Hàng trăm công ty Trung Quốc sắp bị 'trục xuất' khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, có cả JD.com và Pinduoduo

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:36:24

Khoảng 200 công ty đang niêm yết tại New York nhưng có công ty mẹ đặt trụ sở ở Trung Quốc sắp bị "trục xuất".


Tờ Bloomberg đưa tin, các nhà chức trách Trung Quốc đã bổ sung thêm hơn 80 công ty gồm cả JD.com, Pinduoduo và Bilibili vào danh sách mở rộng các công ty có khả năng đối mặt với việc "trục xuất" khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Nguyên nhân được cho là phía Bắc Kinh đã từ chối cho phép kiểm toán tài chính với những doanh nghiệp này.

Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vào thứ 4 đã đưa tên nhưng tập đoàn này vào danh sách những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đối mặt với việc bị hủy niêm yết dưới một điều luật năm 2020. Một vài công ty Trung Quốc lớn nhất đã giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán Mỹ gồm cả China Petroleum & Chemical, JinkoSolar Holdings, NetEase và NIO cũng được bổ sung tên vào danh sách.

Cơ quan quản lý ở phố Wall dự kiến sẽ có đợt trấn áp khoảng 200 công ty đang niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán New York nhưng có công ty mẹ đặt trụ sở ở Trung Quốc bởi họ từ chối cho phép các quan chức Mỹ thanh tra. Việc công khai danh sách kể trên của SEC trong nhiều tuần qua đã khiến các nhà đầu tư lo sợ, nhất là khi trước đó họ vẫn hy vọng về một thỏa thuận được thiết lập giữa Bắc Kinh và Washington.

Hồi cuối tháng 6, Didi Global đã ra mắt sàn chứng khoán New York trong sự kỳ vọng và nhanh chóng thu hút được số vốn đầu tư trị giá 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, gió đã đảo chiều nhanh chóng, khi Didi liên tục phải đối mặt với sức ép lớn từ giới chức Trung Quốc do những lo ngại rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Hệ quả là giá cổ phiếu của Didi Global đã lao dốc tới 44% so với thời điểm mới IPO và giờ đây là việc phải hủy niêm yết.

Cuối năm 2020, Tổng thống Donald Trump khi còn đương nhiệm đã ký thông qua luật cấm doanh nghiệp nước ngoài niêm yết cổ phiếu tại Mỹ nếu hồ sơ kiểm toán 3 năm gần nhất của doanh nghiệp đó không được cơ quan quản lý Mỹ xem xét kỹ lưỡng.

Việc thông qua luật yêu cầu trách nhiệm giải trình với doanh nghiệp nước ngoài (HFCAA) sau gần 1 thập kỷ thất bại cho thấy giới chức quản lý Mỹ và Trung Quốc đã không thể trung hòa được những kỳ vọng khác biệt liên quan đến việc hoạt động kiểm toán sẽ được tiến hành như thế nào.

Để tìm cách tránh những tác động, nhiều công ty Trung Quốc phải niêm yết cổ phiếu song song trên sàn Mỹ và sàn Hồng Kông. Đầu tiên là Alibaba và sau đó đã có khoảng 15 doanh nghiệp nữa có bước đi tương tự.


Đã nhiều năm nay, cơ quan quản lý Mỹ không ngừng phàn nàn rằng họ không bao giờ có được sự minh bạch cần thiết liên quan đến việc kiểm toán các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ bởi phía Trung Quốc không thường xuyên nộp giấy tờ sổ sách cần thiết.

Ngoài áp lực từ phía Mỹ, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn tại chính quê nhà. Khoảng 2 năm nay, Bắc Kinh đã ra tay chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ khi có quá nhiều công ty phát triển nhanh, vượt tầm kiểm soát. Alibaba là một trong những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nhất, ngoài khoản phạt 2,8 tỷ USD, tập đoàn này còn bị dừng kế hoạch IPO chi nhánh tài chính Ant, kéo theo loạt yêu cầu tái cơ cấu sau đó.


Nguồn: Bloomberg


Phương Linh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook