Hành động sớm để tránh những hậu quả thảm khốc do hạn hán

Chia sẻ Facebook
19/06/2022 00:24:36

Hạn hán là một phần của hệ thống tự nhiên và con người, trong thế kỷ trước đã khiến hơn 10 triệu người thiệt mạng, kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỷ USD, nhưng những gì chúng ta đang trải qua bây giờ còn tồi tệ hơn nhiều.

Lòng sông Po ở Boretto, đông bắc Parma, Italy, khô cạn do hạn hán ngày 15/6/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo báo cáo về hạn hán năm 2022 được công bố tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hoá (UNCCD) lần thứ 15 diễn ra tháng trước tại Côte d’Ivoire, hạn hán chiếm 15% các thảm họa thiên nhiên nhưng gây thiệt hại về người lớn nhất, cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trong giai đoạn từ năm 1970-2019.

Trong thế kỷ trước, hơn 10 triệu người thiệt mạng do các vấn đề liên quan đến hạn hán, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỷ USD và dự báo con số này vẫn tiếp tục tăng. Các đợt hạn hán ảnh hưởng tới châu Phi nhiều hơn các châu lục khác với trên 300 đợt hạn hán được ghi nhận trong vòng 100 năm qua, chiếm tới 44% tổng số đợt hạn hán trên toàn cầu. Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại châu Á cao nhất toàn cầu. Khoảng 12 triệu ha đất bị mất do hạn hán và sa mạc hoá, 40% diện tích đất trên toàn thế giới bị suy thoái, 48% hệ sinh thái trên cạn bị đe doạ...

Theo Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw: “Hạn hán là một phần của hệ thống tự nhiên và con người, nhưng những gì chúng ta đang trải qua bây giờ còn tồi tệ hơn nhiều, phần lớn là do hoạt động của con người.” Tình trạng hồ Sawa, có chiều dài khoảng 4,5km, rộng khoảng 1,8km, và từng được ví như "hòn ngọc phía Nam của Iraq", hiện cạn khô, là minh chứng điển hình cho cảnh báo này.

Hồ Sawa được cho là hình thành từ năm 570 sau Công nguyên, nơi hàng nghìn tín đồ tôn giáo đến thăm hằng năm để đắm mình trong vùng nước thiêng của hồ. Năm nay là lần đầu tiên trong suốt hàng thế kỷ qua, hồ này trơ đáy. Từng là một vùng đất ngập nước đa dạng sinh học, lưu vực hồ Sawa ngày nay bị thu nhỏ thành một cái ao tù, xung quanh là vùng đất hoang. Các chuyên gia cho biết tình trạng hồ Sawa có liên quan đến hoạt động của các nhà máy xi măng và khu sản xuất gần đó, chủ yếu là việc đào hàng nghìn giếng khoan trái phép, kết hợp với hạn hán do biến đổi khí hậu..

Theo số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố năm 2021, số lượng và thời gian các đợt hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 nếu so sánh với 2 thập kỷ trước đó. Miền Tây nước Mỹ đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.200 năm khi vào tháng 2 năm ngoái, có tới 95% diện tích các bang miền Tây ghi nhận tình trạng hạn hán, trong khi mực nước ở hai hồ chứa nước lớn nhất vùng Bắc Mỹ là hồ Mead và Powell đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ. Năm nay, đa số các khu vực của Bồ Đào Nha đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng sau khi ghi nhận tháng 5 nóng nhất kể từ năm 1931. Hạn hán ở khu vực Sừng châu Phi đã khiến ít nhất 18,4 triệu người, trong đó hơn 7,1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đe dọa gây ra tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất  tại khu vực này trong 40 năm qua.

Với tốc độ như hiện nay, UNCCD dự báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nguy cơ hạn hán tại các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới, cụ thể là tại các khu vực đông dân cư, cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương và thách thức an ninh lương thực. Dự báo tới năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến 75% dân số thế giới. Ngân hàng Thế giới ước tính có tới 216 triệu người có thể phải rời đi nơi khác vào năm 2050, chủ yếu do hạn hán, cùng với các yếu tố khác như khan hiếm nước, sản lượng mùa màng giảm sút, nước biển dâng và bùng nổ dân số. Trong vòng vài thập niên tới, 129 quốc gia sẽ phải trải qua tác hại hạn hán ngày càng nhiều chủ yếu do biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 3 độ C vào năm 2100, dự báo những thiệt hại do hạn hán sẽ cao hơn gấp 5 lần so với hiện nay. Đến năm 2050, khoảng 4,8 – 5,7 tỷ người sẽ sống trong các khu vực thiếu nước trong ít nhất 1 tháng, trong khi hiện nay, con số này là 3,6 tỷ người.

Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng giữa ngã tư đường. Chúng ta cần hướng tới các giải pháp thay vì tiếp tục các hành động phá hoại". Chính bởi tính cấp thiết đó mà ngày Thế giới chống sa mạc hoá và hạn hán năm nay 17/6, LHQ đã lựa chọn chủ đề “Chung tay vượt qua hạn hán” (Rising up from drought together) để nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động sớm để tránh những hậu quả thảm khốc cho nhân loại và hệ sinh thái hành tinh

Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn các loại đất màu mỡ, nguồn nước, trồng rừng để tái tạo lại cảnh quan, lớp phủ thực vật,… là những chìa khoá quan trọng giúp ngăn ngừa sa mạc hóa và phục hồi sau hạn hán. Đây cũng chính là mục tiêu số 15 trong các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.

Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia UNCCD vừa qua, các nhà lãnh đạo đã cam kết thiết lập một khuôn khổ toàn cầu, mang tính ràng buộc pháp lý về hạn hán, cải thiện hệ thống giám sát và cảnh báo, phát triển quan hệ đối tác hiệu quả hơn và huy động vốn để chống sa mạc hoá. Đây là một phần trong sáng kiến mới của UNCCD nhằm chuyển từ cách tiếp cận dựa trên phản ứng, dựa trên khủng hoảng sang phương pháp quản lý hạn hán “chủ động” và giảm thiểu rủi ro.

Quan trọng hơn cả vẫn là việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về sa mạc hoá và hạn hán, đồng thời để mọi người hiểu được rằng những vấn đề này có thể được giải quyết một cách hiệu quả “thông qua sự khéo léo, cam kết và đoàn kết”.

Tham gia và ký kết UNCCD từ năm 1998, Việt Nam là thành viên thứ 134 của công ước này. Thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ công ước, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều nội dung. Thông qua những chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành hay đề án trồng 1 tỷ cây xanh..., Việt Nam từng bước đạt được kết quả “kép”: vừa chống suy thoái đất, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất. Hiện Việt Nam đang xây dựng kế hoạch Khô hạn quốc gia và điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.

Năm nay, Tây Ban Nha, một trong những nước châu Âu dễ bị sa mạc hoá với gần ¾ lãnh thổ đã và có nguy cơ bị ảnh hưởng, đăng cai tổ chức Ngày thế giới chống sa mạc hoá và hạn hán. Phó Thủ tướng Tây Ban Nha kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái và Thách thức nhân khẩu học Teresa Ribera Rodríguez gửi đi thông điệp rằng: “Hạn hán không chỉ là không có mưa; đó còn là hậu quả của suy thoái đất và biến đổi khí hậu. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua những tác động nghiêm trọng của nó đối với con người và thiên nhiên trên toàn thế giới. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ để chống lại hạn hán vì tương lai của chúng ta.”.

Trung Quốc công bố "tuổi thật" của Tam Tinh Đôi và hàng nghìn cổ vật: Có 1 thứ độc nhất!

Chia sẻ Facebook