Hãng tin CBC của Canada buộc phải đóng cửa chi nhánh tại Bắc Kinh

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 14:08:47

Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada (CBC) đang đóng cửa văn phòng thông tấn của mình ở Bắc Kinh sau hơn 40 năm hoạt động tại Trung Quốc.

CBC đang đóng cửa chi nhánh tại Bắc Kinh sau hơn 4 thập kỷ hoạt động tại Trung Quốc. (Ảnh CBC tại Toronto Canada – Nguồn: JHVEPhoto/ Shutterstock)

Nguyên nhân là do đơn xin cấp thị thực làm việc của phóng viên CBC với các cơ quan chức năng Trung Quốc đã không được xử lý trong một thời gian dài, thậm chí không có một lời hồi âm.


Tổng biên tập Brodie Fenlon của CBC đã công bố quyết định này trong một bài đăng trên blog vào ngày 2/11. Ông viết: “Không có ý nghĩa gì khi giữ một văn phòng không có người, trong khi chúng ta có thể thành lập một văn phòng tại quốc gia khác một cách thuận lợi, nơi chào đón các nhà báo, và tôn trọng giám sát tin tức.”


“Đóng cửa chi nhánh Bắc Kinh là điều chúng tôi không muốn làm nhất, chúng tôi buộc phải làm vậy,” ông Fenlon nói.


“Cam kết của chúng tôi trong việc đưa tin về Trung Quốc và Đông Á là không thay đổi. Chúng tôi sẽ bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà mới trong vài tháng tới.”

Trước đó, ông cho biết CBC sẽ chỉ cử người tới đó khi có tin tức quan trọng.

Đồng thời trong vòng 2 năm tới, ông Philippe Leblanc, phóng viên của đài phát thanh tiếng Pháp của CBC, Canada (Radio-Canada), vốn trú tại Bắc Kinh, sẽ bắt đầu làm việc ở một vị trí mới ở Đài Loan.

Trải nghiệm bất lực khi xin thị thực Trung Quốc

Ông Fenlon cho biết từ tháng 10/2020, CBC đã nhiều lần đàm phán, và yêu cầu gặp Lãnh sự quán Chính phủ Trung Quốc tại thành phố Montreal, Canada, nhằm xin thị thực cho phóng viên Leblanc của Radio-Canada sang Trung Quốc, nhưng không thành công.


Phóng viên cuối cùng của CBC tại Bắc Kinh, ông Saša Petricic, đã về nước sau khi Chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh chính sách “Zero-COVID”.

Kể từ đó, CBC chỉ đến Trung Quốc một lần, để đưa tin về Olympic Mùa đông 2022. Nhưng tại Thế vận hội đó, các phóng viên bị giới hạn trong các tuyến đường khứ hồi, và địa điểm thể thao được kiểm soát chặt chẽ, ông Fenlon nói.


Trong một bài đăng trên blog về việc đưa tin của CBC trong kỳ Olympic, ông viết: “Các đội tin tức của chúng tôi không thể di chuyển tự do như ở các kỳ Thế vận hội khác. Họ không thể tìm thấy những câu chuyện bên ngoài địa điểm Thế vận hội. Những nỗ lực thu thập thông tin của họ sẽ bị theo dõi, và có khả năng bị xâm phạm.”

Ngày 4/2, trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Sjoerd den Daas, phóng viên trú tại Trung Quốc của Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan (NOS), đã bị xô đẩy bởi một người đàn ông mặc thường phục đeo phù hiệu đỏ của phía Trung Quốc, bị cưỡng chế phải rời khỏi cảnh quay khi đang phát trực tiếp Thế vận hội. Cảnh tượng này khiến nữ MC Hà Lan trong trường quay ngẩn người vì bất ngờ.


Tờ NOS cũng đã tweet: “Các phóng viên của chúng tôi … đã bị an ninh kéo khỏi máy quay. Thật không may, điều này đang dần trở thành hiện thực hàng ngày đối với các phóng viên ở Trung Quốc.”


Vào tháng Một, một báo cáo do “Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc” công bố: “Tự do báo chí ở Trung Quốc đang suy giảm với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, điều này thật đáng lo ngại.”

Báo cáo cũng cho biết các quan chức chính phủ ở Trung Quốc đã sử dụng đại dịch COVID-19 như một cái cớ, để trì hoãn việc phê duyệt thị thực cho các nhà báo mới, hủy các chuyến đi báo cáo, và từ chối các yêu cầu phỏng vấn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo cáo độc lập, chính xác và công bằng


Ông Fenlon viết trong bài đăng trên blog của mình: “Báo chí là hành động tìm kiếm và nói lên sự thật, được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn nghề nghiệp như tính độc lập, chính xác và công bằng. Nó liên quan đến việc thu thập và kiểm tra các sự kiện, thử thách các giả định, tìm ra những người chịu trách nhiệm, đóng vai trò là nhân chứng khi các sự kiện tin tức diễn ra – dù báo cáo của chúng tôi có thể sẽ khiến ai khó chịu.”


Theo ông, tác phẩm báo chí tốt nhất đến từ các phóng viên có mặt tại hiện trường. “Đó là lý do tại sao CBC News có những người túc trực để đưa tin mọi lúc mọi nơi.”


“Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ mở cửa với các nhà báo của chúng tôi một lần nữa, cũng như việc chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó Nga sẽ xem xét lại quyết định trục xuất chúng tôi.”


Ông viết: “Thiên chức cao nhất của báo chí là tìm kiếm sự thật. Khi nói đến Nga và Trung Quốc, ít nhất là tại thời điểm này, chúng ta phải tìm ra những cách thức mới và khác biệt, để tiếp tục mang lại những tin tức tốt nhất cho người Canada, về các sự kiện và con người tại những khu vực này, trên phạm vi quốc tế và thế giới.”


Trong một báo cáo ngày 2/3/2020, Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (Foreign Correspondents Club of China, FCCC) cho biết, Bắc Kinh đã “vũ khí hóa” thị thực, xem nó như một phần của biện pháp gia tăng áp lực đối với giới phóng viên nước ngoài.


Ngoài ra, năm 2019, FCCC cũng chỉ ra rằng “Bức tường lửa vĩ đại” (Great Firewall) của ĐCSTQ đã tận lực kiểm duyệt ngôn luận trên mạng Internet.

Trong tổng số 215 tổ chức truyền thông quốc tế có phóng viên ở Trung Quốc, có tới 23% trang web của họ bị chặn tại Trung Quốc, 31% trang truyền thông quốc tế bằng tiếng Anh đã bị ĐCSTQ ngăn chặn truy cập, nhưng danh sách này vẫn không ngừng gia tăng, khiến người dân ở Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng việc truy cập vào các kênh tin tức nước ngoài.


Bình Minh (t/h)

Nghiên cứu vệ tinh: ĐCSTQ báo cáo GDP sai lệch gần 1/3 trong 20 năm qua Một báo cáo mới cho thấy Trung Quốc có thể đã thổi phồng tăng trưởng GDP quá mức gần 1/3 trong 20 năm qua.

Chia sẻ Facebook