “Tại hạ không dám nhận là thông thái, năm tới, Khúc Tư Minh nhờ Thượng thư mới được ban cho một chức quan, nên không dám đòi hỏi gì thêm.”


Triệu Đông Hy nói: “Năm tới ngươi làm chức quan gì?”. Khúc Tư Minh nói: “Chuyện này tại hạ quên rồi”. Triệu Đông Hy nói: “Tại sao?” . Khúc Tư Minh nói: “Bây giờ để tại hạ viết ngày tháng mà Thượng thư trao cho tại hạ chức quan trong năm tới, cùng với bổng lộc là bao nhiêu, xin Thượng thư dán kín, khoét một lỗ nhỏ trên tường phòng khách, rồi giấu mấy chữ tại hạ viết vào, lấy đất bịt kín lại. Nếu như năm sau ngày tháng nhận chức quan sai một chữ, tại hạ sẽ chết dưới bậc thềm này.”

Nói xong Khúc Tư Minh liền cáo từ rời đi. Triệu Đông Hy trong lòng thầm trách Khúc Tư Minh quá ngông cuồng hoang đường.


Bẵng đi một thời gian, đột nhiên Hoàng thượng đến suối nước nóng, bắt gặp cảnh tượng “bạch lộc thăng thiên” (nai trắng bay lên trời), vì thế đổi tên huyện Hội Xương thành huyện Chiêu Ứng, ra lệnh cho Sử bộ, phê chuẩn quan viên cho nơi đó. Triệu Đông Hy lập tức phê chuẩn cho Khúc Tư Minh.


Sau khi mọi chuyện xong xuôi, Triệu Đông Hy gọi Khúc Tư Minh đến hỏi: “Hoàng thượng đến suối nước nóng, thấy bạch lộc thăng thiên, nên đổi huyện đó thành Chiêu Ứng. Huyện đó một vạn năm cũng không thể sánh với Trường An, giờ ta đã ký danh cho ngươi đến đó làm quan. Sao ngươi có thể biết trước được chứ?”.


Khúc Tư Minh đa tạ nói: “Mời Thượng thư bỏ tờ giấy giấu ở hốc tường ra kiểm tra”. Triệu Đông Hy liền mở tờ ghi chép giấu trong tường ra xem, chỉ thấy bên trên viết, năm sau nhằm ngày này tháng này, hoàng thượng đến suối nước nóng, đổi tên huyện nọ thành Chiêu Ứng, ra lệnh bổ nhiệm các chức quan, còn có bổng lộc là bao nhiêu, không sai một chữ.


Trong các tư liệu mà người thời xưa lưu truyền lại, dù là chính sử, dã sử, kinh sách hay các thể loại ghi chép dân gian khác như “ký” , “truyện” , “diễn nghĩa” , v.v.. đều có ghi chép về những người có tiềm năng đặc biệt, có thể biết rõ họa phúc, cát hung, nhỏ thì hiểu rõ mệnh của người, lớn thì có thể biết được sự hưng suy của xã tắc triều đại, tiên đoán không sai lệch một điểm. Ngay trong thời hiện đại, vẫn có những lời đoán mệnh, bói sự, từ công danh sự nghiệp, hôn nhân, đến chuyện đại nạn sống chết, làm người ta phải giật mình vì tính chuẩn xác. Vì sao lại như vậy?


Người quân tử xưa hiểu biết mệnh số do Trời nên chỉ chuyên tâm sống sao cho đúng đạo, cái gì của mình sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì có muốn cũng chẳng được. Họ tin rằng “Phú quý do Trời” , bởi vậy họ biết bằng lòng và sống hòa hợp với Thiên lý. Đó là lựa chọn của bậc trí giả, của người giác ngộ hiểu thấu lẽ đời.

Khi một người bị chìm đắm bởi lòng tham thì rất có thể vận may của người đó sẽ mất đi mãi mãi. Nếu một người không hài lòng và trân quý những gì mình đang có, người ấy sẽ vắt kiệt toàn bộ cuộc đời mình trong những truy cầu thế tục và sẽ không bao giờ trở thành một người giàu có thực sự. Đó là bởi vì hạnh phúc thật sự đến từ một nội tâm không thiếu thốn, đến từ tâm thái biết bằng lòng.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook