Hàng quán trên toàn cầu điêu đứng vì bão giá, đã ‘đói’ khách còn gặp lạm phát
Chịu lỗ hoặc mất khách: Cơn đau đầu của hàng quán thời lạm phát.
Theo hãng tin Reuters, lạm phát phi mã đang khiến nhiều ngành kinh doanh gặp nạn và các hàng quán không là ngoại lệ.
Ví dụ như ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, lợi nhuận của nhà hàng lẩu Ma Hong đã giảm 1/5 so với lúc khai trương vì giá gân bò đã tăng hơn 50% trong khi nhiều nguyên liệu cũng lên giá.
"Giá đầu vào tăng là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì giá bán để giữ khách. Đại dịch đã khiến mọi người ít đi ăn hàng hơn nên tình hình khá khó khăn. Điều này diễn ra trên khắp Bắc Kinh chứ không phải riêng Ma Hong chúng tôi", ông chủ Ma ngán ngẩm.
Hãng tin Reuters nhận định bão giá toàn cầu đang khiến hàng quán khắp thế giới gặp khó khi phải lựa chọn thua lỗ để giữ khách hay nâng giá trong bối cảnh người dân còn chưa đi ăn nhiều trở lại.
Trên thực tế, chuỗi cung ứng thực phẩm đã đứt gãy từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra và vẫn chưa hồi phục lại hoàn toàn thì nay lại phải hứng chịu cuộc xung đột Ukraine. Theo nhận định của Reuters, người dân Châu Á có lẽ sẽ nhận ra tác động khá lớn bởi nhiều hộ nghèo có thu nhập chính từ những quán ăn ven đường, trong khi văn hóa ăn ngoài đã quá quen thuộc nơi đây.
Anh Mohammad Ilyas, chủ một quán ăn nhỏ tại Karachi-Pakistan cho biết giá 1 kg cơm tấm tại đây, đủ để nuôi gia đình 3-4 người ăn đã tăng gấp đôi lên 400 Rupee Pakistani, tương đương 2,2 USD.
"Tôi đã làm nghề này 15 năm và chưa bao giờ chứng kiến cảnh như thế này. Giá gạo và thực phẩm đã lên cao đến mức mà người nghèo chẳng thể mua nổi", anh Ilyas ngậm ngùi.
Việc giá cả tăng cao đang khiến nhiều hàng quán cắt bớt khẩu phần nhằm vẫn giữ giá bán. Tại một góc đường ở thủ đô Jakarta-Indonesia, chủ quán ăn Syahrul Zainullah đã phải giảm khẩu phần cơm rang thay vì tăng giá hoặc dùng nguyên liệu rẻ tiền.
Tại Hàn Quốc, lạm phát đã lên mức cao nhất 10 năm qua và bà chủ Choi Sun Hwa của một nhà hàng cho biết với cùng một giá tiền thì hiện nay chỉ còn mua được 7/10 nguyên liệu làm kimchi so với trước. Kimchi vốn là món ăn chính truyền thống của người dân Hàn Quốc nhưng giờ đây lạm phát lại khiến chúng dần đắt đỏ. Sự tăng giá này khiến những chủ quán như bà Choi buộc phải nâng giá theo nếu không muốn bị đóng cửa.
Không riêng gì các chủ nhà hàng, đến khách hàng cũng cảm nhận được áp lực lạm phát.
"Tôi chẳng thể đòi hỏi nhà hàng tặng thêm kimchi miễn phí vì chúng ngày càng đắt, trong khi tự làm thì còn đắt hơn vì giá nguyên liệu tăng. Bởi vậy tôi chấp nhận bỏ tiền mua thêm kimchi khi ăn ở đây", khách hàng Seo Jae Eun của cửa hàng bà Choi cho biết.
Đà tăng giá của các quán ăn khiến nhiều người Châu Á phải nghĩ lại việc chi tiêu ăn uống của mình. Anh Steven Chang, một lao động 24 tuổi thường xuyên ăn tại quán Jusst Noodles ở Đài Bắc cho biết mình có lẽ sẽ hạn chế chi tiêu cho ăn ngoài.
"Tôi sống xa nhà nên khá phụ thuộc vào các quán ăn. Tuy nhiên tôi sẽ giới hạn điều này lại và cố gắng tự nấu ở nhà nhiều hơn", anh Chang cho biết.
Tăng, tăng và tăng
Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy giá cả thực đơn tại các nhà hàng nước này (bao gồm cả quán bar và quán cà phê) đã lên cao nhất 40 năm qua. Cụ thể, giá thực phẩm hàng quán đã tăng 6,4% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Tuy nhiên con số này chỉ là bề nổi bởi nhiều hàng quán còn tăng giá mạnh hơn nhiều. Ví dụ như Starbuycks hay McDonald’s đã tăng giá bình quân 8% trong năm qua. Nếu loại trừ quán bar và cà phê, thực đơn của các quán ăn tại Mỹ đã tăng trung bình 7,1%.
Nếu tính trên hóa đơn thì các thực khách tại Mỹ đã phải trả thêm 7% trong năm vừa qua. Giá thực phẩm mua ngoài siêu thị về nấu cũng chẳng rẻ hơn là bao khi tăng tới 7,4%.
Việc các nhà hàng tăng giá là điều dễ hiểu khi khảo sát của BLS cho thấy chi phí chế biến thực phẩm của họ đã tăng tới 13% do nguyên liệu, năng lượng, chi phí nhân công... đều đi lên. Người lao động Mỹ lười trở lại làm hậu đại dịch khiến các chủ cửa hàng phải tăng lương đến 10% để kiếm đủ nhân viên.
"Chúng ta sẽ còn chứng kiến mọi thứ tồi tệ hơn nữa. Việc thiếu vắng những lương thực như lúa mỳ trên thị trường sẽ khiến giá thực phẩm tăng mạnh, thế rồi giá phân bón đi lên do nguồn cung từ Nga đứt gãy, giá nhiên liệu đi lên cùng nhiều thứ khác nữa", chuyên gia nghiên cứu Tom Tunstall của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế UTSA nhận định.
*Nguồn: Reuters
Băng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế