Hãng thuốc lá Juul chấp thuận nộp phạt 22,5 triệu USD
Ngày 13/4, công ty sản xuất thuốc lá điện tử Juul của Mỹ đã chấp nhận nộp phạt 22,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện vào năm 2020.
Trong đó, công ty Juul bị cáo buộc cố tình tiếp thị sản phẩm cho trẻ vị thành niên và không cung cấp đầy đủ thông tin về hàm lượng chất gây nghiện trên bao bì sản phẩm.
Trong vụ kiện, công ty Juul bị cáo buộc sử dụng nhiều hình ảnh người trẻ tuổi hút thuốc lá điện tử để quảng cáo sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các loại thuốc lá điện tử có hương vị trái cây để hấp dẫn trẻ vị thành niên. Juul cũng bị cáo buộc không đưa thông tin về hàm lượng nicotine trên bao bì sản phẩm trong giai đoạn trước năm 2018, mặc dù hàm lượng nicotine trong các sản phẩm của công ty này cao gấp 5 lần các sản phẩm tương tự khác.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty Juul bị cáo buộc tiếp thị sản phẩm cho trẻ vị thành niên. Năm 2021, công ty này đã phải chi 14,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện ở bang Arizona (Mỹ) và cam kết không tiếp thị sản phẩm cho thanh thiếu niên ở bang này.
Ngày 28/6/2021, giới chức bang North Carolina (Mỹ) cho biết, công ty sản xuất thuốc lá điện tử Juul đã chấp nhận chi 40 triệu USD để dàn xếp với chính quyền bang này về những khiếu nại công ty vi phạm các quy định tiếp thị sản phẩm.
Đây là thỏa thuận dàn xếp đầu tiên mà Juul đạt được với một bang của Mỹ sau khi một số bang khác đã kiện công ty này về những vi phạm quy định trong tiếp thị sản phẩm đối với người tiêu dùng. Theo thỏa thuận, Juul Labs sẽ buộc phải điều chỉnh cách thức hoạt động kinh doanh tại bang North Carolina nhằm đảm báo sản phẩm thuốc lá điện tử của hãng không đến tay trẻ em, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm đối tượng dễ tổn thương này.
Người đứng đầu ngành tư pháp bang North Carolina, Jeff Stein, đã mở cuộc điều tra sai phạm của Juul vào năm 2018 và đệ đơn kiện công ty này vào một năm sau đó. Đơn kiện nêu rõ, Juul đã tiếp thị sản phẩm thuốc lá điện tử theo cách lôi kéo khách hàng là người trẻ tuổi và sử dụng các chiêu bài tiếp thị gây nhầm lẫn trong cách hiểu của người tiêu dùng về tác hại của nicotine trong các sản phẩm của hãng.
Theo thỏa thuận dàn xếp, Juul không thể bán sản phẩm thuốc lá điện tử cho bất cứ khách hàng nào nếu tuổi của khách hàng không được chứng thực thông qua một hệ thống độc lập.
Trong tuyên bố trên website của công ty, Juul cho biết, thỏa thuận này phản ánh nỗ lực không ngừng của công ty nhằm xây dựng lại hình ảnh, mối quan hệ của công ty với các cổ đông, đồng thời cam kết tiếp tục ngăn chặn người dưới độ tuổi quy định hút thuốc lá điện tử và thúc đẩy nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá điện tử đối với người dùng.
Thủ đô Washington DC, Mỹ vừa đệ đơn kiện nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất nước Mỹ Juul vì nhắm tới giới trẻ trong các chiến dịch tiếp thị sản phẩm của hãng.