Hàng triệu người Trung Quốc tranh nhau một công việc "trong mơ": Đọc về đãi ngộ ai cũng ham nhưng xem tỷ lệ chọi thì "choáng"

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 13:44:51

Giữa tình hình kinh tế nhiều biến động, giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi thi công chức.


Nhân tài chờ được "săn"

Là một sinh viên Đại học Bắc Kinh ưu tú, Lynn Lau đã mong đợi dịp các công ty tư nhân lớn của Trung Quốc sẽ tiến vào khuôn viên các trường đại học vào mùa hè này để "săn" nhân tài.

Tuy nhiên, trước việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ, nhiều nhà tuyển dụng đã dừng việc đi tìm nhân tài trong năm nay.

Mong muốn của cha mẹ Lau rằng cô có một công việc công chức an toàn đột nhiên lại trở nên có ý nghĩa vào thời điểm này.

Lau nói: "Vào thời điểm này năm ngoái, tôi thấy các bạn cùng lớp mình đã nhận được lời mời từ các công ty lớn, nhưng sau đó, số phận của chính những công ty này cũng đang trong tình thế không chắc chắn."


Tỷ lệ chọi rất cao

Lau nằm trong số hơn 2,6 triệu người đã đăng kí kỳ thi công chức toàn quốc, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Có 37.000 vị trí cần tuyển ở cấp chính quyền trung ương và hàng chục nghìn vị trí cần tuyển ở cấp tỉnh và thành phố.

Những công việc này đang nhận được sự quan tâm kỷ lục trong năm ngay cả khi tình trạng thiếu tiền mặt ở một số thành phố đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lương công chức. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, một số vị trí có tới 6.000 ứng cử viên nộp hồ sơ và tỷ lệ chọi trung bình của đợt thi công chức năm nay là 1/70.

Các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, tài chính hoặc gia sư đang sa thải hàng chục nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ trong năm nay đạt mức kỷ lục 20%.

Trong khi đó số học sinh dự kiến sẽ tốt nghiệp vào năm tới là cao chưa từng có, 11,6 triệu sinh viên - tương đương với toàn bộ dân số của Bỉ. Đảm bảo việc làm cho những sinh viên này sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc.

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết, nhu cầu được làm công chức đã tăng lên. "Lý do cho xu hướng này là rất rõ rằng: chính là tâm lý tiêu cực, sợ hãi về tương lai," bà nói.

Những người làm việc trong các khu vực tư nhân đang nhận thấy các điều kiện khắt khe hơn trong một nền kinh tế đang có biến động, thị trường bất động sản suy yếu và nhu cầu giảm đối với hàng xuất khẩu.

Giới trẻ Trung Quốc đã xôn xao bình luận trên mạng xã hội, gọi công chức là một vị trí an toàn nhất trong một môi trường nhiều biến động như hiện nay.

Tuy nhiên, Reuters cho biết, kỳ thi công chức dự kiến diễn ra vào ngày 3-4/12 nhưng sau đó đã bị hoãn lại do sự bùng phát của Covid-19. Hiện chưa có lịch thi mới nào được công bố. Điều này càng làm tăng thêm căng thẳng cho kỳ thi.

Trong các nhóm WeChat (mạng xã hội nội địa Trung Quốc), học sinh chia sẻ các mẹo để cải thiện điểm số của mình và cùng là chỗ dựa tinh thần cho nhau khi đang chờ thông báo thi tuyển.


Sự ổn định?

Shangshang, sinh viên năm cuối, 21 tuổi ở tỉnh Vân Nam cho biết công chức mang lại rất nhiều sự ổn định.

Cũng theo Reuters, các gia đình ở Trung Quốc cảm thấy rất tự hào khi con cái họ được đảm nhận các vị trí trong nhà nước.

Những công việc này có mức thu nhập khoảng 14.000 USD (hơn 341 triệu)/năm. Con số này có thể lớn gấp 3-4 lần nếu được làm việc tại các thành phố lớn ven biển. Số tiền này thường cao hơn nhiều so với mức lương nhận được khi làm ở các công ty tư nhân. Cùng với đó, công chức thường có thêm những trợ cấp khác như về vấn đề nhà ở.

Vào năm 2021, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, một chức vụ sĩ quan cấp cơ sở tại chính quyền cấp thị trấn có thể được trả 160.000 nhân dân tệ (khoảng 570 triệu đồng) một năm, hoặc hơn. Nhân viên chính thức của một phòng ban cấp huyện tại Thâm Quyến có thể kiếm được mức lương hàng năm hơn 300.000 nhân dân tệ (1,1 tỷ đồng).

Để so sánh, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc đạt 32.189 nhân dân tệ (115 triệu đồng) vào năm 2020, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Những lý do này khiến công chức trở thành một công việc được yêu thích, mặc dù chính quyền thành phố một số tỉnh như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Phúc Kiến đã cắt giảm tới 1/3 lương của công chức trong năm nay, Reuters trích thông tin từ 6 công chức và một số bài báo địa phương nước này cho hay.

Chen, một sinh viên luật 25 tuổi ở Quảng Châu, nhận thức được việc cắt giảm lương và hạn chế nhưng khẳng định công việc nhà nước là lựa chọn tốt nhất của cô và học từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày cho kỳ thi. “Tình trạng hiện tại của thị trường việc làm chắc chắn càng làm tăng thêm mong muốn trở thành công chức của tôi,” cô nói.

Chia sẻ Facebook