'Hạnh phúc không phải điều mơ hồ, mà là kỹ năng có thể học được'

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 21:17:20

Với những người phụ nữ làm mẹ đơn thân, dù đóng vai siêu nhân hay nạn nhân, cả hai cách này đều có thể kéo họ ra xa 2 chữ hạnh phúc.

Chị Trần Thị Lệ Hằng, hiện sống tại TP.HCM - Ảnh do nhân vật cung cấp


"Rất khó để chạm đến, nhưng cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chạm đúng huyệt, sẽ giúp họ thay đổi rất nhiều" - chị Trần Thị Lệ Hằng, người sáng lập chương trình Kỷ luật yêu thương , chuyên gia tại tổ chức Points Of You toàn cầu, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về chủ đề "Mẹ đơn thân hạnh phúc" nhân Ngày quốc tế hạnh phúc 20-3.


Chạm thành công, xa hạnh phúc

* Theo chị, khi lựa chọn là mẹ đơn thân, người phụ nữ đối diện với những áp lực, rào cản nào trong cuộc sống?

- Hiện nay, có một nhóm bạn trẻ lựa chọn cách làm mẹ đơn thân chủ động. Cá nhân tôi không ủng hộ lựa chọn đó - cả với tư cách người mẹ và người làm giáo dục, cũng bởi người mẹ đang quyết định thay việc con không có bố.

Tôi thường hướng đến việc hỗ trợ đối tượng phụ nữ đã ly thân, ly hôn, mất chồng, thậm chí cả những người đơn độc trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Với mẹ đơn thân, đa phần thường có 2 xu hướng: hoặc là đổ lỗi, trách cứ, đóng vai "nạn nhân"; hoặc là đóng vai "siêu nhân" mạnh mẽ không cần ai hỗ trợ.

Với vai nạn nhân, ban đầu họ sẽ nhận được sự thương cảm, thông cảm của người xung quanh. Núp ở vai đó sẽ cho họ cảm giác được vỗ về, đỡ đi cảm giác chịu trách nhiệm cho những điều không như ý diễn ra trong cuộc sống.

Còn ở vai siêu nhân, sẽ khó hơn rất nhiều. Ở vai này, người phụ nữ thành công trong mắt mọi người, được mọi người tán dương mạnh mẽ. Họ gồng mình lên mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Thế nhưng, những người này bên ngoài rất cứng, song bên trong thường tan nát, tổn thương. Sự gồng lên đó cho họ có cảm giác làm được nhiều thứ, thậm chí dễ chạm đến thành công, nhưng rất xa hạnh phúc.


Mẹ đơn thân phải đối diện với rất nhiều áp lực: từ gia đình, xã hội, áp lực tài chính, không đủ thời gian. Nhưng lớn nhất chính là cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân mình. Việc lựa chọn "vai" nạn nhân hay siêu nhân đôi khi không hẳn là chủ ý của họ, đó cũng là cách để họ tồn tại được trước những áp lực khi trở thành mẹ đơn thân.

* Khi đã giúp họ nhìn ra được họ đang ở "vai" nào, có những cách nào để kéo họ gần hơn với hạnh phúc, thưa chị?

- Có những bà mẹ đơn thân tìm đến và nói với tôi rằng, họ thấy mình như đang ngập trong bùn, mông lung, hoang mang, bối rối và không biết bắt đầu từ đâu.

Ban đầu hầu hết đang rất hận người cũ, năng lượng giận dữ trong họ rất nhiều, hoặc là trong lòng đang ẩn chứa rất nhiều vết thương.


Thường thì tôi lắng nghe, thấu hiểu và hướng họ quay về kết nối với chính mình, nhìn thấy mình "như mình chính là", để yêu thương, dịu dàng với chính mình và đón nhận những nguồn lực hỗ trợ. Bởi lẽ, dù là đang thở than, oán trách, mặc cảm, tự ti hay đang gồng lên làm "siêu nhân", thực ra ẩn sâu bên trong họ vẫn là nhu cầu cơ bản của con người: mong muốn mình có giá trị, và được gắn kết.

Chúng tôi chỉ ra cho họ thấy được áp lực đang đối diện, giúp họ nhóm lại, mạch lạc, rõ ràng hơn. Sau đó, phân tích cho họ biết đang là ai, đang ở đâu, đang đóng vai trò gì, chỉ cho họ còn con đường khác, còn bức tranh khác, giúp họ nhận ra cần phải quay về trạng thái cân bằng, từ đó, hướng đến các kỹ năng để tìm thấy hạnh phúc.


