Hàng trăm nhân sự VTV tham gia chiến dịch SEA Games: Nỗ lực xứng tầm Truyền hình chủ nhà
Tham gia chiến dịch SEA Games 31 với vai trò đơn vị nòng cốt của truyền hình chủ nhà, VTV đã điều động một lực lượng đông đảo và lành nghề phục vụ Đại hội.
Sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á – SEA Games 31 vừa chính thức khép lại với nhiều dư vị ngọt ngào cho thể thao Việt Nam. Với Đài truyền hình Việt Nam, đây cũng là sự kiện đáng nhớ khi VTV là đơn vị nòng cốt giữ vai trò truyền hình chủ nhà tại SEA Games lần này. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự kiện cũng như vị thế của đơn vị truyền hình chủ nhà, lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong Đài cùng đồng hành với Ban Sản xuất các chương trình Thể thao (Ban Thể thao VTV) – đơn vị trọng yếu trong việc tổ chức sản xuất nội dung và phân phối tín hiệu truyền hình phục vụ SEA Games lần này.
Tham gia vào chiến dịch SEA Games 31 bên cạnh đội ngũ biên tập viên, quay phim viên, kỹ thuật viên… "thiện chiến" của Ban Thể thao VTV còn có nhân sự từ các đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam như Ban Khoa giáo, Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Ban Thanh thiếu niên, Trung tâm sản xuất nội dung số (VTV Digital)…
Tự cập nhật để thích nghi
Dù sở trường không phải sản xuất các nội dung về thể thao, tuy nhiên, nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến dịch SEA Games, mỗi cán bộ công nhân viên VTV đều nỗ lực học hỏi, thích nghi để bắt kịp với công việc cường độ cao, tính liên tục của các sự kiện, không ngừng nâng cao tay nghề, làm sao để gửi tới khán giả trong nước – quốc tế những khuôn hình chất lượng, đẹp mắt, xứng tầm Đài truyền hình quốc gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền hình chủ nhà.
Đạo diễn Trần Quý (Ban Khoa giáo) từng được khán giả biết đến qua bộ phim tài liệu đặc sắc trên sóng VTV - "Ba mùa", khi nhận nhiệm vụ tại SEA Games 31, anh cho biết đã đặt ra yêu cầu cho bản thân và ê-kíp chịu sự chỉ đạo của mình phải tự "update". Nói về trải nghiệm tại SEA Games 31, đạo diễn Trần Quý cho hay bản thân là người hâm mộ Billard và ít nhiều có kinh nghiệm sản xuất chương trình về bộ môn này, anh đã yêu cầu ê-kíp thực hiện phải tự học luật trước khi làm nhiệm vụ.
"Trong ê-kíp của tôi có những người lần đầu thực hiện nhiệm vụ tại SEA Games và gần như chưa có kiến thức về bộ môn Billard. Ở đây là chưa biết về luật chơi, chưa biết về cách tính điểm, về các kỹ thuật đánh bóng, nên thành ra trước khi Đại hội bắt đầu thì mình đã tổ chức cho các bạn một buổi tập huấn trong 3 ngày. Tôi đã có mời cả huấn luyện viên Billard của đội tuyển quốc gia Việt Nam về để hướng dẫn về từng nội dung thi đấu một. Toàn bộ ê kíp gần 30 người đã đều tham gia training đầy đủ để học, hiểu phần nào về bộ môn Billiard này" – đạo diễn Trần Quý chia sẻ - "Bộ môn Billiard Sports này có một cái đặc thù là thời gian thi đấu của nó không giống các môn khác. Bộ môn này thì 1 ngày sẽ có ba lượt đấu, vào 10h sáng, 14h chiều và 18h tối. Tuy nhiên những trận đấu Billard thì không bó hẹp về mặt thời gian, có trận thì chỉ 1 tiếng là xong nhưng cũng có những trận đấu kéo dài lên tới 3, 4 tiếng. Có những ngày 10h bọn tôi lên sóng trực tiếp trận đấu đầu tiên, mà đến gần 14h, sát với lượt 2 mới kết thúc, thành ra nhiều khi anh em cũng không kịp ăn uống nghỉ trưa".
Là 1 thành viên thuộc ê-kíp của đạo diễn Trần Quý, BTV Huyền Châu cho biết: "Cách đây 18 năm vào SEA Games 22 cũng tổ chức tại Việt Nam, tôi cũng đã được tham gia với vai trò là một tình nguyện viên. Khi đấy tôi đang là sinh viên của đại học Ngoại Ngữ - đại học Quốc Gia Hà Nội, thì tôi cũng đã làm tình nguyện viên ở trung tâm báo chí. Lần này, với vai trò một biên tập viên, làm việc trong một ê kíp của truyền thông nước chủ nhà thì thực sự đây là một trải nghiệm cực kỳ mới mẻ."
