Hãng xe công nghệ tăng giá cước vì áp lực giá xăng

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 12:10:27

Để bù đắp chi phí vận hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và biến động về giá xăng, một số ứng dụng kết nối vận chuyển đã phải tính đến việc tăng giá cước.


Với trung bình một ngày khoảng 2 chục cuốc xe, giờ đây, anh Đăng phải chi số tiền đổ xăng gấp đôi so với trước. Chưa kể, anh còn phải chi thêm các phần hao phí nhỏ khác như sửa chữa, bảo dưỡng xe. Theo anh, đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng khách đặt xe ít đi bởi mọi chi phí tăng thêm đều do áp lực từ giá xăng.


"Ngày xưa đổ 100 nghìn đồng đi dc 1 ngày. Bây giờ phải đổ 170 - 180 nghìn. Ảnh hưởng nhiều lắm!" - anh Trần Văn Đăng, tài xế Grab Bike, chia sẻ.


Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng gần 30%. Chính vì thế, các hãng xe công nghệ buộc phải tính toán đến giá cước vận tải. Và việc điều chỉnh này là để thích ứng với biến động thị trường đồng thời khuyến khích tài xế tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

"Vừa rồi có điều chỉnh chút ít đỡ cho tài xế nhưng giá xăng tăng nên không thấm vào đâu. Xăng tăng thì các dịch vụ cũng tăng lên hết, khách hàng cũng bị hạn chế di chuyển"


Theo các doanh nghiệp vận tải, chi phí xăng dầu chiếm từ 35% giá vốn của ngành kinh doanh vận tải. Tại Bến xe miền Đông, hầu hết các hãng xe phải tính đến phương án giảm chuyến để cắt bớt phần lỗ trong thời điểm xăng dầu tăng.

"Thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải rất nhiều. Doanh nghiệp vận tải giảm quy mô hoạt động giảm công suất hoạt động tại các bến xe. Bến xe miền Đông đã nhận được hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng cước phí đối với 22 doanh nghiệp vận tải có điều chỉnh tăng giá vé với mức điều chỉnh bình quân khoảng 26 %"


Cước phí tăng nhưng các tài xế vẫn gặp khó vì phải tự chi trả tiền xăng, các khoản phí bảo dưỡng, sửa chữa... Do vậy, nhiều người mong muốn giá xăng dầu sớm được điều chỉnh bình ổn để họ có thể bám trụ với nghề.

Chia sẻ Facebook