Học kỹ năng, tìm hạnh phúc

Cha mẹ hạnh phúc chính là món quà lớn nhất họ có thể dành cho con cái - Ảnh: Kỷ Luật Yêu Thương

* Nhắc đến kỹ năng tìm hạnh phúc, chị có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Theo nghiên cứu, có 3 yếu tố chính tác động đến hạnh phúc: gene di truyền (chiếm 50%), thói quen/ hoạt động có chủ đích (chiếm 40%) và 10% còn lại là yếu tố hoàn cảnh.

Với yếu tố di truyền, chúng ta không thể quyết định được. Với yếu tố hoàn cảnh, đôi khi mình không chủ động được. Nhưng với thói quen/ hoạt động có chủ đích, yếu tố này hoàn toàn nằm trong tay chúng ta.


Có nhiều kỹ năng để thực hành hạnh phúc. Với mẹ đơn thân, chúng tôi đưa ra 3 kỹ năng: học tập trung vào bản thân, bắt đầu tự khẳng định với bản thân và học cách trân trọng từng khoảnh khắc. Trong đó, chúng tôi đưa ra những hoạt động thực hành cụ thể như "mở khóa trái tim", thực hành trong tình huống với con, nói lời tự khẳng định bản thân v.v… để từ đó, các mẹ đơn thân có thể trân quý chính mình, cũng như cải thiện mối quan hệ với con cái.


Việc mẹ đơn thân yêu bản thân mình, có một cuộc sống tương thuộc với con cái nhưng độc lập, khỏe mạnh về mặt cảm xúc thì không những giúp họ trở thành người hạnh phúc, mà còn giúp cho đứa con không phải gồng gánh trách nhiệm, không vô tình trở thành nạn nhân trong gia đình mà người bố không sống chung. Đôi khi một gia đình tan vỡ, hoàn toàn có thể mang đến cơ hội để đứa trẻ có thêm 4 ông bố - bà mẹ hạnh phúc, hoặc ít nhất con ở trong một không gian văn minh, hạnh phúc.

Đã đến lúc mẹ đơn thân nhận ra, chuyện làm tổn thương một đứa trẻ lớn nhất không phải là câu chuyện của ba mẹ ly hôn, mà là ba mẹ ứng xử thế nào sau cuộc ly hôn đó. Cách vì con tốt nhất chính là bản thân họ phải hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là điều gì mơ hồ đâu, nó là một kỹ năng có thể học được.

"Mình không thấy mình có giá trị thì chẳng ai thấy được điều đó" - Ảnh: Kỷ Luật Yêu Thương

* Là mẹ đơn thân, chị thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại chứ?


- Tôi đang hạnh phúc. Tôi từng ly hôn và từng trả giá để hiểu rõ giá trị của việc kết nối với bản thân và yêu thương chính mình. Năng lượng nuôi dưỡng và bản năng làm mẹ của người phụ nữ là món quà của tạo hóa, nhưng đôi khi dễ khiến mình hi sinh cho người khác đến quên mình. Quên mình vì chồng con không những khiến mình không thực sự hạnh phúc mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những người mà mình luôn coi là số 1.

Khi mình không hiểu được giá trị của bản thân, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn tương tự. Mình không yêu mình thì không ai yêu mình được. "Bạn đào tạo người khác cách người ta đối xử với bạn" là vì vậy!

Nhận ra vấn đề của bản thân, tôi cũng đã từng bước thực hành để vun đắp lại mối quan hệ với chính mình, từ đó cải thiện mối quan hệ với người khác. Tôi nhớ lần đầu tiên nói ra cảm xúc khó của mình, hay kiên định đưa ra nhu cầu và mong muốn của mình với người khác đã khó khăn với tôi đến thế nào.


Nhưng dần dần khi mình càng trân quý mình thì mình tương tác với chính mình và người khác càng chân thật và thân mật hơn. Những kết nối sâu sắc nảy sinh từ đó.


Tôi nhận ra, mình không yêu mình thì chẳng ai yêu mình được, mình không thấy được mình là người có giá trị thì chẳng ai thấy được điều đó.

Khi bắt đầu yêu chính mình, dịu dàng hơn với chính mình, tha thứ cho chính mình, thì dần dần mối quan hệ, cách nhìn của họ với người kia cũng sẽ êm ái hơn. Khi có tình yêu với chính mình, chúng ta không bao giờ thấy mình cô đơn mà luôn có một nơi để trở về

TRẦN THỊ LỆ HẰNG

Diệp Roll là DOP (đạo diễn hình ảnh) có tiếng trong nghề. Một lần gặp lại, khi tôi hỏi về tình yêu của Diệp, bỗng dưng Diệp trầm ngâm nhưng rồi một ánh sáng tình yêu vẫn được thắp lên trong câu chuyện mà khởi đi là một nỗi buồn.

Chia sẻ Facebook