Chia sẻ về những ngón "nhà nghề" được anh và ê-kíp thi triển cho môn Billard, đạo diễn Trần Quý nói thêm: "Về mặt hình ảnh, sản xuất hình ảnh truyền hình của thể thao và phim tài liệu khác nhau nhiều lắm. Thể thao là tình huống, là thời điểm, là giây phút. Nó giống như là một người đi chụp ảnh nghệ thuật vậy, người ta phải bắt được đúng cái giây, cái phút, cái thời điểm ấy. Nó có thần thái, cảm xúc mà mình cần phải thể hiện được."
"Chẳng hạn như trong trận đấu, cơ thủ đánh ăn được những bi khó, hay chẳng hạn người ta bị phạm lỗi, đánh trượt,... thì mình phải thể hiện được cái cảm xúc của người ta ngay, không như những chương trình trước mình làm như phim tài liệu, talkshow,... thì thường có rất nhiều cảnh tĩnh. Nhất là bộ môn Billard này có một cái đặc thù là mỗi nội dung thi đấu nó lại có một luật khác nhau, cách tính điểm khác nhau, thành ra là mình phải thực sự hiểu bộ môn để biết được lúc nào cần phải quay cái gì, tình huống này là như nào, cảm xúc của vận động viên như nào, dùng cú máy như nào để thể hiện được cách cơ thủ đánh được con bi xuống lỗ... Rất nhiều thứ chi tiết phải thể hiện. Bộ môn Billard này mình đánh giá là khó cho những người làm, nhất là với những người làm ở đơn vị khác, không phải về thể thao. Để đạt được thành công này thì mọi người trong ê kíp đã rất cố gắng, rất kiên trì".
Linh hoạt phối hợp, đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt nhất tới bạn bè quốc tế
Giống đạo diễn Trần Quý, 1 nhân sự khác trực thuộc Ban Khoa giáo, đạo diễn Trần Hiếu cũng đã phải học hỏi thêm tài liệu, kinh nghiệm để có được những hình ảnh chất lượng truyền về IBC (Trung tâm Báo chí Quốc tế) phục vụ SEA Games. Khi được phân nội dung Vovinam, cá nhân anh cùng các đồng nghiệp khác trong ê-kíp cũng phải tìm đọc tài liệu về luật thi đấu, các đòn thế… rồi từ đó làm sao để bố trí các góc máy và nhân sự phù hợp, để truyền tải được không khí của môn võ mà mình sản xuất hình ảnh truyền hình.
Bên cạnh đó, đạo diễn Trần Hiếu cũng cho biết, lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo quán triệt về việc linh động trong các phương án phối hợp sản xuất nội dung SEA Games 31. Trong quá trình thực hiện chiến dịch SEA Games, nhân sự VTV cũng nhận được sự phối hợp rất hiệu quả từ các đài truyền hình khác như Truyền hình nhân dân, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình ANTV...
Cùng với đó là công tác giám sát cũng phải được đảm bảo tuyệt đối. Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Tổng đạo diễn chiến dịch SEA Games 31 trên sóng VTV, cũng thường xuyên xuất hiện tại các địa điểm thi đấu để đôn đốc, hướng dẫn các đồng nghiệp từ nhiều đơn vị khác, làm sao để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra sai sót trên sóng.
Kết quả, trải qua những ngày làm việc liên tục tới mức ăn uống sinh hoạt không đảm bảo giờ giấc nhưng khi mỗi nội dung thi đấu kết thúc, tất cả những người khoác lên mình chiếc áo và trách nhiệm của Truyền hình chủ nhà đều thở phào nhẹ nhõm.
Quay phim viên Chu Thanh (VTV Digital) cũng là nhân vật có nhiều trải nghiệm với SEA Games lần này. Thuộc biên chế Trung tâm Sản xuất phát triển nội dung số, lại được biết đến là người đứng bấm máy cho không ít những phóng sự mang thương hiệu VTV Digital những năm qua ( Giải Báo chí quốc gia 2020 - Táo tợn ổ nhóm lừa đảo bệnh nhân ung thư trước cổng viện K - Anh Tuấn/Chu Thanh ), nhưng khi tác nghiệp tại SEA Games, bản thân anh cũng có những kỷ niệm. Sản xuất nội dung Thể thao mới thấy đặc thù nghề nghiệp của các đồng nghiệp vất vả như thế nào. Chỉ cần lơ là 1 giây thôi, một khoảnh khắc đầy cảm xúc sẽ trôi đi. Được đồng hành cùng phóng viên thể thao VTV cũng là cơ hội để tôi học hỏi thêm những mảng mới, chắc chắn sẽ có ích cho công việc của tôi sau này.. – Quay phim viên Chu Thanh chia sẻ.
Còn rất nhiều, rất nhiều… gương mặt nữa của VTV tham gia chiến dịch SEA Games lần này mà nội dung bài viết không thể kể hết. Chỉ biết rằng, SEA Games 31 vừa khép lại có thể nói là những ngày không quên đối với những người làm báo tại Việt Nam nói chung, những người làm truyền hình nói riêng và càng đặc biệt hơn với những cán bộ, nhân viên của VTV – đơn vị giữ vai trò nòng cốt của truyền hình chủ nhà.